Khôi phục lễ rước nước, tế cá tại Hội đền Trần Nam Định

Nghi lễ rước nước, tế cá truyền thống đã diễn ra ở Khu di tích đền Trần, phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định.

Ngày 11/2, tại Nam Định, nghi lễ rước nước, tế cá truyền thống đã diễn ra ở Khu di tích đền Trần, phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định.

Đây là nghi lễ đã bị mai một hơn một thế kỷ qua, lần đầu tiên được khôi phục trở thành một nội dung chính trong công tác tổ chức Lễ hội Khai ấn đền Trần Xuân Giáp Ngọ 2014.

Ý nghĩa của nghi lễ nhằm tri ân tổ tiên nhà Trần - vương triều khởi nghiệp từ nghề chài lưới và gắn bó với sông nước.

Từ lúc 7 giờ, các nghi thức như đọc sớ, thỉnh chân nhang... được các bậc cao niên thực hiện tại đền Cố Trạch, sau đó tổ chức rước kiệu ra Giếng cổ, tiến hành nghi thức lấy nước.

Đoàn rước gồm 230 người với cờ, biểu đi trước, đội rước rồng, lân; chiêng trống, đội bát âm, kiệu rước nước, kiệu rước cá, đội đánh bắt cá với vật dụng đầy đủ như vó, dậm, nơm…; kiệu thánh với tàn lọng hai bên, đội tế nam quan, đội tế nữ quan.

Sau khi lấy nước, đoàn lễ tổ chức đánh cá tại ao thả cá cạnh Giếng cổ, cá đánh bắt gồm có cá triều đẩu (cá quả) và cá long ngư (cá chép) trọng lượng từ 1,5-2kg, đựng trong những thúng sơn đỏ để chuyển đến kiệu rồng.

Từ 8 giờ 30 phút, đoàn bắt đầu rước nước và rước cá về đền Thiên Trường, thực hiện nghi lễ dâng nước và tế cá. Tiếp theo, cá được đưa đi phóng sinh ở sông Hồng, tại khu vực phà Hữu Bị (thuộc địa bàn xã Mỹ Trung, huyện Mỹ Lộc), thả song song cùng lúc một cá chép và một cá quả cho tới khi phóng sinh hết. Buổi chiều, từ 14 giờ tới 16 giờ, nghi thức tế nữ quan tại đền Cố Trạch sẽ diễn ra.

Nghi lễ rước nước, tế cá có trong nhiều lễ hội ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Đây là nghi lễ khuyến nông, khuyến ngư, cầu mong mưa thuận gió hòa của cư dân nông nghiệp lúa nước.

Do lễ khai ấn đền Trần tại Nam Định diễn ra vào ngày 14 (rạng ngày 15) tháng Giêng nên nghi lễ rước nước, tế cá được tổ chức vào sáng 12 tháng Giêng nhằm giãn lượng khách về tham gia lễ hội cùng một thời điểm và Ban tổ chức có điều kiện phục vụ du khách tốt hơn.

Ngoài nghi lễ rước nước và tế cá, trong các ngày từ 12 đến 16 tháng Giêng, tại quần thể di tích đền Trần còn có nhiều hoạt động hội truyền thống khác như múa lân, múa rồng, múa sư tử, hát chèo, chầu văn, thi đấu cờ người, đấu vật, biểu diễn võ thuật bên ngoài cổng Ngũ Môn./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục