Vùng Gò Công ở Tiền Giang sắp bị cạn nước ngọt

Nguồn nước ngọt ở vùng duyên hải Gò Công của tỉnh Tiền Giang chỉ đảm bảo phục vụ cho sinh hoạt của người dân đến ngày 21/5 tới.
Theo ông Nguyễn Thiện Pháp - Chi cục trưởng Chi cục thủy lợi tỉnh Tiền Giang, nguồn nước ngọt trữ trên kênh rạch trong nội đồng dự án ngọt hóa Gò Công và dự án ngọt hóa Phú Thạnh-Phú Đông chỉ đảm bảo phục vụ sinh hoạt cho nhân dân đến ngày 21/5.

Hiện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh kiến nghị Điện lực Tiền Giang ưu tiên cung cấp điện cho các trạm cấp nước trên địa bàn thị xã Gò Công, huyện Gò Công Đông và Tân Phú Đông để phục vụ bơm cấp nước sinh hoạt cho khoảng 20.000 hộ dân vùng nhiễm mặn, gặp khó khăn về nước sinh hoạt.

Tỉnh yêu cầu các địa phương vận động nhân dân không xuống giống rau màu, sử dụng tiết kiệm nguồn nước và giữ vệ sinh môi trường.

Các tổ chức, cá nhân cản trở dòng chảy, xả chất thải nguy hại gây ô nhiễm nguồn nước sẽ bị xử lý triệt để.

Nhận định tình hình khô hạn và nhiễm mặn phức tạp kéo dài gây khó khăn cho việc giải quyết nước ngọt phục vụ sinh hoạt nhân dân miền duyên hải Gò Công, tỉnh Tiền Giang, ngay từ đầu mùa khô 2010, tỉnh đã tổ chức trên 40 điểm cấp nước công cộng phục vụ nhân dân các xã ven biển đang ảnh hưởng đợt hạn mặn kỷ lục từ trước đến nay.

Các điểm trên đảm bảo nước ngọt sinh hoạt cho trên 17.000 hộ dân ở thị xã Gò Công và huyện Gò Công Đông, 1.700 hộ dân huyện đảo Tân Phú Đông.

Ngoài ra, tỉnh cũng xây dựng trạm cấp nước thô tại Bình Đức, huyện Châu Thành nhằm đưa nước ngọt thô về phục vụ nhân dân duyên hải Gò Công với công suất 11.000 m3/ngày đêm.

Tỉnh cũng tích cực bơm vét lấy nước trong nội đồng dự án ngọt hóa Gò Công và dự án ngọt hóa Phú Thạnh-Phú Đông để tạo nguồn nước giải quyết khẩn cấp "cơn khát” cho dân trong khi chờ mùa mưa bắt đầu./.

Minh Trí (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục