Vì sao mức giảm trừ gia cảnh vẫn giậm chân tại chỗ sau vài năm ?

Vì sao mức giảm trừ gia cảnh vẫn giậm chân tại chỗ sau vài năm?

Việc nâng mức giảm trừ cảnh từ 4 triệu đồng lên 9 triệu đồng theo đánh giá khiến người nộp thuế ít đi và không đáp ứng được yêu cầu là mở rộng diện chịu thuế.
Vì sao mức giảm trừ gia cảnh vẫn giậm chân tại chỗ sau vài năm? ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Mức giảm trừ gia cảnh với người nộp thuế 9 triệu đồng mỗi tháng và mỗi người phụ thuộc là 3,6 triệu đồng vẫn giữ nguyên trong dự thảo sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân mới đây của Bộ Tài chính.

Điều này theo ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế bởi việc điều chỉnh cách đây vài năm vốn là bước thụt lùi và không nên lặp lại.

Ông Phụng nói lên điều này tại buổi tọa đàm “Đề xuất của Bộ Tài chính về sửa đổi các luật thuế: Những vấn đề đặt ra từ các góc nhìn đa chiều” sáng 9/5 tại trường Đại học Kinh tế Quốc dân (Hà Nội).

[Thu ngân sách từ dầu thô đạt quá nửa dự toán chỉ trong 4 tháng]

Trước đó, sự thiếu vắng của mức giảm trừ gia cảnh trong các đề xuất sửa đổi của Bộ Tài chính khiến nhiều người không khỏi lo lắng bởi giá cả và nhiều khoản chi phí khác đều tăng trong khi mức giảm trừ vài năm không thay đổi (từ năm 2013).

Tuy nhiên, theo ông Phụng, về nguyên tắc, đã là thuế với cá nhân thì các cá nhân phải đóng thuế và không có giảm trừ gia cảnh. Tuy nhiên, Việt Nam trước đó là một nước thu nhập thấp nên trong Luật có quy định mức giảm trừ này.

Tuy nhiên, về quan điểm cá nhân, ông cho rằng việc nâng mức giảm trừ gia cảnh từ 4 triệu đồng lên 9 triệu đồng (năm 2013) khiến người nộp thuế ít đi và không đáp ứng được yêu cầu là mở rộng diện chịu thuế. Bởi vậy, ông thậm chí cho rằng, sửa đổi này trước đó là bước thụt lùi.

Nói thêm về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long đề xuất, không nên để mức giảm trừ gia cảnh là con số tuyệt đối. Theo ông, cơ quan chức năng nên quy định theo tỷ lệ phần trăm để tránh lạc hậu, có thể là tỷ lệ phần trăm so lương tối thiểu.

Cũng về thuế thu nhập cá nhân, đề xuất của Bộ Tài chính trước đó nêu ý kiến, giảm bậc thuế thu nhập cá nhân từ 7 bậc xuống còn 5 bậc.

Ông Ngô Trí Long dẫn lý luận của Bộ Tài chính từng nêu, 7 bậc hiện tại là quá nhiều, tính thuế ở từng bậc theo số lẻ nên khó nhớ, người nộp thuế khó khăn trong việc tự xác định số thuế phải nộp,..

Tuy nhiên, những lý luận trên theo ông Long là chưa chuẩn. Theo ông, càng nhiều bậc thì sự phân hóa càng chính xác và việc tính toán hiện đã có phần mềm, máy móc thay con người.

Ông Nguyễn Văn Phụng thì cho rằng, 5 bậc hay 7 bậc không quan trọng nhưng càng nhiều bậc càng công bằng.

“Số lượng bậc giữ nguyên 7 cũng được, không nhất thiết để 5 bậc,” ông lên tiếng.

Việc thay đổi trên theo ông là chưa cần thiết. Điều đáng lưu ý hơn theo ông là mở rộng diện chịu thuế cố gắng giữ ổn định./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục