‘Việt Nam trong số nước có tốc độ phát triển y tế nhanh nhất khu vực’

Sự đầu tư và tập trung vào lĩnh vực y tế và dược phẩm lý giải lý do tại sao Việt Nam đã phát triển thành công hệ thống y tế, nâng cao chất lượng điều trị, mở rộng tỷ lệ bao phủ tiêm chủng.
‘Việt Nam trong số nước có tốc độ phát triển y tế nhanh nhất khu vực’ ảnh 1Ông Oliver Todd - Tổng Lãnh sự, Giám đốc phát triển Thương mại và Đầu tư, Lãnh sự quán Anh tại Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển nhanh nhất trong khu vực, với sự đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực y tế và dược phẩm.

Ông Oliver Todd - Tổng Lãnh sự, Giám đốc phát triển Thương mại và Đầu tư, Lãnh sự quán Anh tại Thành phố Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh như vậy trong buổi lễ công bố và ký kết một số các Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa GSK và một số đối tác với chủ đề: “Mở khoá năng lực quốc tế - Chung tay phòng ngừa điều trị bệnh,” diễn ra tối 11/5.

[GSK và Medicago công bố kết quả tích cực của vaccine thử nghiệm]

Ông Oliver Todd phân tích, chính sự đầu tư và tập trung vào lĩnh vực y tế và dược phẩm lý giải lý do tại sao Việt Nam đã phát triển thành công hệ thống y tế, nâng cao chất lượng điều trị, mở rộng tỷ lệ bao phủ tiêm chủng và giúp ngày càng nhiều người tiếp cận với chăm sóc y tế cơ bản, từ đó nâng cao tuổi thọ và chất lượng cuộc sống.

“Chúng tôi cùng với cộng đồng các doanh nghiệp dược phẩm hàng đầu thế giới của Anh rất vui mừng vì đã hỗ trợ sự phát triển của y tế Việt Nam trong ba thập kỷ qua và sẽ tiếp tục công việc này khi chúng ta cùng hướng tới một kỷ nguyên mới của khoa học y tế,” ông Oliver Todd chỉ rõ.

Ông Nguyễn Thành Lâm - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) nhấn mạnh, hai năm khó khăn do đại dịch COVID-19 cho thấy sự cấp thiết trong công tác phòng ngừa từ sớm và điều trị bệnh hiệu quả, nhất là với các bệnh truyền nhiễm cũng như các bệnh lý về hô hấp.

Chính vì vậy, Bộ Y tế mong muốn các đơn vị y tế sẽ có nhiều giải pháp đa dạng từ phòng ngừa đến điều trị, đáp ứng mô hình bệnh tật trong nước, góp phần bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho người dân Việt Nam.

Ông Luis Arosemena - Phó Chủ tịch cấp cao GSK Khu vực các thị trường mới nổi chia sẻ đây là dấu mốc quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển của GSK tại Việt Nam, một trong những thị trường ưu tiên quan trọng nhất trong khu vực.

“Chúng tôi sẽ cung cấp thêm các thuốc và vaccine phát minh phát triển mới, giúp người dân Việt Nam tiếp cận sớm với khoa học tiên tiến của thế giới trong những năm tới. Bên cạnh đó là những hợp tác đồng hành nhằm thiết lập chuỗi cung ứng dược phẩm bền vững, tập trung tăng cường trao đổi kiến thức, đào tạo y khoa liên tục, nâng cao nhận thức về bệnh cho công chúng," ông Luis Arosemena cho hay.

Trong khuôn khổ chương trình, GSK - một trong những công ty chăm sóc sức khỏe dựa trên nghiên cứu phát triển hàng đầu của Anh đã ký kết một số các Biên bản ghi nhớ hợp tác với Tổng Hội Y học Việt Nam, Công ty Cổ phần Dược liệu Trung ương 2 (Phytopharma), Công ty Vắc xin Việt Nam về đào tạo chuyên môn, phát triển y khoa liên tục nhằm nâng cao chất lượng điều trị và thực hành lâm sàng tại các tuyến y tế trên cả nước.

‘Việt Nam trong số nước có tốc độ phát triển y tế nhanh nhất khu vực’ ảnh 2Ký kết biên bản hợp tác giữa các bên. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Các bên ký kết trao đổi, học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm về các chương trình tiêm chủng trọn đời trong khu vực và một số quốc gia trên thế giới nhằm tiến đến chăm sóc sức khỏe cộng đồng chủ động.

Đặc biệt là việc thiết lập chuỗi cung ứng dược phẩm bền vững giữa các bên để giúp nhiều người dân Việt Nam được phòng ngừa và điều trị hiệu quả; tăng cường trao đổi kiến thức nhằm đảm bảo quy trình quản lý chất lượng tốt nhất theo tiêu chuẩn quốc tế; Mở rộng độ bao phủ của chủng ngừa đến trẻ em và người trưởng thành ở Việt Nam trong các giai đoạn cần thiết của cuộc đời để phòng tránh các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

GSK Việt Nam đặt mục tiêu mang đến những tác động tích cực nhằm nâng cao sức khỏe của hơn 1/3 dân số trong ba năm tới với chỉ tiêu: 6/10 em bé chào đời sẽ được tiêm vaccine để bảo vệ khỏi những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, hàng triệu bệnh nhân hen và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hàng chục triệu bệnh nhân nhiễm khuẩn sẽ được điều trị với kháng sinh hiệu quả và chất lượng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục