Ủy ban Pháp luật của Quốc hội bàn về thành lập thành phố Phổ Yên

Việc thành lập thành phố Phổ Yên là cần thiết, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn đô thị Phổ Yên nói riêng, tỉnh Thái Nguyên nói chung.
Ủy ban Pháp luật của Quốc hội bàn về thành lập thành phố Phổ Yên ảnh 1Toàn cảnh thị xã Phổ Yên. (Nguồn: Trung tâm VHTT&TT thị xã Phổ Yên)

Ngày 10/2, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 4, thẩm tra Tờ trình của Chính phủ về việc thành lập các phường thuộc thị xã Phổ Yên và thành lập thành phố Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định dự phiên họp.

Trình bày Tờ trình, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết việc thành lập 9 phường trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên và dân số của 9 xã của thị xã Phổ Yên (gồm Đắc Sơn, Nam Tiến, Tiên Phong, Đông Cao, Tân Phú, Thuận Thành, Hồng Tiến, Tân Hương, Trung Thành) là cần thiết, tạo thuận lợi cho việc thiết lập mô hình tổ chức chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý Nhà nước trên địa bàn; phù hợp với quy hoạch phát triển hệ thống đô thị tỉnh Thái Nguyên và của thị xã Phổ Yên.

Bên cạnh đó, từ hiện trạng kinh tế-xã hội, tốc độ đô thị hóa ở các xã đề nghị thành lập phường, quy hoạch và định hướng phát triển của thị xã Phổ Yên, việc thành lập thành phố Phổ Yên trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên, quy mô dân số của thị xã Phổ Yên là cần thiết, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn đô thị Phổ Yên nói riêng, tỉnh Thái Nguyên nói chung, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân và cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể của thị xã Phổ Yên.

Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng nêu rõ việc thành lập 9 phường thuộc thị xã Phổ Yên và thành lập thành phố Phổ Yên thuộc tỉnh Thái Nguyên bảo đảm các điều kiện quy định tại khoản 2, Điều 128 Luật Tổ chức chính quyền địa phương; đạt đủ 4/4 tiêu chuẩn để thành lập phường và đạt đủ 5/5 tiêu chuẩn để thành lập thành phố thuộc tỉnh quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Qua thảo luận, các thành viên Ủy ban Pháp luật cho rằng Phổ Yên là đô thị trung tâm công nghiệp, dịch vụ, thương mại, du lịch phía Nam của tỉnh Thái Nguyên, tiếp giáp với Thủ đô Hà Nội.

Với vị trí địa lý thuận lợi và có nhiều khu công nghiệp đóng trên địa bàn, thị xã Phổ Yên là trung tâm tiếp nhận, chuyển giao và lan tỏa công nghệ hiện đại của tỉnh Thái Nguyên.

Trong những năm qua, thị xã Phổ Yên và các xã Đắc Sơn, Nam Tiến, Tiên Phong, Đông Cao, Tân Phú, Thuận Thành, Hồng Tiến, Tân Hương, Trung Thành thuộc thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên đã có những bước phát triển mạnh mẽ về kinh tế-xã hội, cơ cấu kinh tế dịch chuyển theo hướng tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ và giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp; quá trình đô thị hóa và việc mở rộng không gian đô thị đã có tác động nhiều mặt đến công tác quản lý, điều hành của chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính này.

Vì vậy, các đại biểu tán thành sự cần thiết thành lập các phường và thành phố Phổ Yên trên cơ sở nguyên trạng các đơn vị hành chính đã có nhằm tổ chức bộ máy chính quyền đô thị phù hợp để phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, đáp ứng yêu cầu phát triển và quản lý đô thị trên địa bàn.

[Ủy ban Pháp luật của Quốc hội họp phiên toàn thể lần thứ 2]

Hồ sơ Đề án, trình tự, thủ tục lập Đề án đều đáp ứng đủ quy định của pháp luật, bảo đảm đủ điều kiện để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua tại phiên họp thứ 8 (tháng 2/2022) sắp tới.

Nhiều đại biểu lưu ý trường hợp Nghị quyết này được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, đề nghị xác định ngày có hiệu lực thi hành của Nghị quyết là ngày 10/4 để các cơ quan, tổ chức, địa phương kịp thời kiện toàn tổ chức, thay đổi con dấu và các điều kiện cần thiết khác cho hoạt động của đơn vị hành chính mới được thành lập.

Một số ý kiến nhấn mạnh, việc thành lập thành phố Phổ Yên sẽ có nhiều tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế-xã hội, quá trình đô thị hóa, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội cũng như đời sống của người dân trên địa bàn.

Song cùng với đó sẽ có nhiều vấn đề phát sinh như quỹ đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp; việc phát triển nhanh các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp sẽ thu hút lao động từ các địa phương khác dịch chuyển về đô thị làm cho dân số cơ học tăng nhanh, nhu cầu việc làm, nhà ở và an sinh xã hội của người dân tăng cả về số lượng và chất lượng; nhiều vấn đề phát sinh về môi trường, yêu cầu về quy hoạch, kiến trúc, cảnh quan đô thị...

Vì vậy, đề nghị Chính phủ, chính quyền tỉnh Thái Nguyên quan tâm, có định hướng, giải pháp toàn diện phát triển thành phố Phổ Yên và các phường sau khi được thành lập, bảo đảm phát triển đô thị theo hướng bền vững, gắn với xây dựng chính quyền điện tử, ứng dụng công nghệ số.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh tỉnh Thái Nguyên trong những năm gần đây đã vươn lên mạnh mẽ.

Nội dung lần này trình nếu được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý sẽ tiếp tục tạo cú huých thúc đẩy phát triển tỉnh Thái Nguyên sớm thành một trong những tỉnh phát triển của khu vực./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục