Khai thác đá-hiểm họa môi trường, tính mạng dân

Các hoạt động khai thác khoáng sản ở Lạng Sơn, đặc biệt là khai thác đá luôn là hiểm họa tới tính mạng dân, ảnh hưởng tới môi trường.
Tỉnh Lạng Sơn hiện có trên 80 tổ chức họat động thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản, thu hút được nhiều lao động, đáp ứng được một phần nhu cầu vật liệu để sản xuất ximăng, xây dựng các công trình dân dụng, đường giao thông, đóng góp vào nguồn thu cho ngân sách Nhà nước…

Tuy nhiên, các hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản, đặc biệt là khai thác đá vẫn luôn là mối hiểm họa tới tính mạng của người dân và ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường.

Khai thác “thổ phỉ” hiên ngang
Tại xã Đồng Tiến, huyện Hữu Lũng, hoạt động khai thác đá trái phép diễn ra từ lâu, song hành với việc khai thác của các công ty được cấp phép. Qua điều tra, việc khai thác trái phép này bắt nguồn từ chính lợi nhuận thu được của các mỏ có phép; từ đó, một số cá nhân tại đã “tranh sáng, tranh tối” tiến hành khai thác “trộm” (hay còn gọi là khai thác đá thổ phỉ).

Mặc dù không có giấy phép khai thác nhưng những “thổ phỉ” này vẫn khoan, nổ mìn hạ núi. Có mặt tại một điểm khai thác đá trái phép ngay cạnh mỏ đá Lân Nặm của Công ty Tuấn Châu, thuộc địa bàn xã Đồng Tiến, chúng tôi chứng kiến một diện tích khá lớn ở lưng chừng núi bị khai thác ăn sâu vào lòng núi. Điều đáng nói ở đây là do khai thác “thổ phỉ” nên không theo một quy trình, kỹ thuật nào, những chỗ “ngon,” dễ lấy, ít tốn nhân công sẽ được khai thác trước; nhiều điểm khai thác quá mức, có nơi lõm sâu, nham nhở đã tạo thành một mái che bằng đất, đá lổn nhổm; có thể sập bất cứ lúc nào.

Ngoài ra, do việc khai thác “thổ phỉ” nên việc trang bị những kiến thức về an toàn lao động cũng như bảo hộ lao động cho người làm ở đây không hề có, do vậy các vụ tại nạn lao động xảy ra là điều tất yếu và thường xuyên.

Ông Hoàng Văn Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Hữu Lũng cho biết hiện nay ngoài sáu đơn vị, doanh nghiệp đã được cấp phép khai thác sản xuất vật liệu xây dựng, tại xã Đồng Tiến còn có khoảng 10 cá nhân tự đầu tư mua sắm trang thiết bị vào núi để lập điểm khai thác đá trái phép. Thời gian qua, chính quyền địa phương đã có thông báo để xử lý nhưng do các hộ đã khai thác từ nhiều năm nay nên việc nghiêm cấm là rất khó khăn, chính quyền xã ở thế “lực bất tòng tâm.”

Dân bỏ nhà để... tránh mìn
Ở những vùng tuy là được khai thác có phép nhưng cũng đang là mối hiểm họa và đe dọa trực tiếp tới đời sống nhân dân. Tại khu Mỏ Ấm, thôn Ba Nàng, xã Cai Kinh, huyện Hữu Lũng vào thời điểm này, chúng tôi được tận mắt chứng kiến nhiều ngôi nhà tường nứt từng vệt, nhiều nhà phải sử dụng những tấm gỗ dày gác lên xà nhà, xà bếp để làm nơi “trú ẩn;” những bụi cây, ruộng ngô, mái nhà được phủ trắng bởi những lớp bụi đá, tiếng ồn do những mũi khoan đá và mìn phá đá ầm ầm suốt ngày...

Theo phản ánh của người dân sinh sống tại đây, hậu quả trên là do họat động khai thác đá của Công ty trách nhiệm hữ hạn đá Hồng Phong II (Công ty Hồng Phong). Với chức năng là khai thác đá lộ thiên, kinh doanh đá và sản xuất gạch không nung, trong vài năm trở lại đây, việc khai thác, chế biến sản xuất của công ty này đã gây mất an toàn đối với tài sản, tính mạng và môi trường sống của người dân nơi đây. Các hộ dân đã có nhiều đơn kiến nghị gửi đến Công ty Hồng Phong và chính quyền các cấp nhưng đến thời điểm này mọi việc vẫn diễn ra bình thường.

Ông Trần Văn Đoóng, 84 tuổi, nhà ở ngay gần mỏ đá của Công ty Hồng Phong chỉ lên trần nhà mình và bức xúc nói rằng xà nhà tôi bị gãy là do một trong những lần Công ty Hồng Phong nổ mìn khai thác đá. Một viên đá có chu vi khoảng 15cm bắn vào mái nhà làm vỡ ngói và gãy xà, rất may không có ai bị thương. Việc nổ mìn khai thác, đá bắn làm vỡ ngói đã xảy ra nhiều lần rồi, mỗi lần như vậy công ty lại cử người đến hỗ trợ tiền để mua ngói thay lại. Trước tình cảnh đó, cách đây hai năm, các con tôi đã phải gom tiền xây cho tôi một ngôi nhà khác cách nhà cũ khoảng hơn 300m để đến giờ “mìn nổ” thì ra ngôi nhà này “tránh mìn.”

Nhà ông Trưởng thôn Ba Nàng Nguyễn Duy Hiền lại có cách “tránh” kiểu khác. Ông Hiền tìm những tấm gỗ dày khoảng 5cm gác trên xà nhà, xà bếp, che chắn để người nhà “trú ẩn” mỗi khi mìn nổ. Nhiều nhà trong thôn có hiện tượng tường bị nứt từng vệt. Cùng với đó là bụi đá mù mịt làm ảnh hưởng không nhỏ sức khỏe của người dân và năng suất, sản lượng của cây trồng, vật nuôi.

Để tìm hiểu thêm sự việc, vào một trưa hè cuối tháng Tư vừa qua, phóng viên TTXVN thường trú tại Lạng Sơn tận mắt chứng kiến việc nổ mìn khai thác đá của Công ty Hồng Phong. Khi thực hiện việc nổ mìn vào khoảng 12 giờ 15 phút, mặt đất rung nhẹ, những đám bụi khổng lồ bay theo gió bao phủ trắng xóa cả một vùng.

Ông Hoàng Văn Lực, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Cai Kinh nói: "Các vấn đề người dân khu Mỏ Ấm, thôn Ba Nàng, xã Cai Kinh kiến nghị đã được lãnh đạo xã, Công ty Hồng Phong và Ủy ban Nhân dân huyện Hữu Lũng quan tâm từng bước giải quyết. Sắp tới, chúng tôi cũng sẽ tiếp tục kiến nghị đến các cơ quan chuyên môn có liên quan để giải quyết những vấn đề mà người dân đang bức xúc."

Trước thực trạng khai thác đá trái phép ở xã Đồng Tiến nói riêng và các vi phạm gây mất an toàn cho người dân trong việc khai thác khoáng sản địa bàn huyện Hữu Lũng nói chung, vừa qua Ủy ban Nhân dân huyện đã yêu cầu 26/26 xã, thị trấn thống kê, rà soát các điểm khai thác khoáng sản trái phép, gây mất an toàn, trên cơ sở đó tiến hành thanh, kiểm tra, xử lý, chấm dứt những điểm khai thác khoáng sản trái phép nhằm tránh gây thất thoát nguồn khoáng sản, bảo vệ có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ an toàn tới tính mạng của người lao động cũng như của nhân dân.

Tuy nhiên trong thời gian chờ đợi các cơ quan chức năng thống kê, rà soát, người dân nơi đây vẫn luôn sống trong tình cảnh nơm nớp lo âu; tài nguyên khoáng sản của Nhà nước vẫn bị thất thoát và môi trường vẫn bị hủy hoại từng ngày, từng giờ./.

Thái Thuần-Thắng Trung (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục