Về tuyến đường cao tốc độc đáo mới nhất của Nga

Mỗi mét của con đường độc đáo này có giá thành gần 1 triệu ruble (15.631 USD), phí qua lại cùng với chi phí xăng sẽ cao hơn nhiều so với giá vé máy bay hoặc xe lửa giữa hai thủ đô.
Về tuyến đường cao tốc độc đáo mới nhất của Nga ảnh 1Tuyến đường cao tốc thu phí M11. (Nguồn: teknoka.com)

Bình luận về sự kiện Nga khánh thành tuyến đường cao tốc thu phí M11 nối thủ đô Moskva với thành phố St. Petersburg vào ngày 27/11, Báo Độc lập đưa tin tuyến đường cao tốc M11 đã được khánh thành trọng thể.

Tại buổi lễ khánh thành, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh rằng đây là điều chưa từng có trong lịch sử xây dựng đường bộ của Nga. 

Mỗi mét của con đường độc đáo này có giá thành gần 1 triệu ruble (15.631 USD). Phí qua lại cùng với chi phí xăng sẽ cao hơn nhiều so với giá vé máy bay hoặc xe lửa giữa hai thủ đô. Người Nga đã mơ về con đường mới này trong gần 20 năm.

Con đường cao tốc mang nhiều kỳ vọng

Khai trương đường cao tốc M11 ngày 27/11, Tổng thống Putin nhấn mạnh tuyến đường này sẽ phục vụ sự phát triển kinh tế và giúp bảo tồn hệ sinh thái của các tỉnh. Ngoài ra, ông cũng lưu ý đến sự độc đáo của con đường mới.

“Ở nước ta, trong lịch sử của đất nước, trong lịch sử xây dựng đường bộ, chưa có con đường nào ở cấp độ, đẳng cấp như thế. Đây là điều đáng tự hào,” ông Putin phát biểu. Sau đó, nguyên thủ quốc gia Nga đã công bố tên chính thức con đường cao tốc mới là Neva.

Đường cao tốc M11, kết nối hai thành phố lớn nhất ở Nga, chạy từ đường vành đai dành cho ôtô MKAD ở Moskva đến điểm giao tiếp đường vành đai ôtô bao quanh St. Petersburg. Tổng chiều dài của đường cao tốc là gần 670km. M11 có 16 điểm thu phí, sáu khu vực dịch vụ đa chức năng và hàng chục điểm bán xăng dầu.

Một trong những nhiệm vụ chính của con đường mới là giảm tải cho xa lộ M10 Russia. Được biết, đi từ Moskva đến St. Petersburg trên đoạn đường cao tốc mới chỉ mất 6 tiếng, trong khi phải mất ít nhất 9 tiếng để đi đường cao tốc M10. Hai nhân tố sẽ ảnh hưởng đến điều này là giới hạn tốc độ cho phép (tại M11 tốc độ tối đa là 110-130 km/giờ) và mức thu phí.

Vì vậy, giá vé đi đường cao tốc mới cho xe ôtô hạng nhẹ vào các ngày trong tuần là 1.300 ruble (20,32 USD) cho xe sử dụng bộ thu phí điện tử không dừng và 1.800 ruble (28,14 USD) cho xe không sử dụng thiết bị này.

Trong các ngày nghỉ cuối tuần, giá vé tăng lên 1.500 ruble (23,45 USD) sử dụng thiết bị thu phí không dừng và 2.000 ruble (31,26 USD) nếu không sử dụng thiết bị này. Cộng thêm với tiền xăng thì chi phí của chuyến đi sẽ là 3.800 ruble (59,4 USD) cho một chiếc xe hơi.

Giới chức Nga tin rằng con đường mới sẽ tăng số lượng xe tham gia giao thông lên 20.000 xe mỗi ngày trong vòng một năm sau khi khai trương.

[Tổng thống Nga khai trương tuyến đường cao tốc Moskva–St. Petersburg]

Ngoài ra, việc khánh thành trước đó các đoạn thu phí của con đường đã giúp giảm gần 50% tỷ lệ tai nạn. Công ty quản lý con đường Avtodor dự tính đến năm 2030, tỷ lệ tử vong trên đường nhờ đưa vào sử dụng đường cao tốc mới này sẽ giảm từ 3-5 lần.

Tuyến đường cao tốc mới dự kiến sẽ giảm tải cho tuyến đường cao tốc đi từ thủ đô Moskva đến St. Petersburg, song việc giảm tải này diễn ra mất gần 10 năm. Việc khởi cộng xây dựng con đường diễn ra từ năm 2011, mặc dù thực tế là quyết định xây dựng của nó được nhà chức trách đưa ra từ năm 2010.

Một trong những lời giải thích của chính quyền về nguyên nhân không thể đưa con đường vào sử dụng năm 2018, dịp vòng chung kết bóng đá World Cup, là các nhà xây dựng không kịp gửi tài liệu báo cáo phần công việc. Xây dựng chậm và phát hiện khảo cổ ở tỉnh Leningrad.

Những vấn đề còn tồn tại

M11 cũng gần như là ví dụ đầu tiên về hợp tác công tư (PPP) ở Nga, với mỗi đoạn của tuyến đường được xây dựng theo thỏa thuận nhượng quyền riêng. Ông Vyacheslav Petushenko, Giám đốc điều hành công ty nhà nước Avtodor quản lý con đường, cho biết đây là dự án đầu tư lớn nhất và là cơ sở hạ tầng giao thông lớn nhất của nước Nga thời hậu Xô Viết.

Tổng chi phí dự án là khoảng 520 tỷ ruble (8,128 tỷ USD), trong đó 148 tỷ ruble là tiền đầu tư tư nhân. Kết quả là, trung bình khoảng 67 km đường được xây dựng mỗi năm, hoặc 5,5 km/tháng.

Đồng thời, chi phí cho 1km đường cũng vượt quá 700 triệu ruble (10,94 triệu USD). Và giá của một mét đường lên tới gần 1 triệu ruble. 

Để so sánh, Trung Quốc trong 30 năm qua đã xây dựng đường cao tốc với tốc độ trung bình 4.750km mỗi năm, hoặc gần 400km mỗi tháng. Do đó, nếu tính theo tốc độ xây dựng đường bộ của Trung Quốc, thì Nga có thể xây dựng cao tốc M11 chỉ trong khoảng 1,5 tháng.

Ngày 27/11 chỉ là ngày khai trương chính thức con đường cao tốc mới. Trên thực tế, con đường này đã được đưa vào vận hành, song người dân còn nhiều khiếu nại về nó. Không phải đoạn nào trên đường cao tốc cũng có hệ thống chiếu sáng và đúng là các trạm thu phí được chiếu sáng tốt.

Một nhược điểm khác là không thể di chuyển trên toàn tuyến M11 từ Moskva đến St. Petersburg. Để đi tránh ở Tver, bạn phải đi đường cao tốc liên bang miễn phí, nơi tốc độ cho phép là 60 km/giờ.

Trên thực tế, đoạn đường này vẫn chưa sẵn sàng đưa vào sử dụng. Truyền thông cũng lưu ý đến số lượng dịch vụ bên đường không đủ, đó là số lượng trạm xăng trên đường cao tốc. Ngoài ra, một số người cũng đặt dấu hỏi về giá xăng bán dọc con đường.

Các chuyên gia của “Báo Độc lập” cho rằng việc xây dựng đường cao tốc quan trọng nhất này đã để lộ cùng lúc nhiều vấn đề. ông Vladimir Savchenkov, Giám đốc điều hành công ty Fly Planning, lưu ý rằng sự chậm trễ trong việc xây dựng tuyến đường được giải thích bởi thực tế là toàn bộ con đường được xây dựng theo các đoạn tuyến riêng biệt, và mỗi đoạn được xây dựng theo thỏa thuận nhượng quyền riêng.

Các quy trình phê duyệt khác nhau làm tăng đáng kể thời gian và mỗi đoạn của con đường được đưa vào sử dụng ở các thời điểm khác nhau.

Theo ông Yuri Ponomarev, Trưởng phòng thí nghiệm nghiên cứu cơ sở hạ tầng và không gian thuộc Học viện Kinh tế quốc dân và Quản lý hành chính công trực thuộc Tổng thống Nga (RANEPA), việc kéo dài thời gian xây dựng là do Chính quyền giành thời gian làm thủ tục mua đất để xây dựng; phân bổ lại nguồn vốn ngân sách phục vụ các dự án cơ sở hạ tầng lớn khác; thay đổi điều kiện kinh tế vĩ mô.

Vấn đề chính là rất khó tìm được nhà đầu tư lớn trong các dự án đầu tư lớn, ngay cả dưới sự bảo trợ của nhà nước, Alexander Timofeev, Phó giáo sư kinh tế của Đại học Kinh tế Nga mang tên Plekhanov, bày tỏ.

Ông nói: “Điều này trước hết là do thực tế ngoài phạm vi các thành phố lớn, về nguyên tắc, việc phát triển các dự án cơ sở hạ tầng rất chậm chạp. Thứ hai, rất khó để lên kế hoạch hoàn vốn cho số tiền đầu tư trong thời gian dài mà không có dự báo chính xác về việc hoàn vốn nhanh. Với tốc độ phát triển kinh tế 3-4%, thời gian hoàn vốn của các dự án như vậy có thể kéo dài hơn 20 năm”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục