Vietnam Airlines 'cõng' lô hàng đặc biệt sang Đức giữa mùa COVID-19

Vietnam Airlines 'cõng' lô hàng 'đặc biệt' sang Đức giữa dịch COVID-19

Vietnam Airlines đã nỗ lực tìm mọi cách để vượt qua giai đoạn khó khăn này, ngoài việc đã cất cánh lại một số đường bay nội địa, hãng cũng tăng cường chuyên chở hàng hoá.
Vietnam Airlines 'cõng' lô hàng 'đặc biệt' sang Đức giữa dịch COVID-19 ảnh 1Chuyến bay vận chuyển 38,2 tấn hàng hoá là khẩu trang, trong đó có 1,3 triệu chiếc dành cho bang Mecklenburg-Vorpommern. (Ảnh: CTV/Vietnam+).

Lần đầu tiên tàu bay thân rộng hiện đại Airbus A350 của Vietnam Airlines hạ cánh tại phía Bắc của nước Đức, vận chuyển hàng hoá là khẩu trang - mặt hàng phòng dịch mà nhiều quốc gia muốn có trong cơn đại dịch COVID-19.

Đường đi của lô hàng đặc biệt tới châu Âu

Theo đó, chuyến bay chở hàng mang số hiệu VN637, hành trình Hà Nội-Rostock của Vietnam Airlines đã hạ cánh xuống sân bay sân bay Rostock-Laage (thành phố Rostock, Đức) vào ngày 23/4 vừa qua. Đây là chuyến bay thuê chuyến do Vietnam Airlines phối hợp với đối tác thực hiện vận chuyển 38,2 tấn hàng hoá là khẩu trang, trong đó có 1,3 triệu chiếc dành cho bang Mecklenburg-Vorpommern.

Tại sân bay Rostock-Laage, ông Lorenz Caffier, Phó Thủ hiến kiêm Bộ trưởng Nội vụ Đức đã đại diện cho bang Mecklenburg-Vorpommern đón nhận số khẩu trang phục vụ cho nhu cầu phòng, chống dịch COVID-19.

Đại diện Vietnam Airlines cho biết chuyến bay hạ cánh tại Rostock là chuyến bay không chở khách, chở hàng trong bụng máy bay và trên ghế khoang khách, đáp ứng các quy định và được sự cho phép của Cục Hàng không Việt Nam.

Để có thể “cõng” hàng hóa trên khoang hành khách phải tuân thủ những quy định nghiêm ngặt hơn của nhà chức trách như khối lượng kiện hàng (hiện 1 kiện hàng hóa chở trên khoang khách của Vietnam Airlines là không quá 23kg/kiện) đảm bảo sức khỏe người lao động do các kiện hàng lên khoang khách phải bốc xếp, bố trí bằng tay; quy định về vị trí đặt để, giãn cách để đảm bảo an toàn chuyến bay; quy định về chủng loại hàng hóa không phải hàng nguy hiểm, ẩm ướt, sắc nhọn…

Nhằm hạn chế ảnh hưởng của hàng hóa lên nội thất, các ghế khoang khách phải được bọc nylon và chăng lưới buộc cố định hàng hóa đặt trên ghế từ nhiều tiếng khi tàu bay khởi hành.

“Các chuyến bay này khá đặc biệt khi phải thông báo, xin phép trước với nhà chức trách ở sân bay đến về việc chở hàng trên khoang khách, do không phải nơi nào cũng đồng ý tiếp nhận những chuyến bay đến chở hàng trên khoang hành khách. Các công ty phục vụ mặt đất ở sân bay đến cũng phải được thông báo từ trước vài ngày để chuẩn bị phương án lấy hàng từ khoang hành khách máy bay,” phía Vietnam Airlines thông tin thêm.

[Khẩu trang y tế: Khơi thông xuất khẩu để xóa bỏ ''thừa, thiếu'']

Bên cạnh đó, Vietnam Airlines đã hỗ trợ phương án chất xếp tối ưu trên cabin và khoang hành khách giúp đơn vị thuê tàu bay tận dụng được tải chuyến bay giảm chi phí đơn vị.

Là người đã gắn bó với Vietnam Airlines hơn 14 năm với hơn 10.000 giờ bay, Cơ trưởng Phạm Anh Tuấn lái chuyến bay VN637 Hà Nội-Rostock cho hay đây là chuyến bay đặc biệt bởi thông thường Vietnam Airlines thực hiện vừa chở khách và chở hàng. Hàng hoá sẽ được để ở dưới phần bụng của máy bay. Nhưng với những chuyến bay chỉ chuyên chở hàng hoá như hiện nay, hàng hoá vừa được để ở phần bụng và bên trong cabin của máy bay, vốn là vị trí của hành khách.

“Vietnam Airlines phải thực hiện quy trình bốc xếp hàng hoá lên cabin máy bay, đảm bảo an toàn cho hàng hoá và máy bay rất cẩn thận. Những chuyến bay chỉ chở hàng sẽ không bị ảnh hưởng bởi những vấn đề phát sinh từ hành khách như khách nối chuyến muộn hay khách gặp vấn đề sức khỏe khiến chuyến bay phải đổi hướng hạ cánh khẩn cấp dọc đường,” Cơ trưởng chuyến bay này nói.

Bày tỏ tự hào khi có thể góp một phần sức lực vận chuyển số khẩu trang sang các nước đang có nhu cầu cao để chống lại đại dịch như hiện nay, Cơ trưởng Tuấn chia sẻ đây là lần đầu tiên bay đến Rostock. Khi chứng kiến hình ảnh các bạn Đức ra tận sân bay đón tổ bay, nhận số khẩu trang, tất cả phi hành đoàn đều rất vui và quên đi những mệt nhọc sau chuyến bay dài 11 tiếng...

Tăng “cõng” hàng để có thêm doanh thu

Đại diện Chi nhánh Vietnam Airlines tại Đức tiết lộ, trong thời gian tới sẽ còn hàng loạt các chuyến bay chở hàng giữa Đức và Việt Nam do hãng khai thác trong bối cảnh các tuyến đường bay quốc tế vận chuyển hành khách bị tạm dừng do ảnh hưởng đại dịch COVID-19.

“Việc triển khai vận chuyển hàng hoá là nỗ lực rất lớn của các cán bộ nhân viên Chi nhánh Vietnam Airlines tại Đức nói riêng cũng như Vietnam Airlines nói chung nhằm góp phần tạo nên doanh thu cho Tổng công ty trong giai đoạn thị trường vận tải hành khách suy giảm, đồng thời thể hiện sự chủ động, đồng lòng sát cánh cùng đơn vị vượt qua khó khăn khi tự nguyện làm việc không hưởng lương,” đại diện Chi nhánh Vietnam Airlines tại Đức nhấn mạnh.

Trong tình hình cả thế giới đang bị ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, hàng không là một trong những ngành bị thiệt hại trực tiếp và nghiêm trọng. Vietnam Airlines đã nỗ lực tìm mọi cách để vượt qua giai đoạn khó khăn này, ngoài việc đã cất cánh lại một số đường bay nội địa, hãng cũng tăng cường chuyên chở hàng hoá.

[Vietnam Airlines tăng cường vận chuyển hàng hóa đảm bảo giao thương]

Thời gian tới, Vietnam Airlines tiếp tục tập trung tăng cường vận chuyển hàng hóa để đảm bảo giao thương trong nước và quốc tế. Hãng dự kiến khai thác các chuyến bay chuyên chở hàng hóa giữa Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh và từ Nha Trang, Cần Thơ đi Hà Nội.

Trên đường bay quốc tế, Vietnam Airlines khai thác các chuyến bay chuyên chở hàng hóa đi Đông Bắc Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hong Kong), đi Đông Nam Á (Thái Lan, Singapore), đi châu Âu (Anh, Pháp, Đức, Nga) và Australia.

Vietnam Airlines 'cõng' lô hàng 'đặc biệt' sang Đức giữa dịch COVID-19 ảnh 2Cán bộ nhân viên Chi nhánh Vietnam Airlines tại Đức và đại diện sân bay chào đón chuyến bay. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Đối với Vietnam Airlines, việc vận chuyển hàng hóa giai đoạn này ưu tiên trước hết là để phục vụ công tác y tế phòng dịch, đảm bảo giao thương, hàng hóa phục vụ sản xuất...

Trả lời về bối cảnh vận chuyển khách hạn chế cả nội địa và nước ngoài, nhiều hãng bay cũng xúc tiến tăng cường vận chuyển hàng hóa ở nhiều đường bay và một số khu vực sẽ dẫn đến sự cạnh tranh gắt gao về giá, phía Vietnam Airlines bày tỏ quan điểm cạnh trạnh là tất yếu trong hoạt động kinh doanh và là động lực để các hãng ngày càng nâng cao chất lượng dịch vụ, mang đến lợi ích lớn hơn cho khách hàng. Tuy nhiên, Vietnam Airlines không đặt nặng vấn đề cạnh tranh trong giai đoạn này.

“Việc tăng cường vận tải hàng hóa giúp các hãng hàng không có thêm doanh thu, nhưng tỷ trọng không quá lớn. Mục đích chủ yếu để các hãng có thêm dòng tiền tồn tại trong giai đoạn khó khăn hơn là trực tiếp cạnh tranh, chiếm lĩnh thị phần,” lãnh đạo Vietnam Airlines cho hay./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục