VAMA: Lo lắng xe nhập khẩu bị ‘gò ép’ theo quy chuẩn Việt Nam

VAMA lo lắng cho các thủ tục kiểm tra chất lượng và bảo vệ môi trường áp dụng cho xe ôtô nhập khẩu cho phù hợp với các quy định tại Nghị định, Thông tư của Việt Nam.
VAMA: Lo lắng xe nhập khẩu bị ‘gò ép’ theo quy chuẩn Việt Nam ảnh 1Mẫu xe Ford Ranger được nhập khẩu nguyên chiếc về Việt Nam. (Ảnh: Ford Việt Nam)

Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) bày tỏ sự lo ngại và cho rằng khó có thể thực hiện nếu chiểu theo những quy định trong Nghị định 116/2017/NĐ-CP của Chính phủ cũng như Thông tư 31 và 55 đang được Bộ Giao thông Vận tải tiến hành sửa đổi liên quan đến thủ tục kiểm tra chất lượng và bảo vệ môi trường áp dụng cho xe ôtô nhập khẩu cho phù hợp với các quy định tại Nghị định 116.

“Gò ép” theo quy chuẩn Việt

Liên quan đến yêu cầu các doanh nghiệp nhập khẩu ôtô phải cung cấp giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài, đa số các thành viên VAMA đều không thể tìm được bất kỳ một giấy chứng nhận kiểu loại nước ngoài nào phù hợp với thông số kỹ thuật của các xe ôtô nhập khẩu vào Việt Nam.

[Công nghiệp ôtô: Không giảm được chi phí sẽ tiếp tục phải nhập khẩu]

Cụ thể, Chính phủ của mỗi quốc gia tiến hành thử nghiệm và cấp chứng nhận theo tiêu chuẩn của quốc gia đó cho các xe ôtô tiêu thụ trong nước. Các xe ôtô sản xuất để xuất khẩu không thuộc đối tượng này.

Hơn nữa, các xe xuất khẩu được sản xuất với mục tiêu đáp ứng mong đợi của khách hàng và tiêu chuẩn cụ thể của từng quốc gia nhập khâu. Do đó, VAMA khẳng định sẽ có sự khác biệt giữa thông số kỹ thuật và mã kiểu loại của xe xuất khẩu và xe tiêu thụ trong nước.

Ngoài ra, một số quốc gia cũng không có giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại vì Chính phủ chỉ kiểm tra khí thải hoặc để nhà sản xuất tự chứng nhận. Một số nước có giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại nhưng có thể không được Cục Đăng kiểm Việt Nam chấp nhận do có sự khác biệt về vị trí tay lái, tiêu chuẩn khí thải hay thông số kỹ thuật.

Là đơn vị có nhiều mẫu xe được nhập khẩu vào Việt Nam như Ranger, Everest từ Thái Lan và Explorer từ Hoa Kỳ, ông Phạm Văn Dũng, Tổng giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Ford Việt Nam đưa ra dẫn chứng điểm khác nhau về kiểu loại, tiêu chuẩn khí thải.

Cụ thể, Văn phòng Bảo vệ Môi trường (EPA) là tổ chức có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn về khí thải cho phương tiện được lưu hành tại Hoa Kỳ theo tiêu chuẩn khí thải của Hoa Kỳ. Trong khi Việt Nam đang áp dụng tiêu chuẩn về khí thải theo tiêu chuẩn châu Âu (ECE) nên khi đặt hàng, Ford Việt Nam đã làm việc với phía Hoa Kỳ, sản xuất mẫu xe Ford Explorer cho thị trường Việt theo tiêu chuẩn khí thải ECE châu Âu (khác với mẫu xe đang được bán tại thị trường Hoa Kỳ).

Do đó, VAMA đề nghị Bộ giao thông Vận tải và Cục Đăng kiểm quy định tại các thông tư sửa đổi của Thông tư 31 và 55 về việc chấp nhận cho các nhà nhập khâu ôtô nộp giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại được cấp bởi Cục Đăng kiểm, thay thế cho các giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại nước ngoài.

[Khoanh vùng số lượng ôtô tồn đọng để áp dụng tiêu chuẩn Euro 4]

Khẳng định các thành viên VAMA không thể tuân thủ được quy định yêu cầu thử nghiệm đối với từng lô xe nhập khẩu, phía VAMA lý giải quy định này do gánh nặng của việc cùng một mẫu xe nhập khẩu mà vẫn bị thử nghiệm đi thử nghiệm lại về khí thải và an toàn theo từng lô hàng nhập khẩu.

“Quy định này không hề có ý nghĩa về mặt quản lý chất lượng và chỉ làm lãng phí thêm thời gian (lên tới 2 tháng) và tăng chi phí (lên tới 10.000 USD) cho việc thử nghiệm theo từng lô hàng,” lãnh đạo VAMA phàn nàn nói.

Ngoài ra, trong thời gian này, rất nhiều xe khác trong cùng lô xe nhập khẩu sẽ buộc phải lưu kho ở cảng đồng thời cũng băn khoăn về sức chứa của các cảng hiện tại cũng như điều kiện, công suất phòng thử nghiệm của Cục Đăng kiểm Việt Nam không đủ đáp ứng được khi thực hiện quy định mới này.

Vì thế, VAMA đề nghị Bộ Giao thông Vận tải và Cục Đăng kiểm khi tiến hành sửa đổi Thông tư 31 và 55 cân nhắc bổ sung quy định chỉ thử nghiệm khí thải và an toàn cho lô hàng đầu tiên và chấp nhận báo cáo thử nghiệm cho các lô hàng tiếp theo như quy định hiện hành, mà không cần thử nghiệm lại.

Phải có đường thử chuẩn

Thừa nhận yêu cầu về đường thử đối với các nhà sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước là điều bắt buộc phải sở hữu hoặc thuê đường thử có tổng chiều dài lên tới 800m. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, không có thành viên VAMA nào có sẵn đường thử đáp ứng điều kiện của Nghị định 116.

Điều này có nghĩa là mỗi thành viên VAMA cần phải xin thêm đất và đầu tư thêm vào việc xây đường thử mới hoặc mở rộng đường thử hiện tại, hay phải có hợp đồng thuê đường thử.

“Nhiều thành viên trong Hiệp hội không thể đáp ứng được yêu cầu này do không có đủ đất cho việc xây dựng mới hoặc mở rộng thêm đường thử. Việc thuê đường thử cũng có nhiều khó khăn do chi phí rất lớn cho việc thuê đường thử và chi phí vận chuyển xe từ nhà máy sang khu vực đường thử và ngược lại, do Nghị định 116 quy định 100% xe lắp ráp trong nước phải được thử trên đường thử,” lãnh đạo VAMA cho hay.

VAMA đề xuất Bộ Công Thương không áp dụng hồi tố yêu cầu này đối với các nhà sản xuất đã đầu tư và đang hoạt động bình thường hiện nay./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục