Vấn đề Hồi giáo của châu Âu và cuộc thập tự chinh thế tục mới

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron dường như đã đi đầu một cách có ý thức trong việc phát động một cuộc thập tự chinh thế tục để “cứu rỗi linh hồn của châu Âu."
Vấn đề Hồi giáo của châu Âu và cuộc thập tự chinh thế tục mới ảnh 1Hàng chục nghìn người biểu tình tuần hành khắp thủ đô Dhaka, Bangladesh, kêu gọi tẩy chay các sản phẩm của Pháp để phản đối quan điểm của Tổng thống Emmanuel Macron bênh vực các tranh biếm họa nhà tiên tri Mohammed. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng aljazeera.com, “vấn đề Hồi giáo” ngày nay đang nhanh chóng trở thành những gì mà “vấn đề Do Thái” đã xảy ra ở châu Âu trong thế kỷ 19.

Thái độ tiêu cực đối với Đạo Hồi và các cộng đồng Hồi giáo đang ngày càng đặt ra giới hạn cho sự khoan dung tôn giáo, đa nguyên và dân chủ.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron dường như đã đi đầu một cách có ý thức trong việc phát động một cuộc thập tự chinh thế tục để “cứu rỗi linh hồn của châu Âu," nhưng hành động của ông là sai lầm vì chúng rơi vào tay của những kẻ cực đoan mà ông muốn nhắm tới.

Việc xuất bản những chuyện tranh biếm họa về Nhà tiên tri Mohamed (Người sáng lập đạo Hồi) và tăng gấp đôi số lượng xuất bản không phải là bảo vệ quyền tự do ngôn luận; đây là một hành động cực đoan theo đúng nghĩa của nó.

Như học giả Anne Norton của Đại học Pennsylvania đã ghi nhận trong cuốn sách xuất sắc của bà ''Về vấn đề Hồi giáo,'' vấn đề Do Thái trong thế kỷ 19 là một bài kiểm tra các giá trị Khai sáng của lý trí, lòng khoan dung và sự hòa nhập.

Chỉ bằng cách đối xử với người Do Thái, vốn chịu đựng sự phân biệt đối xử và ngược đãi hàng thế kỷ, một cách công bằng thì châu Âu mới có thể tuyên bố là một nền văn minh dựa trên lý trí, đạo đức và tự do.

Ngày nay, cách đối xử với đạo Hồi và các cộng đồng Hồi giáo ở phương Tây là một phép thử mang yếu tố quyết định đối với các giá trị dân chủ và đa nguyên mà các xã hội phương Tây tuyên bố ủng hộ.

Các vụ bạo lực mà chúng ta đã chứng kiến trong vài tháng qua ở châu Âu báo trước một giai đoạn mới đầy nguy hiểm trong lịch sử hiện đại của chủ nghĩa cực đoan tôn giáo và thế tục là những hệ tư tưởng chuyên chế, cả hai đều muốn áp đặt ý trí của mình lên thế giới và không ngần ngại trừng phạt bất cứ ai cản đường.

Chủ nghĩa cực đoan và chủ nghĩa chuyên chế trong các hình thức tôn giáo và thế tục của chúng không thừa nhận ranh giới sắc tộc hoặc tôn giáo.

Bằng cách tuyên bố rằng “Hồi giáo đang gặp khủng hoảng trên khắp thế giới” và bảo vệ việc tái xuất bản tranh biếm họa của Tuần báo trào phúng Charlie Hebdo về Nhà tiên tri Mohammed, Tổng thống Macron không chỉ tạo ra những cơ hội mới để tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS), al-Qaeda và các nhóm khủng bố khác chiêu mộ và leo thang bạo lực, mà ông còn xúc phạm toàn bộ thế giới Hồi giáo.

Yêu cầu người khác từ bỏ các giá trị tôn giáo của họ bởi vì bạn đã đánh mất chúng không làm cho hoạt động chính trị của bạn trở nên hợp lý hay đáng được tôn trọng.

[5 năm sau cuộc tấn công ở Paris, Pháp vẫn chìm trong nỗi lo khủng bố]

Đối với người Hồi giáo, Nhà tiên tri Muhammed vẫn là nhân vật thiêng liêng và được tôn sùng nhất bất kể chủ nghĩa thế tục, tính chất hiện đại, Khai sáng hay tiến bộ công nghệ hình thành nơi chúng tồn tại như nào. Tôn trọng điều này không phải là thỏa hiệp với chủ nghĩa cực đoan bạo lực mà là một nhiệm vụ chính trị và đạo đức.

Ông Macron có thể tìm kiếm một số lợi thế chính trị trong việc vận động một cuộc thập tự chính thế tục mới chống lại đạo Hồi và coi các cộng động Hồi giáo là “người khác” của nền văn minh phương Tây.

Nhưng nhiệm vụ này sẽ không giúp giảm bớt cuộc khủng hoảng mà đất nước ông và những nước khác trong khu vực đang gặp phải. Ông kêu gọi cải cách đạo Hồi để nó phù hợp với “các giá trị” của Cộng hòa Pháp vào thời điểm xã hội Pháp mất niềm tin vào chính những giá trị này.

Vấn đề Hồi giáo của châu Âu và cuộc thập tự chinh thế tục mới ảnh 2Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tuy nhiên, sự nghi ngờ bản thân dường như không ngăn cản được những bốc đồng sâu sa của chủ nghĩa đế quốc. Nếu chỉ là vấn đề Macron hành động với ý thức trả thù chính trị, mọi việc có thể sẽ dễ dàng giải quyết hơn, nhưng nó còn đi xa hơn thế. Hành vi và biện hộ của ông Marcon phản ánh sự kiêu ngạo của chủ nghĩa duy lý thời hậu Khai sáng - một tư duy tìm cách cứu vãn chủ nghĩa duy lý phương Tây khỏi đống đổ nát của nó bằng cách tấn công đạo Hồi và Hồi giáo như sự tương phản của thế giới thế tục hiện đại.

Chủ nghĩa thế tục vũ phu và chủ nghĩa lấy châu Âu làm trung tâm là một phần của vấn đề. Mặt khác, làm thế nào người ta có thể giải thích về những lời kêu gọi cho một “Hồi giáo Pháp," bất kể đó là gì, khi chúng ta không nghe thấy những lời kêu gọi như vậy đối với Cơ đốc giáo Pháp, Do Thái giáo Pháp, Ấn Độ giáo Pháp…?

Ông Macron có thể hoặc không thể đạt được những gì ông muốn, song những chiến hào chính trị mà ông đã tự đào sẽ chỉ làm suy yếu thêm chính trị chính thống vốn đã bị tấn công liên tục từ phe cựu hữu ở châu Âu. Nếu đây là tinh thần chính trị của ông Macron, nó chắc chắn khác xa với suy nghĩ và diễn giải chính trị của nhà triết học người Pháp Paul Ricoeur, người mà ông Macron đã nghiên cứu ở trường đại học.

Người Hồi giáo trên khắp thế giới lên án và tố cáo những kẻ cực đoan, khủng bố đang thao túng tôn giáo của họ nhân danh chiến đấu chống lại những tệ nạn của nền văn hóa phương Tây thế tục hiện đại.

Là một người Hồi giáo, bổn phận của tôi trước bất kỳ ai khác là từ chối sự tàn bạo đối với đức tin của tôi dưới bàn tay của một số kẻ cực đoan bạo lực. Tôi phải chiến đấu chống lại môi trường xã hội và tôn giáo sản sinh ra những thứ giống như IS, al-Qaeda và các tổ chức khủng bố khác sát hại nhiều người Hồi giáo hơn bất kỳ nhóm nào khác và làm tổn thương đạo Hồi hơn bất kỳ kẻ thù nào khác. Ở đây không có sự mơ hồ.

Tuy nhiên, việc xuất bản và đồng ý phát hành những bức tranh biếm họa của Charlie Hebdo bởi giới tinh hoa chính trị nhân danh tự do ngôn luận là một hình thức bạo lực khác chống lại trái tim và khối óc của tất cả người Hồi giáo trên toàn thế giới. Nó chỉ làm tăng bức tường ngăn cách giữa xã hội Hồi giáo và phương Tây và sự mất lòng tin vào thời điểm chúng ta rất cần sự tin tưởng lẫn nhau. Việc lên tiếng chống lại hình thức bạo lực này không phải là giũ sạch tội ác của những kẻ khủng bố ở Pháp, Áo và những nơi khác. Nghĩa vụ chính trị và công dân là phải từ chối chủ nghĩa cựu đoan dưới mọi hình thức dù là tôn giáo hay thế tục. Đúng vậy, bạo lực sinh ra bạo lực. Chúng ta phải phá vỡ vòng luẩn quẩn này dưới mọi hình thức.

Cái gọi là “Vấn đề Hồi giáo” của châu Âu ngày nay sẽ không được giải quyết bằng cách tiến hành các cuộc thập tự chinh mới. Nó đòi hỏi một nền chính trị khôn ngoan hơn, một cảm giác tôn trọng thực sự với người khác và sự cân nhắc nghiêm túc hơn về các giá trị cũng như tương lai chung của chúng ta./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục