Hơn 200 hộ dân Hà Nam sống cùng khí thải độc hại

Hơn một năm qua, hơn 200 hộ dân ở Hà Nam phải sống trong bầu không khí độc hại do khí thải từ nhà máy Công ty đồng kỹ thuật KOREA.
Hơn một năm qua, hơn 200 hộ dân ở thôn Thần Nữ, xã Bạch Thượng và khu phố Nguyễn Hữu Tiến, thị trấn Đồng Văn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, phải sống trong bầu không khí ô nhiễm do khí thải độc hại từ nhà máy  sản xuất dây đồng của Công ty cổ phần đồng kỹ thuật KOREA Việt Nam.

Rất nhiều người thấy khó thở, tức ngực và chóng mặt khi hít phải loại khí độc này.

Nhiều đơn thư kiến nghị với hàng trăm chữ ký tập thể đã được gửi đi các cấp, các ngành có thẩm quyền nhưng môi trường sống của người dân vẫn không được cải thiện.

Những lá đơn kêu cứu

Hoang mang trước thực trạng trên, tập thể bà con trong hai tổ dân phố 5 và 6, phố Nguyễn Hữu Tiến, thị trấn Đồng Văn, huyện Duy Tiên đã làm đơn tố cáo nhà máy sản xuất dây đồng kỹ thuật KOREA Việt Nam xả khí thải độc hại và cầu cứu tới các cơ quan chức năng, chính quyền các cấp và các cơ quan truyền thông trong và ngoài tỉnh Hà Nam.

Nội dung đơn thư trình bày rõ: “Từ khi đi vào sản xuất (tháng 8/2008), Công ty Cổ phần đồng kỹ thuật KOREA đã xả ra khí thải có mùi khai, khét nồng nặc rất khó chịu. Khi hít phải lần đầu, nhiều người trong khu phố thấy quay cuồng, chóng mặt, buồn nôn ... Đặc biệt, nguồn nước mà Công ty thải ra có màu xanh đen đặc quánh, có mùi tanh của đồng. Nước tràn vào ao làm cá chết hàng loạt... ”.

Ông Vũ Hữu Hoàng, ở số nhà 262, cùng khu phố vừa đưa cho chúng tôi xem những tấm ảnh chụp cá chết trắng xóa do những lần nhà máy xả nước thải vừa cho biết: “Hàng đêm, gia đình tôi phải đóng toàn bộ cửa sổ để hạn chế hít phải mùi khai, khét do nhà máy sản xuất đồng xả ra. Tuy nhiên, biện pháp đó vẫn chẳng ăn thua gì. Mọi người phải làm thêm động tác trùm khăn và chăn che kín mặt, thậm chí phải xấp ướt khăn tay để thỉnh thoảng thấm vào mũi mới có thể ngủ yên được”.

Tại khu tường bao của nhà máy, nằm sát với hồ, ao nuôi cá của nhân dân, chúng tôi đã trực tiếp chứng kiến dưới chân tường là những vết đục mới được trát lại bằng ximăng.

Theo người quản trang ở ngay sát công ty thì những lỗ trên đều là những vết đục do những lần công ty xả trộm nước thải ra môi trường. Nhiều lần nhân dân đã mua ximăng, cát để bít lại, nhưng vá chỗ này thì bị phá chỗ khác. Những vết phá rất tinh vi, thường là ở những chỗ cỏ cây mọc dày và ít người để mắt tới.

Một số người dân cho biết, năm 2008, nước thải của Công ty đồng kỹ thuật xả ra đã làm chết toàn bộ số cá trong ao của ông Phan Văn Chanh nhưng công ty không chịu trách nhiệm. Tới khi ông Chanh múc nước thải vào chậu, mua cá về thả trước sự chứng kiến của cán bộ công ty, thấy cá chết, công ty mới tiến hành đền với số tiền phải đền trên 50 triệu đồng.

Quan sát được ít phút, mùi nồng nặc từ chiếc ống xanh nhạt, bằng miệng thúng, thấp tè của nhà máy đang xả khí bay lờ đờ, xộc vào mũi khiến chúng tôi ngay lập tức phải rời khỏi hiện trường. Cách xa khu vực đó hàng nghìn mét, chúng tôi vẫn ngửi thấy mùi khét.

Bà Phan Thị Giỏi, 61 tuổi, ở thôn Thần Nữ bức xúc: “Đêm nào tôi cũng bị mất ngủ vì hít phải khí thải từ nhà máy sản xuất dây đồng. Nhất là những đêm trời đổ mưa, giông, khí thải đặc quánh làm tôi ho sặc sụa và phải thức đến sáng. Cứ tình trạng này, dân chúng tôi hoang mang lắm... ".

Nỗi khổ chưa biết ngày kết thúc

Việc Công ty cổ phần đồng kỹ thuật KOREA, đóng tại Khu công nghiệp Đồng Văn, xả khí thải độc hại ra môi trường xung quanh đã được đoàn thanh tra của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Nam xác nhận là đúng thực tế. Nguyên nhân gây ra mùi khó chịu là do chất liệu sơn cách điện của nhà máy gây ra.

Tuy nhiên, kết quả phân tích môi trường do Trung tâm quan trắc phân tích Tài nguyên & Môi trường Hà Nam cho thấy, các chỉ tiêu khí thải của nhà máy đều nằm trong giới hạn cho phép (?).

Ông Vũ Hữu Hoàng, Vũ Văn Tâm là những người đại diện cho các hộ dân xung quanh nhà máy bất bình, chúng tôi là những người không có chuyên môn, kỹ thuật về lĩnh vực tài nguyên và môi trường nên không xác định cụ thể được thế nào là giới hạn cho phép. Nhưng tôi dám khẳng định, nếu Trung tâm quan trắc phân tích Tài nguyên & Môi trường về đột ngột, đo và phân tích môi trường ở đây thì kết quả sẽ khác, nhất là những lúc trời mưa, giông.

Còn ông Phan Văn Toàn, Trưởng thôn Thần Nữ, xã Bạch Thượng cho biết: “Hễ trời mưa to, hoặc dân làng đi vắng là nhà máy xả nước, xả khí thải đặc quánh. Có nhiều đêm tôi đang ngủ say thì phải giật mình vì chuông điện thoại do nhân dân báo nhà máy xả nước thải”.

Ông Toàn còn cho biết thêm, mỗi khi về thanh kiểm tra, cơ quan tài nguyên và môi trường thường thông báo trước vài ngày, nếu làm như vậy thì công ty đã có sự chuẩn bị, họ sẽ giảm công suất sản xuất, cho vận hành hệ thống thiết bị hút và lọc khử mùi. Như thế thì làm sao bắt được quả tang công ty xả khí thải, nước thải chưa đạt tiêu chuẩn ra môi trường (?).

Trong kết quả kiểm tra vào tháng 6/2009 do Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nam thực hiện, đoàn thanh tra đã tiến hành xử phạt hành chính đối với công ty trên 20 triệu đồng vì không lập báo cáo đánh giá tác động môi trường mà đã tiến hành xây dựng và đưa công trình vào hoạt động. Mặt khác, tại thời điểm thanh tra, công ty chưa làm thủ tục cấp phép xả nước thải vào nguồn nước.

Ngay sau đó đoàn thanh tra đã yêu cầu công ty khắc phục những tồn tại trên. Thế nhưng, cho đến nay, mùi khét khó chịu từ nhà máy vẫn hàng ngày tỏa ra môi trường, đe dọa nghiêm trọng tình hình sức khỏe và gây hoang mang trong dân.

Việc Công ty cổ phần đồng kỹ thuật KOREA Việt Nam xả khí thải độc hại ra môi trường đã được xác định. Tuy nhiên, nếu chỉ kiểm tra và xử phạt hành chính thì e rằng sẽ không có kết quả.

Và người dân ở khu phố 5, 6, phố Nguyễn Hữu Tiến, thị trấn Đồng Văn và thôn Thần Nữ, xã Bạch Thượng, huyện Duy Tiên vẫn hàng ngày hít thở bầu không khí độc hại chưa biết khi nào mới chấm dứt./.

Hồng Ninh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục