Ý kiến trái chiều về kết quả hội nghị Copenhagen

Tổng Thư ký Ban Ki-moon cảnh báo Hội nghị Copenhagen có thể chỉ đạt thỏa thuận thiếu thuyết phục, thậm chí không có thỏa thuận nào.
Sau khi phải tạm dừng 5 tiếng vì sự tẩy chay của các nước châu Phi, các cuộc thảo luận chính thức về dự thảo thỏa thuận cho Hội nghị Liên hợp quốc về chống biến đổi khí hậu, đang diễn ra ở Copenhagen, Đan Mạch, đã được nối lại nhằm tránh nguy cơ hội nghị thất bại.

Các nguồn tin theo sát hội nghị cho biết các cuộc thảo luận kéo dài suốt đêm 14/12. Bộ trưởng Môi trường Thụy Điển, nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu (EU), ông Andreas Carlgren, thừa nhận các đại biểu đều nhận thức rõ thời gian còn lại rất eo hẹp và thế giới đã chờ đợi một thỏa thuận mới về chống biến đổi khí hậu quá lâu.

Tuy nhiên, nhóm 77 nước đang phát triển (G-77) đã cáo buộc nước chủ nhà Đan Mạch loại họ ra khỏi bàn đàm phán. Theo nhà điều phối của G-77 Bernadita de Castro Muller, các cuộc thảo luận chính thức về thỏa thuận dự thảo "hoàn toàn không dân chủ, hoàn toàn không minh bạch". Điều này khiến G-77 lo ngại không có chỗ đứng trong các cuộc thảo luận này.

Trước thềm Hội nghị thượng đỉnh trong khuôn khổ Hội nghị Liên hợp quốc về chống biến đổi khí hậu trong các ngày từ 15-18/12, nhiều nhà lãnh đạo thế giới và tổ chức quốc tế đã bày tỏ những quan điểm trái chiều về diễn tiến của hội nghị.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cảnh báo thời gian để đưa ra thỏa thuận mới về chống biến đổi khí hậu sắp hết. Ông thừa nhận đàm phán về chống biến đổi khí hậu là một quá trình khó khăn và phức tạp, nhưng bày tỏ lạc quan rằng Hội nghị thượng đỉnh sẽ đạt được một thỏa thuận "hợp lý, toàn diện, công bằng và mang tính ràng buộc về chính trị".

Theo ông, trước mắt, các nhà đàm phán phải tăng gấp đôi các nỗ lực, chấm dứt các động thái gây thanh thế hoặc đổ lỗi cho nhau để đi đến một sự thỏa thiệp trước khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh.

Ông Ban Ki-moon nhấn mạnh nếu mọi vấn đề đều được đẩy cho các nhà lãnh đạo thế giới giải quyết vào phút chót thì Hội nghị Copenhagen sẽ chỉ đạt được một thỏa thuận thiếu sức thuyết phục, hoặc thậm chí không đi đến thỏa thuận nào.

Tổng Thư ký Ban Ki-moon cho biết nhiều nước thành viên Liên hợp quốc ủng hộ quỹ ngắn hạn trị giá 10 tỷ USD giúp các nước đang phát triển đối phó với biến đổi khí hậu, bắt đầu từ năm 2010, trước khi một thỏa thuận chống biến đổi khí hậu có tính ràng buộc về pháp lý được soạn thảo. Ông cũng cho biết sẽ hối thúc một thỏa thuận về gói hỗ trợ tài chính dài hạn lớn hơn để giúp các nước nghèo, nhưng không tiết lộ con số cụ thể.

Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng tỏ ra lạc quan thận trọng với triển vọng đạt được một thỏa thuận chính trị về cắt giảm khí thải gây ô nhiễm không khí vào năm 2020 tại Hội nghị Copenhagen. Bà Merkel nhấn mạnh những thay đổi lập trường theo hướng tích cực mới đây của những nước phát thải khí lớn trên thế giới như Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ. Bà đồng thời hối thúc Washington cam kết cắt giảm khí thải nhiều hơn nữa và đề nghị kiểm chứng những cam kết của Trung Quốc và Ấn Độ.

Sau nhiều năm đứng ngoài cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, Mỹ mới đây đã cam kết cắt giảm 17% lượng khí thải của nước này vào năm 2020 so với năm 2005, tương đương 4% so với năm 1990 và nhích gần mức chuẩn 5,2% theo qui định của Nghị định thư Kyoto đối với các nước phát triển. Trong khi đó, Trung Quốc và Ấn Độ lần đầu tiên đã cam kết cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng như một biện pháp hạn chế khí hậu biến đổi.

Theo người phát ngôn Nhà Trắng Robert Gibbs, Tổng thống nước này Barack Obama cam kết theo đuổi một thỏa thuận đòi hỏi tất cả các nước phải có những bước đi lớn để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Lập trường này của ông Obama có thể làm gia tăng bất đồng tại hội nghị trong bối cảnh các nước đang phát triển đề xuất kéo dài Nghị định thư Kyoto giai đoạn một và cho ra đời một thỏa thuận riêng cho các nước đang phát triển.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso lo ngại Hội nghị Copenhagen sẽ thất bại, trong khi tổ chức môi trường quốc tế Hòa bình Xanh chỉ trích cam kết cắt giảm khí thải của Mỹ chỉ như "muối bỏ bể".

Ngày 14/12, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cho biết đã chọn nhà hoạt động môi trường người Kenya Wangari Maathai làm Sứ giả hòa bình thứ 12 của Liên hợp quốc với nhiệm vụ tập trung giải quyết các vấn đề biến đổi khí hậu. Lễ nhậm chức của bà Maathai sẽ diễn ra chiều 15/12 tại Hội nghị Copenhagen.

Bà Maathai từng có thành tích lâu năm trong lĩnh vực bảo tồn môi trường, phát triển bền vững, bảo vệ quyền của phụ nữ và xây dựng chính quyền trong sạch. Bà cũng là người phát động phong trào Vành đai xanh ươm trồng 30 triệu cây con trên toàn lãnh thổ Kenya. Bà được vinh dự nhận giải Nobel Hòa bình năm 2004, trở thành người phụ nữ đầu tiên của châu Phi được trao giải thưởng cao quí này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục