Hà Nội nỗ lực giữ vị thế là điểm đến hấp dẫn hàng đầu thế giới

Bên cạnh xây dựng các sản phẩm du lịch hấp dẫn, Hà Nội quyết tâm cải thiện môi trường văn hóa du lịch, bài trừ các tệ nạn ăn xin, chèo kéo, bắt chẹt du khách để mang lại niềm tin cho du khách.
Hà Nội nỗ lực giữ vị thế là điểm đến hấp dẫn hàng đầu thế giới ảnh 1Du khách quốc tế tham quan phố cổ Hà Nội. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Liên tiếp từ nhiều năm nay, Hà Nội được các trang du lịch uy tín thế giới bình chọn là một trong những điểm đến hấp dẫn của khu vực và thế giới. Gần đây nhất, trang web du lịch TripAdvisor bình chọn Hà Nội là điểm đến hấp dẫn thứ 4 trong 10 điểm đến hàng đầu thế giới năm 2015.

Từ những vinh dự này, Thủ đô tiếp tục xây dựng hình ảnh du lịch, giữ vững vị thế là điểm đến ưa chuộng của du khách trong và ngoài nước.

Đa dạng hóa sản phẩm du lịch

Trong khoảng 5 năm trở lại đây, thành phố Hà Nội xác định du lịch là ngành kinh tế cần được ưu tiên và ngành du lịch đã có những cải thiện đáng kể.

Bên cạnh các sản phẩm được hình thành trên cơ sở nâng cấp các sản phẩm du lịch cũ như sản phẩm du lịch khám phá di sản văn hóa phi vật thể, du lịch võ thuật, du lịch làng nghề-làng cổ đã có thêm nhiều sản phẩm du lịch mới tính chuyên nghiệp cao, tạo thêm cơ hội lựa chọn cho du khách khi đến Hà Nội

Có thể kể đến như Khu du lịch Đảo Ngọc Xanh, du lịch thăm Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam, du lịch kết nối các kinh đô Việt cổ, du lịch cộng đồng Ba Vì, khai thác không gian lễ hội Gióng phát triển du lịch.

Quy hoạch phát triển du lịch đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 ra đời được kỳ vọng sẽ mang đến một diện mạo mới cho du lịch Thủ đô, các ý tưởng xây dựng hàng loạt các sản phẩm du lịch mới đang chờ hiện thực hóa.

Hiện nay, thành phố đang gấp rút quy hoạch khu vực Ba Vì-Suối Hai thành khu du lịch quốc gia. Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội mới đây cũng đã đề xuất thành phố dự án đầu tư xây dựng Trung tâm du lịch văn hóa sông Hồng có diện tích khoảng 50ha trên địa bàn quận Tây Hồ và Bắc Từ Liêm nhằm xúc tiến du lịch Hà Nội và khu vực Bắc Bộ, quảng bá và giới thiệu các sản phẩm làng nghề, phát triển khu vui chơi giải trí phục vụ nhân dân và du khách.

Ba điểm đến gồm Văn Miếu-Quốc Tử Giám, nhà tù Hỏa Lò, đền Ngọc Sơn và khu vực hồ Hoàn Kiếm đang được nâng cấp một cách bài bản, chuyên nghiệp. Ngoài ra, nhiều sản phẩm du lịch mới đang được ngành du lịch Thủ đô từng bước triển khai, xây dựng.

Theo ông Lưu Đức Kế, Giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist, Hà Nội là nơi giàu có về tài nguyên di sản văn hóa, do vậy sản phẩm du lịch Hà Nội bắt buộc bám vào lợi thế đó để đầu tư.

Tuy nhiên, sản phẩm du lịch không phải dựa trên các yếu tố có sẵn, mà phải được phát triển trên cơ sở tổng hợp, kết hợp với sản phẩm khác để bán cho du khách. Đó chính là trách nhiệm của du lịch Hà Nội tạo sản phẩm vừa có tính văn hóa, vừa tạo sản phẩm có tính hấp dẫn.

Xây dựng Hà Nội thân thiện, mến khách

Vốn được đánh giá là điểm đến an toàn, người dân thân thiện nhưng Hà Nội cũng nhận được không ít lời phàn nàn của du khách về tình trạng ăn xin, chèo kéo, lừa đảo, bắt chẹt khách.

Mặc dù là hiện tượng không phổ biến nhưng để tạo một môi trường du lịch an toàn, thân thiện, thành phố quyết tâm bài trừ tệ nạn này, mang lại niềm tin cho du khách.

Bà Lê Thị Bích Thủy, Giám đốc Khách sạn Hòa Bình cho rằng: “Đối với du khách, vấn đề tắc đường không phải là quá lớn vì rất nhiều quốc gia có tình trạng này, điều họ quan tâm hơn chính là môi trường du lịch. Bên cạnh yếu tố vệ sinh môi trường, khói bụi, rác thải thì thái độ ứng xử của những người làm du lịch, của người dân địa phương rất quan trọng. Vì vậy, các cấp, các ngành cần tuyên truyền nhiều hơn để nâng cao ý thức người dân và cũng để Thủ đô đẹp hơn trong con mắt bạn bè trong nước, quốc tế.”

Nhiều cuộc họp bàn giữa ngành du lịch Thủ đô với các ngành chức năng liên quan đã diễn ra nhằm mang lại môi trường an toàn cho du khách; trong đó, phải kể đến sự vào cuộc tích cực của quận Hoàn Kiếm, một địa bàn trọng điểm của du lịch Thủ đô, tập trung rất nhiều khách quốc tế nhưng cũng xảy ra không ít các tệ nạn nhắm vào khách du lịch.

Quận Hoàn Kiếm đã từng mở đợt truy quét các đối tượng móc túi, cướp giật, lừa đảo, chèo kéo du khách và hiện vẫn duy trì tại nhiều khu vực.

Bộ phận hỗ trợ khách du lịch ra đời được coi là một nỗ lực của ngành du lịch Hà Nội trong việc cải thiện môi trường du lịch. Ngay từ khi hoạt động, bộ phận này nhận được sự hưởng ứng tốt của du khách, các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực du lịch và cả người dân Thủ đô.

Các vụ việc như taxi bắt chẹt khách; khách sạn, công ty du lịch cung ứng dịch vụ không đúng cam kết; khách bị trộm đồ… đều được giải quyết nhanh chóng, mang lại niềm tin cho du khách đến Hà Nội, nhất là khách quốc tế. Kết quả, các vụ việc liên quan đến khách du lịch đã giảm mạnh, đặc biệt là các vụ việc nóng, mang tính chất phức tạp.

Trong thời gian qua, nhiều buổi tập huấn dành cho hướng dẫn viên du lịch, lễ tân khách sạn, lái xe du lịch, lái xe xíchlô… được tổ chức, vừa hướng dẫn những người hoạt động trong lĩnh vực du lịch thực hiện đúng các quy định pháp luật, vừa định hướng phong cách giao tiếp ứng xử đối với khách du lịch. Mỗi buổi tập huấn có sự tham gia của hàng trăm học viên và hầu hết mọi người đều đánh giá cao tính thiết thực của vấn đề liên quan.

Ngay cả phong trào Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh mà thành phố đang triển khai cũng có tác động tích cực đến phong cách ứng xử trong môi trường du lịch.

Ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội cho biết: “Chúng tôi xác định, du lịch Thủ đô Hà Nội phải luôn vươn lên đứng vị thế là một trong hai trung tâm du lịch của cả nước và phải là một trong những trung tâm lớn của khu vực. Điều quan trọng nhất là phải xây dựng một môi trường văn hóa du lịch, nhất là phong cách phục vụ ở những điểm du lịch, phong cách ứng xử, tính chuyên nghiệp để khách du lịch đến có ấn tượng tốt với du lịch Thủ đô. Mặt khác, tăng cường quản lý hoạt động về môi trường tự nhiên, môi trường nhân văn, đảm bảo tốt trật tự an toàn cho du khách, quản lý hoạt động giá cả ở nơi phục vụ khách du lịch”./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục