Giám sát, phân tích quy mô rừng qua vệ tinh

Ngày 20/10, FAO đã đưa vào hoạt động hệ thống giám sát và phân tích quy mô rừng, hiện trạng rừng trên toàn cầu thông qua vệ tinh.
Ngày 20/10, Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO) đã đưa vào hoạt động hệ thống giám sát và phân tích quy mô rừng, hiện trạng rừng trên toàn cầu thông qua vệ tinh.

Hệ thống giám sát của FAO sẽ chuyển giao dữ liệu và cung cấp các phương tiện và công nghệ phân tích dữ liệu tới 13.000 đầu mối trên toàn cầu. Hệ thống mới này sẽ cung cấp trực tiếp các dữ liệu về rừng cũng như các vụ cháy rừng và suy thoái rừng cho các cơ quan liên quan của các nước đang phát triển.

Chi phí rẻ hơn, dữ liệu chính xác và minh bạch hơn sẽ giúp các nước đang phát triển đánh giá được hiện trạng rừng của nước mình và nhờ đó, tham gia hiệu quả hơn vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu thông qua việc cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính từ các vụ cháy rừng và suy thoái rừng.

Theo số liệu của Liên hợp quốc, gần 20% lượng khí thải trong tổng lượng khí thải toàn cầu - lớn hơn tổng lượng khí thải từ các phương tiện vận tải đường bộ đường sông, đường không toàn thế giới - thải vào khí quyển Trái Đất bắt nguồn từ các vụ cháy rừng, phá rừng và suy thoái rừng.

Rừng đang lưu giữ hơn 1 nghìn tỷ tấn cácbon, làm sạch nguồn nước, bảo vệ đất, chống lụt và hạn hán và là môi trường sống cho đại đa số sinh vật sống trên mặt đất.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã yêu cầu tăng nguồn tài chính cho Sáng kiến của Liên hợp quốc giảm lượng khí thải từ phá rừng và suy thoái rừng (UN-REDD) nhằm khuyến khích hành động đảo ngược xu thế phá rừng đang lan tràn khắp thế giới.

Ông nhấn mạnh quản lý rừng bền vững sẽ tạo thêm việc làm và bảo vệ cuộc sống của cộng đồng dân cư 1,6 tỷ người sống nhờ rừng. UN-REDD được Tổng Thư ký Liên hợp quốc khai trương tháng 9 vừa qua với sự hợp tác của FAO, Chương trình Môi trường Liên hợp quốc, Chương trình phát triển Liên hợp quốc nhằm hỗ trợ các nước đang phát triển bảo vệ rừng và giảm khí thải từ rừng.

Một chương trình 18 triệu USD đã được phê chuẩn để hỗ trợ sáng kiến chống phá rừng ở Việt Nam, Cộng hòa Dân chủ Congo, Indonesia, Tanzania, và Papua New Guinea.

Trong một diễn biến khác, Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 20/10 cho biết 6 nước đang phát triển gồm Brazil, Cộng hòa Dân chủ Congo, Ấn Độ, Marocco, Nepal và Romania sẽ cùng 5 nước tài trợ là Australia, Đan Mạch, Na Uy, Anh và Mỹ tham gia một dự án chống biến đổi khí hậu bằng việc quản lý tốt hơn tài nguyên rừng.

Các bên tham gia "Chương trình Đầu tư Rừng" (FIP) sẽ gặp nhau lần đầu tiên vào ngày 29/10 tới tại Washington (Mỹ) nhằm khởi động dự án và thảo luận các tiêu chí cho việc lựa chọn các nước hay khu vực trên thế giới có thể được hưởng lợi nhiều nhất từ dự án.

FIP được coi là dự án hợp tác chung đầu tiên giữa các nước đang phát triển và các nước phát triển trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu thông qua việc bảo vệ và quản lý bền vững tài nguyên rừng. Năm nước tài trợ nói trên đã cam kết đầu tư 350 triệu USD cho dự án./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục