VQG Tràm Chim đã kiểm soát được cây mai dương

Vườn Quốc gia Tràm Chim đã kiểm soát được sự xâm hại của cây mai dương, giảm diện tích xâm lấn từ 1.000ha xuống còn hơn 283ha.
Giám đốc Vườn Quốc gia Tràm Chim Nguyễn Văn Hùng cho biết, hiện nay Vườn đã kiểm soát được sự xâm hại của cây mai dương và đang xử lý dần. Từ năm 2005, diện tích cây này xâm lấn gần 1.000ha, đến nay chỉ còn hơn 283ha.

Cây mai dương còn được gọi là trinh nữ trâu, trinh nữ tây, móc mèo Mỹ, tên khoa học là Mimosa pigra thuộc họ đậu, được Tổ chức Hiệp hội Bảo tồn thiên nhiên thế giới (IUCN) liệt vào danh sách 100 loài ngoại lai xâm hại nguy hiểm nhất trên thế giới. Đây là một loại cây bụi, mọc dày đặc và có rất nhiều gai cứng.

Tác hại chính của cây mai dương tại Vườn Quốc gia Tràm Chim là làm thay đổi thảm thực vật, gây tác hại đến hệ động vật nhất là loài chim, thú, đặc biệt ảnh hưởng đến loài sếu quý hiếm về đây sinh sống, làm cho các loài thực vật khác không thể mọc được dưới tán của nó.

Các bụi mai dương dày đặc làm cản trở việc đi lại của con người, động vật, súc vật chăn thả, đây là loại cây gây độc đối với nhiều loài động vật.
 
Nếu để cây mai dương mọc tràn lan trên các bờ kênh, trong vùng đệm, vùng gò cao... ở Vườn Quốc gia Tràm Chim, chúng sẽ len lỏi trong rừng tràm, phán tán rất nhanh kể cả mùa khô lẫn mùa mưa, làm thay đổi thảm thực vật bản địa, ảnh hưởng tới dinh dưỡng trong đất làm ảnh hưởng đến quá trình bảo tồn.
 
Từ nhiều năm qua, Vườn Quốc gia Tràm Chim được Công ty Coca-Cola và Tổ chức WWF (Quỹ Quốc tế về bảo vệ thiên nhiên) giúp tiêu diệt 200ha cây mai dương bằng biện pháp chặt và đốt bỏ.
 
Vườn còn thành lập Đội kiểm soát cây mai dương cơ động gồm 20 người thường xuyên đi diệt cây này, đồng thời được sự hỗ trợ của Quỹ môi trường toàn cầu Liên hiệp quốc, Trường Đại học Cần Thơ và Đại học Khoa học tự nhiên Thành phố Hồ Chí Minh đã thí nghiệm thành công từ việc sử dụng thân cây mai dương làm nguyên liệu sản xuất nấm như nấm linh chi, nấm mèo hay nấm bào ngư.
 
Vườn Quốc gia Tràm Chim còn xử lý cây mai dương bằng bằng giải pháp cơ học, hóa học, sinh học; đối với giải pháp cơ học là chặt và đào gốc rễ trước khi nước lên, biện pháp sinh thái là dùng lửa đốt (sau khi chặt cây mai dương khoảng 15 ngày) trên diện tích đã chặt, nhổ gốc và kiểm soát bằng biện pháp chặt và đào gốc cây sau khi mực nước hạ vào tháng 12 trên các diện tích đã diệt.
 
Phòng Quản lý tài nguyên thiên nhiên của Vườn đang tiến hành khoanh vùng xâm lấn của cây mai dương ở tất cả năm phân khu, để làm cơ sở lập một dự án đầu tư diệt trừ cây mai dương với sự tham gia của cộng đồng trong việc phòng trừ, nhằm góp phần bảo tồn đa dạng sinh học Vườn Quốc gia Tràm Chim./.
 
Nguyễn Văn Trí (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục