Hội nghị các nhà khoa học trẻ toàn cầu (GYSS) thường niên lần thứ ba được tổ chức ở "Đảo quốc Sư tử" từ ngày 19-23/1, với sự tham dự của khoảng 300 nhà nghiên cứu trẻ từ khắp nơi trên thế giới.
Với chủ đề “Thúc đẩy khoa học, tạo lập công nghệ vì một thế giới tốt đẹp hơn,” GYSS 2015 được xem là cơ hội để các nhà nghiên cứu trẻ giao lưu, trao đổi và khơi gợi cảm hứng thông qua các phiên thảo luận toàn thể, nhóm và chuyên ngành hẹp trên nhiều lĩnh vực, với 20 diễn giả chính là những nhà khoa học hàng đầu thế giới từng nhận giải thưởng Nobel và các giải thưởng danh giá khác trên nhiều lĩnh vực, trong đó có Giáo sư toán học Ngô Bảo Châu.
Ngoài ra, Việt Nam còn có ba nhà khoa học nữ tham gia GYSS năm nay.
Trao đổi với phóng viên, chị Nguyễn Thị Thu Hoài, giảng viên trường Đại học Quốc tế thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, hy vọng qua GYSS, chị có thể học hỏi được nhiều hơn, đặc biệt có cơ hội giao lưu với nhiều nhà khoa học trẻ khác trên thế giới nhằm tạo mối liên kết, qua đó xây dựng một mạng lưới trong quá trình nghiên cứu ứng dụng sau này.
Chị Nguyễn Minh Hường, nhà nghiên cứu thuộc Viện Công nghệ Sinh học cũng nhận định với ưu điểm là một hội nghị đa ngành, GYSS chính là cơ hội để các đại biểu tham dự biết đến những lĩnh vực nghiên cứu của nhau, qua đó tìm hiểu cơ hội hợp tác trong tương lai.
Một trong những mục tiêu của GYSS là xây dựng diễn đàn cho đại biểu tham dự được trình bày những ý tưởng nghiên cứu và giải pháp của mình để giải quyết nhiều thách thức mà các đô thị lớn trên thế giới hiện phải đối mặt.
Đã có 9 dự án được chọn ra trong số 55 đề xuất để thuyết trình trong ngày cuối cùng của GYSS và nhà khoa học trẻ với dự án nghiên cứu tốt nhất sẽ được trao giải thưởng trị giá 100.000 USD.
Bên cạnh các phiên thảo luận, các đại biểu tham dự cũng được mời tham quan một số trường đại học, viện nghiên cứu và cơ quan công quyền của Singapore để hiểu biết thêm về việc các giải pháp khoa học và công nghệ đã và đang được thúc đẩy để giải quyết những thách thức mang tầm quốc gia ở Singapore như thế nào trong thời gian qua, qua đó có thêm cảm hứng để tiếp tục theo đuổi giấc mơ nghiên cứu khoa học của mình./.