Vẫn còn hạn chế trong quy hoạch, quản lý đất đai đô thị ở Đà Nẵng

Trong quá trình triển khai Luật Đất đai năm 2013 ở thành phố Đà Nẵng, vẫn còn những vấn đề tồn tại nhất định cần phải được khắc phục, trong đó có công tác quy hoạch, quản lý sử dụng đất đai đô thị.
Vẫn còn hạn chế trong quy hoạch, quản lý đất đai đô thị ở Đà Nẵng ảnh 1Một góc thành phố Đà Nẵng nhìn từ cầu Thuận Phước. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Kể từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến nay, thành phố Đà Nẵng đã chủ động áp dụng vào thực tiễn tại địa phương. Từ đó, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội của thành phố. Tuy nhiên, trong quá trình đó vẫn còn một số hạn chế cần phải khắc phục.

Triển khai thi hành Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai, trên cơ sở quy định pháp luật đất đai giao địa phương một số nhiệm vụ, thẩm quyền ban hành văn bản quy định thi hành, Thành ủy, Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng đã ban hành cơ bản kịp thời, đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật để triển khai thi hành Luật Đất đai năm 2013.

Trên cơ sở quy hoạch chung và quy hoạch phân khu, thành phố Đà Nẵng đã triển khai hàng loạt các đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 để từng bước thực hiện mục tiêu phát triển không gian đô thị ra các hướng Tây, Tây-Bắc, Nam, Đông-Nam. Đối với khu vực trung tâm, thành phố đã lập quy hoạch chi tiết xây dựng các quận Hải Châu, Thanh Khê; triển khai xây dựng Trung tâm Hành chính thành phố.

[Luật Đất đai năm 2013: Đã đến lúc cần thay ‘tấm áo hẹp’]

Ngoài ra, thành phố đã phối hợp và đạt thỏa thuận với các cơ quan của Bộ Quốc phòng, Quân khu V về sử dụng đất gắn phát triển kinh tế với quốc phòng; đạt thỏa thuận với tỉnh Thừa Thiên-Huế và Quảng Nam về quy hoạch xây dựng vùng giáp ranh theo hướng phát triển liên kết vùng; phối hợp tỉnh Thừa Thiên-Huế lập quy hoạch phát triển không gian khu vực, hướng liên kết với vùng Lăng Cô-Bạch Mã và đỉnh đèo Hải Vân.

Việc phát triển các khu đô thị mới, khu tái định cư, khu công nghiệp, khu du lịch được tiến hành đồng thời với việc chỉnh trang đô thị; nhiều công trình có quy mô lớn, nhiều khu đô thị mới có hạ tầng đồng bộ, hiện đại đã được khởi công xây dựng, hoàn thành, đưa vào sử dụng, tích cực phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, cải thiện môi trường, nâng cao chất lượng sống của nhân dân và diện mạo thành phố.

Tuy nhiên, trong quá trình đó vẫn còn những vấn đề tồn tại nhất định cần phải được khắc phục như: xuất hiện việc cấp đất, giao đất cho thuê đất sai đối tượng cũng như không đúng theo luật định; việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai và hồ sơ địa chỉ điện tử phục vụ cho công tác đăng ký, cấp giấy chứng nhận chưa đáp ứng với yêu cầu; một số cán bộ lợi dụng chức vụ để trục lợi và tạo điều kiện cho một số đối tượng xấu mua đất công với giá rẻ hơn thị trường nhiều lần…

Ông Nguyễn Văn Tám (cán bộ hưu trí, trú tại quận Thanh Khê) cho biết trong thời gian qua việc khai thác từ quỹ đất đã góp phần không nhỏ vào việc phát triển kinh tế-xã hội thành phố. Thành phố cũng đã đẩy mạnh chỉnh trang đô thị, trong đó có hàng chục nghìn hộ dân bị ảnh hưởng nhưng điều này đã tạo ra diện mạo đô thị khang trang mang tầm vóc mới. Tuy nhiên, bên cạnh đó Đà Nẵng còn có những sai lầm trong việc cấp đất, giao đất, cho thuê đất đối với một số cá nhân, tổ chức không theo quy định của pháp luật, gây thất thoát tài sản của nhà nước, nhân dân cần được xử lý nghiêm minh.

Đối với những sai phạm liên quan đến đất đai trong thời gian qua tại thành phố Đà Nẵng thì cơ quan chức năng đang tiến hành thanh tra, điều tra và xử lý theo quy định của pháp luật. Cơ quan chức năng cũng đã tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với một số nguyên lãnh đạo, cán bộ chủ chốt của Đà Nẵng.

Theo một số nhà chuyên môn trong lĩnh vực quản lý đất đai, Đà Nẵng cần triển khai các giải pháp mang tính đồng bộ để việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý sử dụng đất đai trên địa bàn được triển khai tốt hơn. Cụ thể, để phục vụ tốt cho công tác quản lý đất đai cần xem việc xây dụmg cơ sở dữ liệu đất đai dạng số đến từng thửa đất là mục tiêu cơ bản của công tác quản lý nhà nước về đất đai; đồng thời phải cập nhật thường xuyên, đầy đủ, kịp thời các biến động đất đai diễn ra hàng ngày nhằm tiến tới đăng ký giao dịch, cung cấp thông tin đất đai (có thu phí) bằng điện tử, đây là xu hướng quản lý, sử dụng đất đai hiệu quả, khoa học của các nước trên thế giới.

Thành phố cần đẩy mạnh công tác cải cách hành chính liên quan đến đất đai, theo đó ưu tiên cải cách thủ tục hành chính về đất đai và hiện đại hóa công tác quản lý theo hướng đơn giản hơn, nhanh hơn, hợp lý hơn, thuận tiện hơn và thân thiện hơn. Bên cạnh đó, thành phố không ngừng rà soát, phát hiện những vấn đề tồn tại bất cập trong chính sách quản lý đất đai hiện hành của Trung ương và địa phương nhằm tổng hợp báo cáo đề xuất sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về đất đai, nhất là thủ tục hành chính về đất đai phải phù hợp, đơn giản, chặt chẽ, rút ngắn thời gian giải quyết…

Ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng, khẳng định để công tác quản lý, sử dụng đất được tốt hơn, cần thực hiện các cuộc điều tra xã hội học một cách khách quan theo từng nhóm đối tượng về tiếp cận, mức độ nhận thức, mức độ chấp hành các quy định của Luật Đất đai để từ đó đưa ra đánh giá, nhận xét và có giải pháp tốt hơn; thường xuyên rà soát, tiếp nhận phản hồi từ các nhóm đối tượng quản lý, sử dụng đất để tổng hợp được sự mâu thuẫn, chồng chéo với các quy định của pháp luật khác.

Từ đó, kịp thời điều chỉnh, nhằm góp phần triển khai hiệu quả chính sách; tổ chức cơ quan tham mưu quản lý đất đai, cơ quan dịch vụ công về đất đai theo hướng chuyên môn hóa, phân biệt chức năng, nhiệm vụ rõ ràng, cụ thể, không để sự chồng chéo hoặc giao thoa về chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền. Đồng thời cần phân loại dịch vụ công theo yêu cầu về thời gian giải quyết của khách hàng và theo quy định của pháp luật nhằm tạo sự công bằng, khách quan, phòng chống tiêu cực và tăng nguồn thu phí, phục vụ tái đầu tư cho công tác quản lý đất đai…

Đà Nẵng là thành phố trẻ, tuy nhiên trong thời gian ngắn đã có những bước tiến vượt bậc trong việc chỉnh trang đô thị, phát triển kinh tế-xã hội. Và tất nhiên, trong quá trình phát triển nhanh đó, chắc chắn không tránh khỏi những khiếm khuyết trong việc quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị. Song với quyết tâm của lãnh đạo thành phố, sự đồng thuận của nhân dân Đà Nẵng, chắc chắn thành phố bên bờ sông Hàn sẽ sớm khắc phục được những khó khăn, tiếp tục tiến những bước dài và vững chắc trên con đường phát triển của mình./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục