15 phim hay nhất chịu ảnh hưởng của triết học Nietzsche (phần 1)

Những ý tưởng triết học của triết gia vĩ đại người Đức Friedrick Nietzsche đã được rất nhiều nhà làm phim đưa vào các tác phẩm điện ảnh.

Triết gia vĩ đại người Đức Friedrick Nietzsche từng ca ngợi nghệ thuật như thế này: “Nghệ thuật là đối trọng mạnh mẽ duy nhất chống lại mọi ý định phủ nhận sự sống, nghệ thuật là phản - Chúa, phản - Đức Phật, và phản Hư Vô.” Tư tưởng đó của ông sau này đã được rất nhiều nhà làm phim đưa vào các tác phẩm điện ảnh.

Dưới đây là 15 bộ phim hay nhất chịu ảnh hưởng từ các lý thuyết triết học của Nietzsche như "Đạo lý Chủ nô - Nô lệ" (Master-Slave Morality), "Ý chí Hùng cường" (The Will to Power), "Apollo và Dionysus," "Vĩnh cửu luân hồi" (Eternal Recurrence), và "Trên cả con người" (Above-Human).

Chúng tôi xin sắp xếp theo thứ tự từ trên xuống dưới:

15. “Devil’s Advocate” (Kẻ thờ quỷ - 1997)

Bộ phim này dù nhận được cả khen lẫn chê từ giới phê bình, nhưng vẫn là một thành công lớn ở phòng vé.

Nhân vật chính của phim là Kevin Lomax, một luật sư có tài chưa từng thua một vụ kiện nào. Kevin nhận lời mời của một hãng luật do John Milton đứng đầu và chuyển đến Mahattan để làm việc cho ông ta.

Tại đây, Kevin đắm chìm trong công việc mà không để ý đến những thay đổi, những vấn đề của vợ mình. Milton dường như là mẫu nhân vật “biết tuốt,” luôn luôn có giải pháp cho mọi chuyện. Trong khi đó, mẹ của Kevin lặp đi lặp lại những lời khuyên từ Kinh Thánh khi dạy dỗ anh.

15 phim hay nhất chịu ảnh hưởng của triết học Nietzsche (phần 1) ảnh 1

Nội dung của phim được lồng ghép khéo léo với các ý tưởng triết học của người viết kịch: thiên sử thi bằng thơ nổi tiếng “Thiên đường đánh mất” của nhà thơ người Anh - John Milton (trùng tên với nhân vật Milton trong phim) thường được nhắc đến trong lời thoại của các nhân vật.

Ý nghĩa đích thực của Ý chí tự do (Free Will) cũng được khai thác thông qua “ý chí hùng cường” của Kevin. Gã khăng khăng rằng theo đuổi quyền lực là một điều tự nhiên đối với mỗi luật sư. Luật sư là phải thắng. Nhưng khi Milton nhúng tay vào, mọi chuyện đều thay đổi.

Ý chí của mỗi con người không thể tồn tại hoàn toàn tách biệt với thế giới bên ngoài. Khi có quá nhiều cá nhân tham gia vào một việc, ý chí của một người sẽ bị ảnh hưởng bởi ý chí của những kẻ khác. Cuộc đối đầu giữa ý chí hướng tới quyền lực (Will to Power) và ý chí hướng tới sự khoái lạc (Will to Pleasure) trong bộ phim là một vấn đề luôn tồn tại dai dẳng trong xã hội hiện đại.

14. “Hitler, the Rise of Evil” (Hitler: Sự trỗi dậy của Quỷ - 2003)

Đây là một series phim truyền hình ngắn do Canada sản xuất dưới dạng bán tiểu sử, kể về cuộc đời của Hitler từ lúc thiếu sinh cho đến khi ông ta leo lên đỉnh cao quyền lực.

Bộ phim cố gắng gợi lên những sự kiện lịch sử qua góc nhìn của Hitler. Mặc dù có một số chi tiết tương phản giữa phim và đời thực, nhưng tinh thần tôn trọng lịch sử trong phim vẫn được giữ vững.

Bộ phim bắt đầu khi Hitler còn là một đứa trẻ, quá nhỏ để bộc lộ cảm xúc khi cha của ông ta chết. Mười năm sau, tên trùm phátxít tương lai xin học tại Học viện Nghệ thuật Vienna, nhưng bị từ chối, với lí do rằng, ông ta thiếu tài năng của một nghệ sỹ. Đây là một khoảng khắc rất quan trọng trong cuộc đời của Hitler khi ông ta phải đối mặt với sự thật cay đắng mà mẹ của mình đã luôn luôn nhắc đến.

15 phim hay nhất chịu ảnh hưởng của triết học Nietzsche (phần 1) ảnh 2

Thế giới như sụp đổ trước mắt. Khi mẹ mất, Hitler chuyển đến sống ở Vienna, và cảm thấy rất đồng cảm với thái độ bài Do Thái của cư dân thành phố này. Ông ta bắt đầu đổ lỗi người Do Thái đã tạo ra sự bất hạnh của mình. Hitler gia nhập quân đội Đức trong Thế chiến thứ nhất, nhưng bị thương chỉ sau vài tháng.

Ở bệnh viện, Hitler nghe tin quân đội Đế chế Đức phải đầu hàng trước quân Đồng Minh, từ đó ông ta bắt đầu tin, và bắt đầu thuyết phục những người Đức khác, rằng mọi tai ương của nước Đức đều từ dân Do Thái.

Cuộc đời của Hitler là một sự ứng nghiệm đáng sợ lí thuyết về ý chí hướng tới quyền lực của Nietzsche. Điều nghịch lí nằm ở chỗ, khi Nietzsche còn sống, tư tưởng của ông được ủng hộ mạnh mẽ từ những người theo cánh tả, những người vô thần hay những người theo chủ nghĩa Phục quốc Do Thái.

Nhưng từ khi Hitler lên nắm quyền, tư tưởng của Nietzsche, đặc biệt là khái niệm “Con người thượng đẳng” (Above-human) được đảng Nazi sử dụng rộng rãi cho mục đích tuyên truyền của mình. Phải mất rất lâu sau khi Thế chiến thứ hai kết thúc, tên tuổi và tư tưởng của Nietzsche mới được tách biệt khỏi những tội ác của Đức Quốc Xã.

13. “Groundhog Day” (Ngày Chuột Chũi - 1993)

Trên đường đi đến thị trấn Pittsburg, Phil - nhân viên dự báo thời tiết - bị mắc kẹt trong một cơn bão tuyết lớn và bị buộc phải ở lại thị trấn Punxsutawney qua đêm. Ngày hôm sau tỉnh dậy, Phil kinh hoàng nhận ra hôm đó vẫn là ngày 2/2, Groundhog Day, và tất cả những ngày về sau vẫn là ngày 2/2 bị lặp lại.

Phil cố thoát ra khỏi thị trấn này và cái ngày 2/2 quái gở, nhưng tuyệt vọng và vô ích. Chấp nhận số phận của mình, Phil bắt đầu cố gắng cải thiện bản thân và nhanh chóng trở thành một người hùng trong mắt những cư dân của cái thị trấn bé nhỏ ấy. Phil giúp đỡ mọi người, học tiếng Pháp, học chơi piano và vật lộn từng ngày để gây ấn tượng với cô đồng nghiệp Rita.

15 phim hay nhất chịu ảnh hưởng của triết học Nietzsche (phần 1) ảnh 3

Triết lí về Vĩnh cửu luân hồi được mô phỏng rất rõ trong phim. Sự duy ý chí (Amor Fati) là lí do khiến cho Phil sống lặp lại một ngày trong suốt hàng năm trời, cho đến khi anh học được cách chấp nhận số phận của mình. Theo đó, Phil sẽ không cố thay đổi thực tại mà mình đang sống nữa, và cái vòng luẩn quẩn của thời gian đã bị phá vỡ, ngày 3/2 đã đến.

12. “Manderlay” (2005)

Đây là bộ phim thứ 2 trong bộ ba phim của đạo diễn người Đan Mạch - Lars Von Trier mang tên USA - “Mảnh đất của cơ hội.” Câu chuyện trong phim được nối tiếp sau một bộ phim trước của vị đạo diễn này.

Một cô gái trẻ hư hỏng tên Grace, đi lang thang khắp nước Mỹ cùng với cha của mình - một ông trùm xã hội đen - và băng nhóm của ông ta. Họ tình cờ lưu lạc đến Manderlay, một đồn điền lớn, nơi mà tình trạng nô lệ vẫn còn tiếp diễn mặc dù cuộc Nội chiến Mỹ đã kết thúc được hơn 70 năm.

Dù hư hỏng nhưng vẫn đầy lòng cao thượng, Grace quyết định ở lại nơi đây cùng một đám tay chân và một vị luật sư dưới quyền cha của cô. Người chủ nô ở đây đang hấp hối, trước khi chết, bà đã nhờ Grace đốt dùm một quyển sổ tay trên đó ghi lại những điều luật của mình dành cho đám nô lệ.

Grace vừa kinh tởm những điều được viết ra trong cuốn sổ, vừa cảm thấy cần phải làm gì đó cho những người nô lệ. Cô bắt đầu rao giảng cho họ những khái niệm về tự do, dân chủ. Nhưng mọi việc không đơn giản như thế, việc giảng giải đó không đem lại kết quả như cô mong đợi, ngược lại, nó đem lại nhiều rắc rối hơn ban đầu.

15 phim hay nhất chịu ảnh hưởng của triết học Nietzsche (phần 1) ảnh 4

Đạo lý Chủ nô - Nô lệ vẫn còn tồn tại, và những người nô lệ đã sống trong xiềng xích quá lâu đến mức những khái niệm mới về tự do họ nhận được từ Grace khiến họ cảm thấy đó là một sự sai lầm. Câu chuyện đặt ra vấn đề, làm sao con người có thể chắc rằng, những giá trị tự do, dân chủ là đúng đắn như chúng ta vẫn khẳng định. Trên đời, mọi thứ luôn chỉ là tương đối.

Bộ phim không hề mang tư tưởng bài Mỹ hay kì thị chủng tộc. Những gì xảy ra ở Manderlay có thể xảy ra với bất cứ ai, ở bất cứ nơi nào trên thế giới. Nietzsche đã rút ra kết luận, về tổng thể, đạo lý là cần thiết cho đám đông, và chỉ những cá nhân xuất chúng mới nên được dẫn lối bằng những nguyên tắc của riêng họ. Nhưng bởi vì đám đông chiếm tuyệt đại đa số và rất dễ nhận ra, làm sao chúng ta biết được ai là cá nhân xuất chúng?

11. “Broken Flower” (Đóa hoa tan vỡ - 2005)

“Broken Flower” kể về một chàng Don Juan già thời hiện đại tên là Don Johnston. Sau khi bị đá bởi người tình mới nhất của mình, Don quyết định sống an phận, chỉ ngồi xem những bộ phim cũ và nghe nhạc trữ tình. Nhưng đột nhiên gã nhận được một lá thư khuyết danh gửi từ người tình cũ, thông báo rằng họ có chung một đứa con trai 19 tuổi, và nó đang muốn gặp cha của mình.

Ban đầu Don cảm thấy dửng dưng, nhưng dưới sự thúc ép từ gã hàng xóm Winston, gã bắt đầu công cuộc truy tìm chủ nhân của bức thư này. Don trải qua bốn cuộc gặp với bốn người tình cũ, đối diện với quá khứ và hiện tại của chính mình.

15 phim hay nhất chịu ảnh hưởng của triết học Nietzsche (phần 1) ảnh 5

Những cuộc gặp này đều có chung một cấu trúc, nhưng cũng cực kì khác biệt. Cuộc gặp sau lại tệ hơn cuộc gặp trước, nhưng phản ứng của Don gần như không thay đổi. Đó là biểu hiện của Vĩnh cửu luân hồi, khi những sự kiện trên dòng thời gian không giống nhau hoàn toàn nhưng rất gần gũi nhau. Mỗi người phụ nữ trong đó đều có một vị trí tương đương trong lòng Don, mỗi người trong số họ đều có thể là chủ nhân của bức thư kia.

Bộ phim đi sâu vào nhận thức của một cá nhân về chính mình, phân tích hành vi ứng xử của họ khi đi quá những chuẩn mực đạo đức của xã hội. Trong thế giới của Don, không có gì bị cấm đoán, nhưng dường như gã không còn thích thú cái sự tự do ấy nữa. Trong Vĩnh cửu luân hồi, mỗi lựa chọn là một khả thể mở ra một vòng lặp mới.

10. “The Fountain” (Nguồn sống - 2006)

“The Fountain” là một câu chuyện đơn giản, một câu chuyện tình, theo lời của đạo diễn Aronofsky. Một nhà khoa học cố gắng tìm ra phương thuốc chữa khối u trong não của vợ mình. Một nhà thám hiểm Tây Ban Nha cố gắng tìm ra Cây Nguồn Sống ở Tân Thế Giới để cứu nữ hoàng của mình. Một nhà du hành vũ trụ cùng một cái cây già cỗi du hành trong một cái bong bóng trong suốt, hướng về phía một dải tinh vân lấp lánh ánh vàng.

15 phim hay nhất chịu ảnh hưởng của triết học Nietzsche (phần 1) ảnh 6

Ba câu chuyện kết nối với nhau. Vợ của nhà khoa học đang viết một câu chuyện về hành trình của nhà thám hiểm. Sau khi cô chết, nhà khoa học trồng một cái cây trên mộ cô, và nhà du hành chính là nhà khoa học trong tương lai, vượt không gian và thời gian cùng cái cây yêu dấu của mình.

Ba câu chuyện có chung một mô típ: một người đàn ông cố gắng cứu sống tình yêu của mình. Đó cũng chính là một hình mẫu của lí thuyết Vĩnh cửu luân hồi của Nietzsche, đó là cùng một sự kiện được lặp đi lại vô số lần, trong khoảng không gian vô tận.

Nhà thám hiểm, nhà khoa học và nhà du hành đều là một người, họ đều sợ cái chết, họ cố gắng đánh bại cái chết đến mức quên cả sống. Nhưng cả 3 con đường đều dẫn đến chung một đích đến: thất bại.

9. “Rope” (Sợi dây thừng - 1948)

Bộ phim này là một thể nghiệm của Alfred Hitchcock, không giống với những bộ phim khác của ông, nó hầu như không được chỉnh sửa gì nhiều sau khi quay. Máy quay được bố trí rất cẩn thận, và mỗi cảnh quay được quay xuyên suốt trong khoảng 10 phút liền, khâu dựng phim được thực hiện rất khôn ngoan, khiến cho cả bộ phim giống như một cú bấm máy dài liên tục (long take).

Hai học sinh, Brandon và Phillip lên kế hoạch giết chết một người bạn học của mình, rồi giấu xác cậu ta trong cái rương cũ trong nhà của họ. Rồi chúng tổ chức một bữa tiệc gia đình nhỏ, mời đến bạn gái, cha và chị của nạn nhân, và Rupert - giáo viên của lớp học đó.

15 phim hay nhất chịu ảnh hưởng của triết học Nietzsche (phần 1) ảnh 7

Hai kẻ sát nhân coi nạn nhân là một kẻ yếu kém về trí tuệ, và sự thượng đẳng của chúng trở thành cái cớ để biện minh cho việc siết cổ cậu bạn đến chết.

Bi kịch này bắt nguồn từ một cuộc thảo luận bình thường của Rupert về khái niệm Con người thượng đẳng của Nietzsche, con người thượng đẳng vượt lên trên tốt và xấu, tạo ra những giá trị mới cho nhân loại. Tuy nhiên, cách hiểu của Hai kẻ sát nhân cũng chính là cách Đức Quốc Xã diễn đạt lại tư tưởng của Nietzsche, cũng như là cách mà văn hóa đại chúng hiểu về nó.

Trong tác phẩm “Như Zarathustra đã nói” của mình, Nietzsche giải thích rằng: Con người thượng đẳng là kẻ vượt qua được bản ngã loài người, kẻ tạo ra được những thứ vượt trên cả bản thân hắn. Vì giết chóc là một việc ai cũng có thể làm được, đó hẳn không phải là cách mà Nietzsche muốn chúng ta hiểu về tư tưởng của ông.

8. “Triumph of the Will” (Thắng lợi của ý chí - 1935)

Đó là kiệt tác tuyên truyền của Đức Quốc Xã, lấy bối cảnh đại hội đảng Quốc Xã ở Nuremberg năm 1934. Người ta đồn rằng, chính Hitler là người đứng đằng sau chỉ đạo cho bộ phim này.

Những kỹ thuật dựng phim mới mẻ so với thời bấy giờ như quay phim trên không, ống kính hội tụ tầm xa và cách sử dụng mang tính cách mạng của âm nhạc khiến “Triumph of the Will” trở thành một trong những bộ phim vĩ đại nhất trong lịch sử.

15 phim hay nhất chịu ảnh hưởng của triết học Nietzsche (phần 1) ảnh 8

Bộ phim không có lối dẫn chuyện, chỉ có những bài diễn văn dài vô tận của các lãnh đạo đảng Quốc Xã, trong đó có cả Hitler. Thay vì chứa đựng không khí bài Do Thái, bộ phim cố gắng khắc họa hình ảnh Hitler và bộ sậu của ông ta giống như chúa Jesus và các tông đồ của mình. Mọi thứ Hitler nói hoặc làm đều mang dáng dấp của một Đấng Cứu Thế.

Hiện nay bộ phim này bị cấm ở Đức và nhiều nơi khác trên thế giới do các đạo luật cấm chủ nghĩa phátxít.

Cũng giống như rất nhiều thứ khác liên quan đến Hitler, bộ phim thể hiện một sự diễn dịch sai lầm Ý chí hướng tới quyền lực của Nietzsche./.

(Đẹp/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục