ADB cảnh báo nguy cơ khủng hoảng nước ở châu Á

ADB cảnh báo, châu Á có thể phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nước trầm trọng, đe dọa kéo lùi tốc độ phát triển kinh tế của khu vực.
Châu Á có thể phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nước trầm trọng, đe dọa kéo lùi tốc độ phát triển kinh tế của khu vực.

Ông Arjun Thapan, cố vấn đặc biệt của Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) về vấn đề nước và cơ sở hạ tầng, đã cảnh báo như vậy nhân Tuần lễ quốc tế về nước diễn ra từ ngày 28/6-1/7 tại Singapore.

Theo ông Thapan, ước tính đến năm 2030, chỉ 40% nhu cầu nước ở châu Á được đáp ứng. Hiện 80% nguồn nước của châu lục này dùng để tưới tiêu nên lĩnh vực sản xuất có thể thiếu nước trầm trọng. Riêng ngành công nghiệp tiêu thụ khoảng 10-15% nguồn nước trong vùng.

Tuy nhiên, việc sử dụng hiệu quả nguồn nước trong nông nghiệp và công nghiệp chỉ được cải thiện 1% hàng năm, kể từ năm 1990.

Những nguyên nhân dẫn đến khả năng xảy ra khủng hoảng nước ở châu Á là do nhiều thành phố lớn phát triển nhanh của châu lục này đang sử dụng nước một cách không hiệu quả.

Trung bình mỗi ngày có khoảng 200.000 người từ nông thôn vào các thành phố.

Hơn nữa, lượng nước sử dụng ở châu Á phần lớn chưa được xử lý, dẫn đến tình trạng ô nhiễm nguồn nước ở các sông ngòi nên không thể sử dụng để tưới tiêu hay cho bất cứ mục đích gì.

Theo ông Thapan, nước là nguồn tài nguyên có hạn nên chính phủ các nước ở châu Á cần thực hiên các chương trình cải tạo nước.

Giải pháp để sử dụng tốt nguồn nước hiệu quả hiện nay là người dân phải trả phí cho lượng nước mà họ sử dụng cũng như bảo đảm nguồn nước thải được tái sử dụng.

Ông Thapan cho rằng Singapore là một điển hình về bảo vệ tốt nguồn nước, bằng cách đưa ra mức giá hợp lý và tái sử dụng nước thải.

Quan chức của ADB này cho rằng vẫn còn thời gian để cứu vãn tình hình, nhưng điều đó phụ thuộc lớn vào nỗ lực nhanh hay chậm trong việc thực thi các chương trình cải thiện và đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục