Vì đâu các siêu thị lớn nhất Anh lâm vào cảnh thiếu thực phẩm tươi?

Hiệp hội Nông dân quốc gia Anh (NFU) cho biết tình trạng thiếu hụt một số loại thực phẩm như cà chua và dưa chuột có thể chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”.
Vì đâu các siêu thị lớn nhất Anh lâm vào cảnh thiếu thực phẩm tươi? ảnh 1Nhiều loại rau củ tươi đang rơi vào tình trạng thiếu hụt hoặc cháy hàng ở Anh. (Nguồn: Guardian)

Ba trong số các chuỗi siêu thị lớn nhất nước Anh vừa phải tiến hành việc hạn chế mua hàng đối với các loại thực phẩm tươi sống, bao gồm cà chua, dưa chuột và ớt, để tránh tình trạng cháy hàng. 

Theo đó, chuỗi siêu thị Morrisons đã đưa ra giới hạn mỗi khách hàng chỉ có thể mua hai sản phẩm, đối với các mặt hàng như cà chua, dưa chuột, rau diếp và ớt. Trong khi đó, Asda hạn chế khách hàng chỉ được mua ba sản phẩm, đối với tám dòng sản phẩm tươi sống gồm bông cải xanh, súp lơ, quả mâm xôi và rau diếp.

Trước đó, vào ngày 22/2, Tesco và Aldi đã hạn chế số lượng ớt, dưa chuột và cà chua mà mỗi khách hàng có thể mua.

Các siêu thị khác vẫn chưa đưa ra giới hạn mua hàng, tuy nhiên nhiều nhà bán lẻ cho rằng tình trạng thiếu hụt những thực phẩm trên có thể kéo dài trong vài tuần.

Vậy điều gì đã khiến các siêu thị phải đưa ra quyết định kỳ lạ này?

Hiệp hội Nông dân quốc gia Anh (NFU) cho biết tình trạng thiếu hụt một số loại thực phẩm như cà chua và dưa chuột có thể chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”.

Một số loại rau và trái cây tươi khó có thể tới được Vương quốc Anh do sự ảnh hưởng của hai nguyên nhân chính. Thứ nhất, thời tiết xấu làm giảm sản lượng thu hoạch ở châu Âu và Bắc Phi. Thứ hai, sự suy giảm nguồn cung từ các nhà sản xuất ở Anh và Hà Lan do hóa đơn năng lượng để sưởi ấm các nhà kính tăng vọt.

Vào thời điểm này trong năm, Anh phụ thuộc vào Tây Ban Nha, Maroc, Tunisia và Ai Cập để nhập khẩu phần lớn các loại rau dùng trong món salad. 

Tuy nhiên, nhiều loại cây trồng này đã bị ảnh hưởng bởi thời tiết lạnh giá bất thường vào tháng trước, bao gồm cả những đợt sương giá vào ban đêm. Trong khi đó, cây cà chua cũng bị hư hại hoặc chết do sâu bệnh ở nhiều nơi.

Cùng lúc đó, Anh và các quốc gia Bắc Âu khác, đặc biệt là Hà Lan - một nhà sản xuất rau lớn, đã giảm số lượng cây trồng trong mùa Đông do cuộc chiến ở Ukraine khiến hóa đơn năng lượng phục vụ việc chiếu sáng và sưởi ấm nhà kính, cũng như giá phân bón, tăng vọt.

Đối mặt với vấn đề chi phí tăng cao khi trồng cây trong nhà kính, một số nhà bán lẻ đã chọn gia tăng nguồn cung ứng từ Tây Ban Nha và Bắc Phi trong năm nay. Nhưng khi làm vậy, họ lại dễ bị ảnh hưởng hơn trước tình trạng thiếu hụt thực phẩm vì lý do thời tiết.

Câu hỏi đặt ra vào lúc này là liệu tình trạng thiếu thực phẩm tươi ở Anh có tồi tệ hơn so với phần còn lại của châu Âu? Có vẻ như câu trả lời sẽ là “có”.

Hiện không có báo cáo nào về tình trạng thiếu rau củ tươi ở Pháp và Đức. Những người mua hàng tại châu Âu đã chia sẻ lên mạng xã hội nhiều bức ảnh với các kệ siêu thị đầy ắp hàng tươi, trái ngược hoàn toàn tình cảnh trong các siêu thị tại Anh.

Một vấn đề được bàn luận nhiều là sự sụt giảm sản lượng của các trang trại tại Anh do nguyên nhân thời tiết và bất ổn kinh tế. Với việc nhiều người trồng cà chua và rau diếp ở Anh đã quyết định trì hoãn việc trồng trọt trong những tháng gần đây do những lý do nêu trên, sản lượng nông sản của quốc gia này sẽ không thể phục hồi trong vài tuần tới.

Do vậy, nhu cầu nhập khẩu các sản phẩm tươi vào Anh đã vượt xa khả năng cung cấp. Hậu quả là nhiều nhà bán lẻ không thể tiếp cận các loại thực phẩm cần thiết, hoặc phải trả giá cao hơn đáng kể.

Một ý kiến cho rằng vấn đề hiện nay liên quan tới thực phẩm tươi có liên quan tới Brexit. Nhưng đa số nông dân và các nhà cung cấp ở Anh không tin rằng việc nước này rời khỏi Liên minh châu Âu là lý do chính gây thiếu hụt thực phẩm tươi. Dù vậy, họ thừa nhận Brexit cũng như đại dịch COVID-19 đã làm tăng chi phí cho những người sống bằng nghề nông. 

Các loại rau dùng trong món salad gồm dưa chuột, cà chua và rau diếp hiện đang bị thiếu hụt nhiều nhất. Nguồn cung cà tím và chanh cũng bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, trứng cũng đang trở thành mặt hàng thiếu hụt sau khi các nhà sản xuất chịu ảnh hưởng bởi chi phí tăng cao và dịch cúm gia cầm bùng phát tồi tệ chưa từng có tại Anh. 

Theo tính toán của NFU, sản lượng trứng của Anh đã giảm xuống mức thấp nhất trong 9 năm. Số lượng trứng được đóng gói năm 2022 ít hơn gần 1 tỷ quả so với năm 2019.

Trong một bài viết đăng ngày 24/2, Guardian dẫn cảnh báo của các nông dân về khả năng táo và lê sẽ trở thành loại thực phẩm thiếu hụt tiếp theo tại Anh. Cảnh báo này xuất hiện sau khi có thông tin cho rằng những người trồng trọt tại Anh chỉ trồng 1/3 số lượng cây cần thiết để duy trì vườn cây ăn quả. 

Ali Capper, người đứng đầu Hiệp hội táo và lê của Anh cho biết mỗi năm nước này cần trồng 1 triệu cây mới để duy trì sản lượng 5.500 ha. Năm nay, nông dân dự kiến đặt mua 480.000 cây táo và lê mới. Nhưng sau đó họ đã cắt giảm xuống chỉ còn 330.000 cây. Lý do chính của việc thiếu đầu tư là “lợi nhuận không bền vững” từ việc bán cho các siêu thị.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục