VNR: Lái tàu, gác đường ngang, tuần đường phải là nghề nguy hiểm

Liên tiếp trong thời gian vừa qua xảy ra nhiều vụ việc người tham gia giao thông khi đi qua đường ngang không chấp hành luật, cố vượt, chửi bới đe dọa, hành hung nhân viên đường sắt.
VNR: Lái tàu, gác đường ngang, tuần đường phải là nghề nguy hiểm ảnh 1Trên đường Giải Phóng, mặc dù có rào chắn cẩn thận nhưng khi tàu chuẩn bị chạy qua, nhiều người dân vẫn bất chấp tính mạng vượt qua. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Liên tiếp trong thời gian vừa qua xảy ra nhiều vụ việc người tham gia giao thông khi đi qua đường ngang không chấp hành luật, cố vượt, chửi bới đe dọa, hành hung công nhân làm nhiệm vụ đang là vấn đề nhức nhối của toàn xã hội và ngành đường sắt.

Theo lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), nhân viên đường sắt phải có nhiệm vụ đảm bảo an toàn giao thông là số một. Hành động xâm phạm, hành hung nhân viên đường sắt của các đối tượng đi đường là không thể chấp nhận.

“Do đó, nghề lái tài, gác chắn, tuần đường của đường sắt phải đưa vào nghề nguy hiểm nhất là trong tình trạng hiện nay tính mạng nhân viên đường sắt có thể nguy hiểm bất cứ lúc nào,” ông Nguyễn Văn Biên, Phó Chủ tịch Công đoàn VNR khẳng định.

[Gia tăng số vụ tai nạn giao thông do ôtô “tông” đoàn tàu]

Gần nhất là vào ngày 11/4 vừa qua, vào lúc 8 giờ 20 phút tại đường ngang có gác Định Công (km4+300) tuyến đường sắt Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh, khi đèn đỏ, chuông kêu và 2 nhân viên gác chắn là chị Nguyễn Thị Hồng Hà và Lê Thị Hà khi đang thao tác đóng chắn phục vụ việc đón tiễn tàu thì lái xe Biển kiểm soát 29A-92945 cố tình lách qua đường ngang hướng từ phố Định Công ra đường Giải Phóng dẫn đến va quệt với 1 xe máy.

Sau đó, lái xe này quay lại chửi bới và đánh vào mặt nhân viên gác chắn Nguyễn Thị Hồng Hà đang mang thai 6 tháng làm chị bị choáng, mặt bị sưng, xước thâm tím. Nhiều người đi đường chứng kiến sự việc đã lên tiếng phản đối, lái xe này bỏ đi và có lời nói đe dọa đối với các nhân viên gác chắn.

Trước đó, hồi 0 giờ 15 phút ngày 9/12/2016 tại đường ngang km02+340 tuyến đường sắt Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh, lái xe ôtô Biển kiếm soát 29C-39386 đã hành hung Cung trưởng cung chắn đường ngang Nguyễn Văn Trung khi đang làm nhiệm vụ, làm nhân viên này bị thương nặng phải đi cấp cứu và nằm viện điều trị dài ngày.

Hồi 15 giờ 26 phút ngày 7/1/2017 tại đường ngang km201-167, tuyến đường sắt Yên Bái-Lào Cai, khi nhân viên Nguyễn Thị Hà đang thao tác đóng chắn đón tàu YB thì có 2 thanh niên đi xe máy Biển kiểm soát 21E-19233 đến yêu cầu mở chắn để đi qua. Nhân viên Hà không mở chắn thì bị 2 đối tượng này xông vào đánh và tự động mở chắn bỏ chạy. Đơn vị phải đưa chị đi cấp cứu và cử người thay thế.

Hồi 19 giờ 40 phút ngày 31/1/2017 tại đường ngang Bổ Túc (km03+750) tuyến đường sắt Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh, lái xe ôtô Biển kiểm soát 30E-46191 có biểu hiện uống rượu bia, không chấp hành tín hiệu chuông đèn đường bộ và sự điều hành của nhân viên gác chắn, đâm đổ giàn chắn bên trái lý trình đường sắt rồi xông vào đuổi đánh 2 nhân viên đang lên ban làm nhiệm vụ là chị Nguyễn Thị Vân Anh và Phạm Thị Huyền.

Theo ông Đoàn Duy Hoạch, Phó Tổng giám đốc VNR, tình trạng trên uy hiếp nghiêm trọng trật tự an toàn giao thông đường sắt, an toàn chạy tàu gây ảnh hưởng tâm lý cho trên 4.000 nhân viên gác chắn đang ngày đêm giữ gìn an toàn tính mạng, gây tổn hại cho sức khỏe hàng triệu lượt người tham gia giao thông; sức khỏe của công nhân gác chắn đường ngang và thiệt hại về tài sản của Nhà nước và ngành đường sắt.

Lý giải về nguyên nhân các vụ hành hung nhân viên đường ngang gác chắn, ông Hoạch cho rằng do người đi đường bức xúc trong việc cần phải đi ngay nhưng gác chắn đường sắt ngăn không cho họ đi và bắt buộc phải dừng lại để nhường đường cho tàu chạy nên đã đánh nhân viên gác chắn phải đi nhập viện.

“Hiện, ngành đường sắt có tới 4.000 nhân viên gác chắn tại gần 1.700 đường ngang trong đó có hơn 600 đường ngang có gác chắn ngày đêm. Đường ngang có gác vẫn tồn tại là chưa có điều kiện hiện đại hóa nên phải có người túc trực gác chắn tàu,” ông Hoạch phân tích thêm.

Theo vị Phó Tổng giám đốc VNR, thực hiện Công điện chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, VNR đã phối hợp với các địa phương trong vấn đề quản lý hệ thống đường giao cắt đường bộ, đường dân sinh trong đó tiến hành làm việc với tất cả các tình, thành phải rào các lối đi dân sinh để hạn chế việc phương tiện cơ giới qua các lối đi dân sinh nguy hiểm và giao cho địa phương quản lý đoạn đó.

“Trong trường hợp các điểm đường ngang này không thể rào, buộc phải cho phương tiện đi qua thì địa phương phải tổ chức lực lượng cảnh giới ở các thời điểm cao điểm,” ông Hoạch khẳng định.

Đề cập đến chế tài bảo vệ công nhân viên người lao động đường sắt bị hành hung, ông Hoạch bày tỏ quan điểm, nhân viên phải có biện pháp đối phó, ứng xử, tránh trường hợp đối kháng giữa người tham gia giao thông và nhân viên gác chắn đường sắt; kịp thời có điện thoại khẩn cấp trong trường hợp xảy ra vi phạm này.

Điển hình tại vụ gác chắn đường ngang Định Công, các nhân viên phối hợp với nhau để ngăn cản các hành động quá khích, giảm được nguy cơ gây thiệt hại sức khỏe cho người lao động. Ngoài ra, các đơn vị quản lý có biện pháp phổ biến kinh nghiệm trong việc ứng xử, làm việc và khám sức khỏe định kỳ, kiểm tra người lên ban đảm bảo tỉnh táo để làm việc.

“Nhiều vụ việc hành hung nhân viên đường sắt đáng tiếc xảy ra, Tổng công ty Đường sắt với tư cách là người sử dụng lao động rất mong muốn các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, sở tại nơi đường sắt hoạt động có quy chế phối hợp với lực lượng an ninh, chính quyền quản lý thật tốt hành lang an toàn giao thông đường sắt, an ninh trật tự địa bàn nơi có đường sắt đi qua,” ông Hoạch kiến nghị.

Để ngăn chặn tình trạng này, VNR đề nghị Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Cục Cảnh sát giao thông chỉ đạo các cơ quan chức năng, lực lượng cảnh sát giao thông các địa phương tăng cường phối hợp với ngành đường sắt trong việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại các đường ngang qua đường sắt; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm giao thông, đặc biệt là các trường hợp chống người thi hành công vụ, hành hung nhân viên gác chắn đường ngang.

Phòng Cảnh sát giao thông Công an Hà Nội khẩn trương phối hợp với Công an phường Phương Liệt (Hoàng Mai) điều tra, xử lý nghiêm vụ lái xe ôtô Biển kiểm soát 29A-92945 hành hung nhân viên gác chắn Định Công (km4+300) tuyến đường sắt Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh.

VNR: Lái tàu, gác đường ngang, tuần đường phải là nghề nguy hiểm ảnh 2Lãnh đạo Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và Tổng công ty Đường sắt thăm hỏi, động viên nhân viên gác chắn đường sắt Nguyễn Thị Hồng Hà bị hành hung. (Ảnh: Đức Hùng/Vietnam+)

Trong chuyến thăm hỏi nhân viên gác chắn Nguyễn Thị Hồng Hà, đang mang thai 6 tháng bị hành hung ở gác chắn Định Công vào chiều nay (13/4), ông Trần Hữu Minh, Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết, đơn vị đã nắm rõ được sự việc đồng thời sẽ đề nghị cơ quan chức năng điều tra, xử lý nghiêm minh. Nhân viên đường sắt không phải lo sợ trước những lời đe dọa của các đối tượng cố tình hành hung, coi thường kỷ cương pháp luật.

Ông Minh cũng khuyến cáo người đi đường mỗi lần qua các đường ngang tuyệt đối tuân thủ tín hiệu cảnh báo, luật Giao thông đường bộ để đảm bảo an toàn tính mạng của bản thân và cho cả người khác./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục