Xử lý dứt điểm vi phạm kéo dài trong quản lý, sử dụng nhà, đất công

Qua giám sát, kiểm tra của HĐND thành phố Hà Nội và các đơn vị chức năng cho thấy việc khai thác và sử dụng quỹ nhà, đất do Hà Nội quản lý còn nhiều bất cập, lãng phí cần phải chấn chỉnh, khắc phục.
Xử lý dứt điểm vi phạm kéo dài trong quản lý, sử dụng nhà, đất công ảnh 1Biệt thự số 65 Nguyễn Thái Học (quận Đống Đa) được xây trước năm 1954 nay thuộc quản lý của Công ty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội. Phía dưới biệt thự được phân lô nền cho dân thuê kinh doanh. (Ảnh: Minh Hiếu/Vietnam+)

Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội có 803 địa điểm nhà, đất thuộc quản lý Nhà nước do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội quản lý.

Qua giám sát, kiểm tra của Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội và các đơn vị chức năng cho thấy việc khai thác và sử dụng quỹ nhà, đất này còn nhiều bất cập, lãng phí cần phải chấn chỉnh, khắc phục ngay nhằm phòng, tránh thất thoát ngân sách; đặc biệt là việc xử lý quỹ nhà tái định cư, nợ tồn đọng và vi phạm trật tự xây dựng.

Vi phạm trong quản lý, sử dụng nhà đất công

Theo ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội, trong 803 nhà chuyên dùng đang quản lý có 357 địa điểm vi phạm, điển hình như cho thuê lại, liên doanh liên kết, cải tạo lại, cơi nới, xây dựng thêm khi chưa được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận. Đáng chú ý, có tới 66 địa điểm dù có lợi thế thương mại giá trị cao nhưng không đưa vào sử dụng, khai thác để phát huy hiệu quả.

Tương tự, trong tổng số hơn 85.000m2 diện tích kinh doanh dịch vụ tầng 1 tại 199 tòa nhà chung cư tái định cư, hiện vẫn còn hơn 35.000m2 còn trống chưa bố trí thuê hoặc sử dụng trái phép, sai mục đích. Trong khi đó, đến nay thành phố vẫn sử dụng giá cho thuê đã ban hành từ cuối năm 2012, chưa ban hành giá mới.

Lãnh đạo Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội cho biết đối với 357 địa điểm nhà, đất vi phạm, hình thành qua quá trình sử dụng với nhiều đơn vị quản lý, đã bố trí cho người vào ở, liên doanh liên kết, cho thuê lại sai mục đích, sử dụng sai mục đích; một số đơn vị hành chính sự nghiệp không có khả năng bố trí kinh phí để nộp tiền thuê nhà.

Lý giải những tồn tại liên quan đến quỹ nhà tầng 1 tại các khu tái định cư, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong cho biết đối với 15.000m2 đang để trống, có khoảng 4.800m2 do đấu giá thuê không thành công. Hiện, Sở đã thu hồi tại 28 điểm do không nộp tiền thuê, sử dụng sai mục đích.

[Bộ Xây dựng: Công tác quản lý, sử dụng nhà ở công vụ còn lúng túng]

Đối với 424 căn hộ tái định cư trống, Sở Xây dựng Hà Nội tiếp tục đôn đốc rà soát và xử lý thu các trường hợp chưa nộp, dự kiến năm 2022 cơ bản xử lý xong vi phạm. "Trường hợp cố tình chây ì không nộp tiền hoặc ký hợp đồng mua nhà, Sở sẽ kiến nghị chuyển sang cơ quan điều tra để làm rõ, trong trường hợp vi phạm chiếm dụng tài sản nhà nước thì phải xử lý theo quy định," ông Võ Nguyên Phong nhấn mạnh.

Về nợ đọng tiền thuê nhà, đất chuyên dùng, Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội Nguyễn Xuân Lưu cho rằng đây là vấn đề kéo dài, cần lộ trình xử lý. Sở sẽ rà soát, áp các quy định của pháp luật, nếu có khả năng thu sẽ tiến hành thu nợ; trường hợp không có khả năng chi trả sẽ áp dụng các quy định để xử lý.

Thành phố sẽ đăng công khai đơn vị nợ tiền thuê nhà chuyên dùng trên các phương tiện truyền thông để người dân, các cơ quan quản lý giám sát, nắm bắt được. Đối với 300 quỹ nhà chuyên dùng chưa có phương án sắp xếp, Sở Tài chính đã tổng hợp và đề xuất Bộ Tài chính sắp xếp phương án xử lý và tiếp tục phối hợp với các sở, ngành thành phố thực hiện.

Theo Báo cáo số 18/BC-HĐND ngày 29/6/2022 của Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội về kết quả giám sát việc thực hiện các quy định pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công là nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước của thành phố, thời gian qua nhiều địa điểm, diện tích thuê sử dụng không đúng quy định; việc thiết lập và ký kết, gia hạn hợp đồng thuê nhà còn quá nhiều bất cập.

Nhiều đơn vị thuê nhà chưa ký hợp đồng thuê nhà; có đơn vị không ký hợp đồng và không trả tiền thuê; nhiều địa điểm đã hết thời hạn thuê chưa được ký lại, gia hạn thuê, dẫn đến tình trạng quản lý ngày càng phức tạp. Ngoài ra, việc xác định cơ chế quản lý, sử dụng quỹ nhà chuyên dùng (xác định thẩm quyền quyết định đối tượng cho thuê, hình thức cho thuê, thời hạn cho thuê, giá thuê…) còn bất hợp lý.

Hiện nay, với gần 400 địa điểm nhà chuyên dùng thuộc phân loại quản lý cho thuê vẫn thực hiện thu nộp tiền thuê nhà do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội quản lý, thực tế chỉ có 1 địa điểm (tại 41 Trần Hưng Đạo) còn hạn hợp đồng thuê và 5 địa điểm được Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội chấp thuận cho Bộ Quốc phòng thuê không phải trả tiền thuê. Còn lại toàn bộ các địa điểm thuê đã hết thời hạn vẫn chưa thực hiện gia hạn.

Xử lý dứt điểm vi phạm kéo dài trong quản lý, sử dụng nhà, đất công ảnh 2Một ngôi biệt thự nằm trên phố Điện Biên Phủ, quận Ba Đình. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Báo cáo của Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội cũng chỉ rõ, các địa điểm nhà chuyên dùng, nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước bị bỏ trống suốt thời gian dài dẫn đến xuống cấp, hư hỏng gây mất an toàn, nguy hiểm. Ngoài các vi phạm của đơn vị sử dụng, sự buông lỏng quản lý cũng như việc khai thác, kinh doanh chưa hiệu quả của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội, còn có trách nhiệm của các cơ quan quản lý, đòi hỏi thành phố Hà Nội cần xử lý dứt điểm.

Kiên quyết thu hồi nhà, đất vi phạm kéo dài

Trước nhiều vấn đề tồn tại, bất cập trong quản lý, sử dụng quỹ nhà đất chuyên dùng, ngày 8/7/2022, tại Kỳ họp thứ 7, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 16/2022/NQ-HĐND yêu cầu Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội chấp hành thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các kết luận, kiến nghị của Đoàn giám sát.

Theo đó, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội ban hành kế hoạch triển khai thực hiện, yêu cầu các sở, ngành phải bám sát quy định của pháp luật; phân công rõ nhiệm vụ, trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành theo phương châm "rõ người-rõ việc-rõ trách nhiệm-rõ quy trình-rõ hiệu quả" để kịp thời xử lý, khắc phục dứt điểm các tồn tại, hạn chế, góp phần quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm, khai thác có hiệu quả quỹ nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước; phòng, chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng.

Với 9 nhiệm vụ và giải pháp cụ thể đề ra, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định theo thẩm quyền, đảm bảo quản lý đồng bộ, chặt chẽ, sử dụng hiệu quả, khắc phục tình trạng thiếu sót, bất cập hoặc chồng chéo trong phân công, phối hợp giữa các cơ quan quản lý.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết thành phố sẽ kiên quyết thu hồi để xử lý theo quy định các diện tích nhà, đất không sử dụng, sử dụng không đúng quy định, sử dụng kém hiệu quả, nợ nghĩa vụ tài chính kéo dài; đồng thời, lập phương án sử dụng hiệu quả quỹ nhà, đất thu hồi này để phát huy nguồn lực, tránh lãng phí.

Phân loại, xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm (nợ đọng tiền thuê, bị chiếm dụng hoặc tự bố trí cho thuê trái phép, vi phạm trật tự xây dựng, có tranh chấp, khiếu kiện về quyền sử dụng, sở hữu...). Tăng cường thanh tra, kiểm tra định kỳ, chuyên đề và đột xuất việc chấp hành quy định về quản lý, sử dụng tài sản công.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cũng đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội, các tổ chức chính trị-xã hội, các đoàn thể quần chúng và nhân dân tích cực tham gia giám sát đối với công tác quản lý, sử dụng nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước của thành phố..../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục