Xác định mối liên hệ về lượng giữa khủng hoảng khí hậu và cháy rừng

Khí CO2 và methane do các công ty thuộc nhóm “Big 88” thải ra chính là nguyên nhân gây ra hơn 1/3 số diện tích đất đai bị thiêu rụi vì cháy rừng ở khu vực phía Tây của Bắc Mỹ trong 40 năm qua.
Xác định mối liên hệ về lượng giữa khủng hoảng khí hậu và cháy rừng ảnh 1Cháy rừng ở Foresthill, bang California, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong một phân tích đăng ngày 16/5 trên tạp chí nghiên cứu môi trường Environmental Research Letters, các nhà khoa học khí hậu của Mỹ cho biết khí CO2 và methane do các công ty thuộc nhóm “Big 88” thải ra chính là nguyên nhân gây ra hơn 1/3 số diện tích đất đai bị thiêu rụi vì cháy rừng ở khu vực phía Tây của Bắc Mỹ trong 40 năm qua.

Đây là lần đầu tiên các nhà khoa học xác định mức độ khí gây hiệu ứng nhà kính do các công ty nhiên liệu hóa thạch hàng đầu thế giới thải ra đã làm gia tăng các vụ cháy rừng như thế nào.

Tác giả hàng đầu của nghiên cứu, bà Kristina Dahl, thuộc Liên hiệp các nhà khoa học UCS, cho biết cháy rừng ở miền Tây nước Mỹ và Tây Nam Canada đã tồi tệ hơn trong những thập kỷ qua: cháy lớn hơn, trong thời gian dài hơn, trên diện tích rộng hơn và ở cây tầm cao hơn.

[Phát hiện khả năng "ăn CO2" nhanh kinh ngạc của vi khuẩn núi lửa]

Bà cho biết chi phí tái sinh rừng và tăng khả năng chống chịu chủ yếu do người dân đóng góp, “vì vậy chúng tôi muốn hiểu rõ hơn vai trò của khí thải từ công ty nhiên liệu hóa thạch đối với các vụ cháy rừng.”

Bà cho rằng cần nhấn mạnh rõ vai trò của các công ty nhiên liệu hóa thạch để họ có thể chịu trách nhiệm một cách công bằng và đóng góp các chi phí ứng phó.

Sử dụng mô hình khí hậu, nhóm nghiên cứu đã xác định khí thải từ các công ty Big 88 - trong đó có ExxonMobil, BP, Chevron và Shell - phải chịu trách nhiệm về việc khiến nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng thêm 0,5 độ C kể từ đầu thế kỷ 20.

Các tác giả nghiên cứu đã tính đến toàn bộ các khí thải trong chu kỳ sống của các nhiên liệu hóa thạch - từ khâu chiết xuất và đốt, lọc và sử dụng trong một phương tiện.

Sự góp phần của các công ty nói trên vào tình trạng ấm lên toàn cầu sau đó được sử dụng để tính mức độ làm gia tăng Sự thiếu hụt áp suất hơi (VPD - cách để tính khả năng không khí hút nước của cây và đất) tại khu vực phía Tây của Bắc Mỹ.

Vì không khí ấm hơn có thể chứa nhiều hơi nước hơn, nhiệt độ tăng do biến đổi khí hậu khiến VPD tăng. Khi VPD cao hơn khiến một khu vực dễ cháy hơn.

Các nghiên cứu gần đây đã thiết lập một mối liên hệ giữa việc tăng chỉ số VPD với khu vực bị cháy rừng.

Tổng hợp tất cả các yếu tố trên, nhóm nghiên cứu của bà Dahl phát hiện rằng khí thải của các công ty Big 88 đã gây ra 37% tổng diện tích đất đai bị thiêu rụi vì cháy rừng tại miền Tây nước Mỹ và Tây Nam Canada trong thời gian từ năm 1986-2021. Mức tăng này là 8 triệu ha, tương đương diện tích Cộng hòa Séc.

Nghiên cứu cũng phát hiện rằng các khí thải của các công ty trên chính là nguyên nhân gây ra một nửa mức tăng chỉ số VPD kể từ năm 1901.

Các nhân tố khác làm tăng điều kiện dễ cháy trong thế kỷ trước bao gồm hệ thống chặn cháy tăng cường, dẫn tới việc trồng quá nhiều loại cây vốn thường sẽ được đốt để ngăn chặn các đám cháy nhỏ hơn thường xuyên xảy ra.

Ngoài ra, các sự cố cháy cũng gia tăng khi con người xâm nhập vào khu vực dễ cháy./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục