Nhằm tháo gỡ những vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ xử lý 439 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 64/2003 của Thủ tướng Chính phủ, ngày 2/4, Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức cuộc họp trực tuyến tới 63 tỉnh, thành phố.
Thêm hàng nghìn cơ sở gây ô nhiễm
Báo cáo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Bùi Cách Tuyến cho biết đến thời điểm này, đã có 338/439 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trong toàn quốc hoàn thành các biện pháp xử lý. Nhưng đáng lo ngại là qua rà soát trên địa bàn cả nước đã phát hiện thêm 3.856 cơ sở khác gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Khó khăn chủ yếu tác động đến việc xử lý các cơ sở này, theo Bộ Tài nguyên và Môi trường hiện đang là chuyện thiếu kinh phí. Ngoài nguyên nhân suy thoái kinh tế khiến các doanh nghiệp phải tập trung cho hoạt động sản xuất kinh doanh, nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước cho các cơ sở công ích cũng còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế.
Bên cạnh đó, trình độ công nghệ xử lý triệt để ô nhiễm môi trường tuy đã được ban hành ở Việt Nam hiện nay vẫn ở mức thấp; một số ngành, lĩnh vực đặc thù, các cơ sở đang gặp khó khăn trong việc lựa chọn và áp dụng các mô hình phù hợp như công nghệ khử độc với các kho thuốc bảo vệ thực vật, xử lý ô nhiễm với các làng nghề, công nghệ xử lý nước thải cao su.
Ngoài ra, một số địa phương cũng thiếu tích cực, chủ động tìm kiếm nguồn vốn, còn tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào vốn hỗ trợ ngân sách từ trung ương. Cá biệt, một số nơi kêu gọi đầu tư đã xem nhẹ vấn đề bảo vệ môi trường, cho phép sử dụng công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường.
Xử lý dứt điểm các cơ sở gây ô nhiễm
Với mục tiêu đến 2020, không còn cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, để giải quyết triệt để 101/439 cơ sở hiện đang còn vướng mắc, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần chủ động, tích cực tìm kiếm đa dạng hóa các nguồn vốn cho công tác này; thúc đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động hợp tác quốc tế nhằm tranh thủ sự trợ giúp của nước ngoài về tài chính và công nghệ trong quá trình xử lý.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương xử lý dứt điểm các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định 64 trước ngày 31/12/2011.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Vũ Hồng Khanh, Hà Nội đã xử lý dứt điểm 24/25 cơ sở thuộc dạng này. Thành phố cũng đang lập danh sách các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng để từng bước di dời, xử lý; làm việc với các cơ sở vi phạm để cùng doanh nghiệp, tìm giải pháp tháo gỡ, xử lý tận gốc và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình di dời về vị trí, địa điểm, đất đai, công nghệ xử lý.
Đặc biệt, thành phố phối hợp với các cơ quan truyền thông liên tục giám sát, thông tin về những cơ sở cố tình chây ỳ, không xử lý tồn tại trong bảo vệ môi trường.
Lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh cho biết tỉnh đang gặp khó khăn do thiếu vốn xử lý ô nhiễm môi trường từ các bãi thải khai thác than và vấn đề xử lý nước thải mỏ trước khi chảy ra đầu nguồn sông suối. Tỉnh đề nghị Chính phủ hỗ trợ cho ngành than và địa phương để có cơ chế giải quyết các vấn đề trên, nhất là tại các điểm khai thác, sản xuất than.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học-Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Nghiêm Vũ Khải kiến nghị cần sửa đổi Luật Hình sự phần về tội phạm môi trường để có biện pháp đủ mạnh, xử lý các hành vi này.
Xử lý dứt điểm bản “danh sách đen”
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng những cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng này chính là bản “danh sách đen” cần tập trung giải quyết dứt điểm.
Phó Thủ tướng cho rằng kết quả sau 8 năm qua đã bước đầu hình thành được chính sách, cơ chế, có tác dụng răn đe các cơ sở sản xuất kinh doanh vi phạm, đồng thời nâng cao nhận thức của hệ thống chính trị, cộng đồng về công tác bảo vệ môi trường.
Phó Thủ tướng cũng chỉ rõ tiến độ xử lý như vừa qua là quá chậm, vẫn còn 101 cơ sở chưa xử lý xong, có đến 6 địa phương trong cả nước chưa hoàn thành nhiệm vụ này, cần tự kiểm điểm, khắc phục. Đặc biệt, công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường vẫn còn chưa đồng bộ, nhất là trong việc phối hợp, giải quyết; việc thanh kiểm tra, giám sát các cấp chưa tốt, vẫn để phát sinh cơ sở gây ô nhiễm mới.
Bên cạnh việc phối hợp với Bộ Công an xử lý kiên quyết, mạnh mẽ hơn nữa trong việc xử phạt các trường hợp vi phạm, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần phối hợp với các cơ quan chức năng, địa phương rà soát lại toàn bộ các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, kiên quyết không để xuất hiện mới các cơ sở thuộc diện này.
Bộ Khoa học và Công nghệ tích cực hơn nữa tuyên truyền, phổ biến công nghệ về xử lý ô nhiễm để các địa phương, bộ, ngành nắm bắt, vận dụng.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị các cơ quan truyền thông tăng cường thời lượng tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức trong hệ thống chính trị, người dân về tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường./.
Thêm hàng nghìn cơ sở gây ô nhiễm
Báo cáo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Bùi Cách Tuyến cho biết đến thời điểm này, đã có 338/439 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trong toàn quốc hoàn thành các biện pháp xử lý. Nhưng đáng lo ngại là qua rà soát trên địa bàn cả nước đã phát hiện thêm 3.856 cơ sở khác gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Khó khăn chủ yếu tác động đến việc xử lý các cơ sở này, theo Bộ Tài nguyên và Môi trường hiện đang là chuyện thiếu kinh phí. Ngoài nguyên nhân suy thoái kinh tế khiến các doanh nghiệp phải tập trung cho hoạt động sản xuất kinh doanh, nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước cho các cơ sở công ích cũng còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế.
Bên cạnh đó, trình độ công nghệ xử lý triệt để ô nhiễm môi trường tuy đã được ban hành ở Việt Nam hiện nay vẫn ở mức thấp; một số ngành, lĩnh vực đặc thù, các cơ sở đang gặp khó khăn trong việc lựa chọn và áp dụng các mô hình phù hợp như công nghệ khử độc với các kho thuốc bảo vệ thực vật, xử lý ô nhiễm với các làng nghề, công nghệ xử lý nước thải cao su.
Ngoài ra, một số địa phương cũng thiếu tích cực, chủ động tìm kiếm nguồn vốn, còn tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào vốn hỗ trợ ngân sách từ trung ương. Cá biệt, một số nơi kêu gọi đầu tư đã xem nhẹ vấn đề bảo vệ môi trường, cho phép sử dụng công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường.
Xử lý dứt điểm các cơ sở gây ô nhiễm
Với mục tiêu đến 2020, không còn cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, để giải quyết triệt để 101/439 cơ sở hiện đang còn vướng mắc, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần chủ động, tích cực tìm kiếm đa dạng hóa các nguồn vốn cho công tác này; thúc đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động hợp tác quốc tế nhằm tranh thủ sự trợ giúp của nước ngoài về tài chính và công nghệ trong quá trình xử lý.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương xử lý dứt điểm các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định 64 trước ngày 31/12/2011.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Vũ Hồng Khanh, Hà Nội đã xử lý dứt điểm 24/25 cơ sở thuộc dạng này. Thành phố cũng đang lập danh sách các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng để từng bước di dời, xử lý; làm việc với các cơ sở vi phạm để cùng doanh nghiệp, tìm giải pháp tháo gỡ, xử lý tận gốc và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình di dời về vị trí, địa điểm, đất đai, công nghệ xử lý.
Đặc biệt, thành phố phối hợp với các cơ quan truyền thông liên tục giám sát, thông tin về những cơ sở cố tình chây ỳ, không xử lý tồn tại trong bảo vệ môi trường.
Lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh cho biết tỉnh đang gặp khó khăn do thiếu vốn xử lý ô nhiễm môi trường từ các bãi thải khai thác than và vấn đề xử lý nước thải mỏ trước khi chảy ra đầu nguồn sông suối. Tỉnh đề nghị Chính phủ hỗ trợ cho ngành than và địa phương để có cơ chế giải quyết các vấn đề trên, nhất là tại các điểm khai thác, sản xuất than.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học-Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Nghiêm Vũ Khải kiến nghị cần sửa đổi Luật Hình sự phần về tội phạm môi trường để có biện pháp đủ mạnh, xử lý các hành vi này.
Xử lý dứt điểm bản “danh sách đen”
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng những cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng này chính là bản “danh sách đen” cần tập trung giải quyết dứt điểm.
Phó Thủ tướng cho rằng kết quả sau 8 năm qua đã bước đầu hình thành được chính sách, cơ chế, có tác dụng răn đe các cơ sở sản xuất kinh doanh vi phạm, đồng thời nâng cao nhận thức của hệ thống chính trị, cộng đồng về công tác bảo vệ môi trường.
Phó Thủ tướng cũng chỉ rõ tiến độ xử lý như vừa qua là quá chậm, vẫn còn 101 cơ sở chưa xử lý xong, có đến 6 địa phương trong cả nước chưa hoàn thành nhiệm vụ này, cần tự kiểm điểm, khắc phục. Đặc biệt, công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường vẫn còn chưa đồng bộ, nhất là trong việc phối hợp, giải quyết; việc thanh kiểm tra, giám sát các cấp chưa tốt, vẫn để phát sinh cơ sở gây ô nhiễm mới.
Bên cạnh việc phối hợp với Bộ Công an xử lý kiên quyết, mạnh mẽ hơn nữa trong việc xử phạt các trường hợp vi phạm, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần phối hợp với các cơ quan chức năng, địa phương rà soát lại toàn bộ các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, kiên quyết không để xuất hiện mới các cơ sở thuộc diện này.
Bộ Khoa học và Công nghệ tích cực hơn nữa tuyên truyền, phổ biến công nghệ về xử lý ô nhiễm để các địa phương, bộ, ngành nắm bắt, vận dụng.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị các cơ quan truyền thông tăng cường thời lượng tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức trong hệ thống chính trị, người dân về tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường./.
Quang Vũ (TTXVN/Vietnam+)