VPBank dành 7.000 tỷ đồng ưu đãi lãi suất 1,5% cho DN vừa và nhỏ

Với nguồn vốn 7.000 tỷ đồng, VPBank kỳ vọng chương trình sẽ hỗ trợ khách hàng bổ sung nguồn vốn phát triển kinh doanh kịp thời, giúp phục hồi và phát triển kinh tế trong thời gian tới.
VPBank dành 7.000 tỷ đồng ưu đãi lãi suất 1,5% cho DN vừa và nhỏ ảnh 1Giao dịch tại VPBank. (Ảnh: Vietnam+)

Chương trình cho vay ưu đãi trị giá 7.000 tỷ đồng vừa được Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) chính thức triển khai trên toàn hệ thống từ ngày 15/12 nhằm hỗ trợ khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận nguồn vốn vay với chi phí hợp lý cho mục đích sản xuất kinh doanh.

Với mức giảm lãi suất cho vay, áp dụng cho cả kỳ hạn vay ngắn và trung dài hạn, lên tới 1,5%/năm cho khách hàng nhỏ và vừa, ngân hàng kỳ vọng chương trình sẽ hỗ trợ khách hàng bổ sung nguồn vốn phát triển kinh doanh kịp thời, giúp phục hồi và phát triển kinh tế trong thời gian tới.

[VPBank tăng lãi suất không kỳ hạn: Thúc đẩy thanh toán không tiền mặt]

Trong bối cảnh các doanh nghiệp đang gặp nhiều trở ngại tiếp cận nguồn vốn vay phục vụ mục đích sản xuất kinh doanh và lãi suất cho vay liên tục tăng cao trong thời gian vừa qua, việc đi ngược dòng hạ lãi suất cho vay của VPBank là một động thái mang tính linh hoạt và nhạy bén, nhằm chia sẻ những khó khăn chung của thị trường và doanh nghiệp – đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện chiếm tới gần 90% tổng doanh nghiệp hoạt động trên toàn quốc.

Bên cạnh cơ chế giảm lãi suất cho khách hàng nhỏ và vừa, VPBank cũng đồng thời triển khai chương trình ưu đãi lãi suất dành cho khách hàng cá nhân với mục đích phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. Khách hàng cá nhân theo đó sẽ được hưởng mức giảm trừ lãi suất 1,0%/năm trên mức lãi suất áp dụng tại quyết định ban hành biểu lãi suất cho vay dành cho sản phẩm cho vay sản xuất kinh doanh có tài sản đảm bảo của ngân hàng.  

Trong thời gian vừa qua, VPBank liên tiếp ký kết thành công nhiều khoản vay vốn quốc tế có giá trị cao, giúp ngân hàng đa dạng hóa nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu tín dụng gia tăng của khách hàng phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư và phát triển. Điển hình là khoản vay trị giá 500 triệu USD (gần 12.500 tỷ đồng) ký với 5 định chế tài chính lớn như ADB, SMBC, ANZ… và khoản giải ngân trị giá 150 triệu USD (gần 3.700 tỷ đồng) từ IFC.

Kết thúc quý 3/2022, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của VPBank tăng trưởng tích cực, đạt hơn 19.800 tỷ đồng, tăng 69% so với cùng kỳ. Đóng góp lớn vào tăng trưởng lợi nhuận của ngân hàng là mảng ngân hàng bán lẻ, với quy mô và tỷ lệ dư nợ cấp tín dụng bán lẻ của VPBank, bao gồm cho vay khách hàng cá nhân, nhỏ và vừa và FE Credit, đã vươn lên đóng góp gần 70% tổng dư nợ cấp tín dụng của VPBank, với tăng trưởng đạt khoảng 20% so với đầu năm, đưa ngân hàng vào top dẫn đầu thị trường trong mảng bán lẻ. Tăng trưởng tín dụng của VPBank đạt 15,45%, cao hơn mức trung bình ngành 10,96%.  

Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) hợp nhất theo tiêu chuẩn Basel 2 đạt xấp xỷ 15%, nằm trong tốp đầu toàn ngành. Chỉ số lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) ở mức 3,5% và chỉ số lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 22,5%, liên tục giữ vững vị trí trong top đầu toàn ngành trong nhiều quý. Tỷ lệ nợ xấu theo thông tư 11 của ngân hàng riêng lẻ được kiểm soát ở mức dưới 2%. Tại ngân hàng riêng lẻ, gần 90% khách hàng cơ cấu đang trả nợ đúng hạn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục