Xem xét lời cảnh báo của Nga về một cuộc chạy đua vũ trang ở châu Á

Cuộc chạy đua vũ trang tại châu Á mà các quan chức quân sự Nga cảnh báo là một trong những mối đe dọa cấp bách nhất đối với an ninh toàn cầu.
Xem xét lời cảnh báo của Nga về một cuộc chạy đua vũ trang ở châu Á ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: US Navy)

Theo trang mạng news.cgtn.com, tại Hội nghị An ninh Quốc tế Moskva (MCIS) năm nay, giới chức quân sự Nga đã đưa ra 2 cảnh báo quan trọng về một cuộc chạy đua vũ trang tại châu Á.

Theo lời Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu, việc Mỹ triển khai tên lửa tầm trung tại châu Á-Thái Bình Dương buộc Nga phải tăng cường năng lực tấn công để đảm bảo tư thế phòng thủ khi cần thiết.

Giám đốc cơ quan tình báo quân sự Nga GRU Igor Kostyukov cũng cảnh báo về lực lượng 400.000 binh sỹ tinh nhuệ của Mỹ trong khu vực. Cả hai quan chức cấp cao này đều bày tỏ lo ngại những diễn biến thiếu trách nhiệm này có thể kích động một cuộc chạy đua vũ trang với nguy cơ trì hoãn đà phục hồi kinh tế toàn cầu mà cả thế giới đang rất cần ở thời điểm nhạy cảm hiện tại.

Những động thái được giới chức Nga nhắc đến khá tương đồng với bối cảnh mà nhiều người miêu tả là một cuộc chiến tranh lạnh kiểu mới giữa Mỹ và Trung Quốc.

Không những đã tiếp diễn những chính sách đối phó với Trung Quốc của người tiền nhiệm Donald Trump, Tổng thống Mỹ Joe Biden thậm chí còn mở rộng thêm những đường lối này, khiến nhiều người đặc biệt bất ngờ, nhất là những ai kỳ vọng rằng ông sẽ có những cải thiện quan hệ song phương một cách thực tế, nhằm tập trung hơn vào việc giải quyết các cuộc khoảng cấp bách ở trong nước.

[Điều gì sẽ trở thành mồi lửa cho cuộc cuộc chạy đua vũ trang?]

Hệ quả là một bối cảnh nơi Mỹ vô cớ hủy hoại sự ổn định của khu vực châu Á-Thái Bình Dương nhằm “kiềm chế” Trung Quốc.

Tất nhiên, những quan ngại tại châu Á-Thái Bình Dương không chỉ xoay quanh 2 cường quốc bởi nó còn liên quan đến Nga, ASEAN, Nhật Bản cũng như Hàn Quốc và nhiều nhân tố khác.

Điều này có nghĩa là cuộc chạy đua vũ trang có thể sẽ kéo cả các quốc gia và tổ chức này vào cuộc. Không chỉ có vậy, việc một số quốc gia khu vực cho phép Mỹ triển khai hạ tầng quân sự hoặc ủng hộ các động thái khiêu khích của Hải quân Mỹ tại khu vực Trung Quốc kiểm soát ở Biển Đông có thể khiến họ trở thành nhân tố trực tiếp trong kịch bản bất ổn khu vực ngày càng nghiêm trọng hơn.

Điều này buộc họ phải hành xử một cách thực tế, phải xem xét lại liệu có khôn ngoan khi tạo điều kiện cho những hành vi hung hăng mà Mỹ nhằm vào Trung Quốc, hoặc ít nhất là nêu lên những quan ngại này với các đồng minh Mỹ.

Không thể đảm bảo an ninh khu vực bằng các động thái quân sự đơn phương, mà phải bằng hợp tác kinh tế đa phương cùng có lợi. Bài học từ Chiến tranh Thế giới I đã cho thấy những sai lầm trong việc tìm cách duy trì an ninh khu vực bằng quân sự, trong khi hợp tác đa phương về kinh tế cho đến nay vẫn chứng minh được hiệu quả, và đó cũng là lý do vì sao chiến tranh quy mô vẫn chưa bùng phát tại châu Á-Thái Bình Dương.

Bất chấp một số bất đồng về an ninh ở Biển Hoa Đông và Biển Đông, các nước châu Á-Thái Bình Dương đều có mối liên hệ chặt chẽ với nhau thông qua thương mại.

Trên thực tế, Trung Quốc và Mỹ cũng đang ở trong một mối quan hệ phụ thuộc phức tạp tương tự dù Washington vẫn không ngừng các nỗ lực "chia tách." Do đó, giải pháp để đảm bảo an ninh khu vực nằm trên khía cạnh kinh tế chứ không phải quân sự.

Những bình luận của một số quan chức Mỹ giấu tên gần đây được tờ Financial Times dẫn lại có thể là lý do cho một sự lạc quan thận trọng. Theo nguồn tin này, chính quyền ông Biden rất quan tâm đến việc nối lại các cuộc thảo luận cấp cao giới chức Mỹ và Trung Quốc, kể cả một cuộc điện đàm khác giữa nguyên thủ hai bên.

Nếu nguồn tin này là đúng, rất có thể Mỹ đã rút ra được nhiều điều từ hội nghị thượng đỉnh của Tổng thống Biden hồi tuần trước với người đồng cấp Nga tại Geneva.

Đa phần các nhà quan sát đánh giá cuộc gặp ngày 16/6 là một động thái tích cực cho thấy mong muốn của cả hai bên về những bước tiến thực dụng nhằm hạ nhiệt căng thẳng để tập trung vào các vấn đề cùng quan tâm cũng như những thách thức đối nội, trong giai đoạn khó khăn của lịch sử nhân loại.

Nếu một sự kiện tương tự diễn ra giữa Mỹ và Trung Quốc, Mỹ cần thể hiện quyết tâm thu hồi chính sách quân sự "kiềm chế" Trung Quốc ở châu Á-Thái Bình Dương.

Cuộc chạy đua vũ trang tại châu Á mà các quan chức quân sự Nga cảnh báo là một trong những mối đe dọa cấp bách nhất đối với an ninh toàn cầu. Do đó, người ta phải ngăn chặn cuộc chạy đua này bằng mọi giá bởi diễn biến này sẽ hủy hoại hơn nữa sự ổn định tại một khu vực được xem là đầu tàu phục hồi kinh tế toàn cầu.

Con đường phía trước đòi hỏi Mỹ phải kiềm chế đối đầu quân sự với Trung Quốc và cuối cùng là chấp nhận những lời đề nghị mà Bắc Kinh không ngừng đưa ra là thay thế vào đó bằng mở rộng hợp tác kinh tế. Hợp tác chặt chẽ hơn là cách để cả hai giúp ích cho toàn thế giới, nhưng chỉ khi đó cũng là điều mà Washington thực sự muốn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục