Vinatex tìm giải pháp khẩn cấp trong bối cảnh dịch COVID-19 phức tạp

Dịch COVID-19 đã tác động mạnh đến nhiều doanh nghiệp dệt may trong nước, thậm chí một số đơn hàng xuất khẩu trong trung tuần tháng Ba bị hủy, dừng, tạm ngừng.
Vinatex tìm giải pháp khẩn cấp trong bối cảnh dịch COVID-19 phức tạp ảnh 1Lãnh đạo Vinatex họp với các đơn vị thành viên để tìm giải pháp ứng phó với dịch COVID-19. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp, ngày 25/3, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) đã tổ chức cuộc họp trực tuyến với 22 đơn vị trọng yếu và cơ quan điều hành Tập đoàn để xem xét, nhận định tình hình khẩn cấp và đề ra giải pháp.

Theo đại diện Vinatex, trong thời gian từ trung tuần tháng Ba đã có một số đơn hàng bị hủy, dừng, tạm ngừng... dẫn đến tình trạng nhiều đơn vị thiếu việc làm trong tháng Tư và tháng Năm.

Bên cạnh đó, dự báo tình hình thị trường nội địa cũng sẽ sụt giảm khi kinh tế tăng trưởng chậm lại, chưa kể nhu cầu tiêu dùng trên thế giới cũng đi xuống…

Tình hình này dẫn đến áp lực lớn lên các doanh nghiệp ngành dệt may trong nước cả về tài chính và lao động. Do vậy nếu không có sự điều chỉnh về chính sách kịp thời, khả năng nhiều doanh nghiệp sẽ mất khả năng thanh khoản vào thời gian tới.

[Dệt may ứng phó thế nào khi EU, Mỹ tạm ngưng nhập hàng do COVID-19]

Do vậy, trong cuộc họp, các giải pháp trọng tâm mà Tập đoàn Dệt may Việt Nam đặt ra cho 22 đơn vị trọng yếu gồm: Tận dụng cơ hội tìm kiếm đơn hàng xuất khẩu sản phẩm phòng dịch như khẩu trang, quần áo y tế dùng vải kháng khuẩn, quần áo dùng một lần từ vải không dệt.

Các đơn vị áp dụng chế độ làm việc linh hoạt, giảm giờ làm xuống còn khoảng 32-40 giờ/tuần, làm việc luân phiên trên cơ sở thảo luận thống nhất với người lao động, tuyên truyền cho người lao động về khó khăn bất khả kháng, cùng chia sẻ với doanh nghiệp để vượt khó.

Bên cạnh đó, lãnh đạo tập đoàn yêu cầu các đơn vị thành viên tiết giảm chi phí, hoãn đầu tư, giảm lương khối gián tiếp tương ứng với công nhân trực tiếp… 

Để vượt qua khó khăn, Tập đoàn cũng đề xuất kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành trong tháng 3/2020 cho phép Vinatex được xuất khẩu khẩu trang, trang phục phòng dịch; cho doanh nghiệp được miễn, giảm, hoãn các loại bảo hiểm, thuế, tiền thuê đất, chính sách sử dụng quỹ Bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ người lao động thiếu việc làm…/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục