Indonesia phát hiện chất phóng xạ tại một khu vực gần thủ đô Jakarta

Mức độ phóng xạ đo được đã giảm vào cuối tuần qua do Bapeten tiến hành các biện pháp khử phóng xạ tại khu vực này, bao gồm cả việc loại bỏ nhiều khối đất và phát quang xung quanh khu vực.
Indonesia phát hiện chất phóng xạ tại một khu vực gần thủ đô Jakarta ảnh 1Khu vực nhiễm xạ được phát hiện. (Nguồn: indonesiaexpat.biz)

Cơ quan quản lý năng lượng hạt nhân (Bapeten) Indonesia đã phát đi thông báo yêu cầu người dân khẩn trương tránh xa một khu đất tại Serpong, cách thủ đô Jakarta 43km về phía Nam vì khu vực này được xác định đang bị ô nhiễm chất phóng xạ.

Bên cạnh đó, chính quyền cũng yêu cầu người dân bình tĩnh, không hoang mang trước sự việc trên để cơ quan chức năng Indonesia tập trung giải quyết. 

Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, Bapeten đã phát hiện mức độ đồng vị phóng xạ cao của Caesium-137 sau khi kiểm tra định kỳ phóng xạ tại khu vực này. Người phát ngôn của Bapeten, ông Abdul Qohhar cho biết khu vực trên gần một sân bóng chuyền của người dân địa phương.

Phóng xạ đo được ở mức 680 microSv/giờ (mức bình thường là 0,03 microSv/giờ) khi được phát hiện lần đầu tiên vào tháng 1/2020. 

Cũng theo ông Abdul Qohhar, mức độ phóng xạ đo được đã giảm vào cuối tuần qua do Bapeten tiến hành các biện pháp khử phóng xạ tại khu vực này, bao gồm cả việc loại bỏ nhiều khối đất và phát quang xung quanh khu vực.

Do vậy, người dân nên bình tĩnh để cơ quan chức năng tiếp tục tiến hành các biện pháp cần thiết tiếp theo. 

Trong thông báo mới nhất, Bapeten cho biết cơ quan này đang phối hợp với lực lượng cảnh sát quốc gia điều tra nguồn gốc gây nên hiện tượng ô nhiễm phóng xạ này. Người dân xung quanh khu vực cũng sẽ được kiểm tra y tế để xác định xem có bị ảnh hưởng bởi các chất phóng xạ hay không.

[Một lượng rác thải sau khử xạ ở Nhật Bản bị bão Hagibis cuốn trôi]

Theo đánh giá của ông Djarot Sulistio Wisnubroto, chuyên gia thuộc Cơ quan Năng lượng Hạt nhân Quốc gia (Batan) Indonesia, những tác động được Bapeten ghi nhận sẽ không gây hại cho người dân và mức độ hiện đã giảm xuống còn 20-30 microSv/giờ cũng không đáng lo ngại. 

Theo giới chuyên gia, nếu con người bị phơi nhiễm bên ngoài với một lượng lớn Caesium-137 có thể gây nên hiện tượng bỏng rộp, bệnh phóng xạ và thậm chí tử vong trong một số trường hợp nặng. Bên cạnh đó, chất này này còn làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư. 

Indonesia chưa có ngành điện hạt nhân, nhưng một lò phản ứng được sử dụng để nghiên cứu trong lĩnh vực này cách nơi ô nhiễm khoảng 3km.

Agus Budhie Wijatna, một nhà nghiên cứu khoa học hạt nhân tại Đại học Gadjah Mada nhận định khu vực bị ô nhiễm phóng xạ có thể bị ảnh hưởng bởi lò phản ứng trên.

Sự cố này có thể sẽ là tiền lệ xấu cho chính phủ và Cơ quan Năng lượng Hạt nhân Indonesia đã không kiểm soát được những nguy cơ từ chất thải phóng xạ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục