Nhiều rừng ở miền Bắc, miền Trung nguy cơ cháy cao

Do thời tiết khô hanh kéo dài, nắng nóng trên diện rộng, nhiều khu rừng tại các tỉnh miền Bắc và miền Trung đang có nguy cơ cháy cao.
Theo Cục Kiểm lâm (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), do nhiều ngày không mưa, thời tiết khô hanh kéo dài, nắng nóng đang diễn ra trên diện rộng nên tính đến ngày 3/5 đã có một số khu rừng xảy ra cháy và có nhiều khu rừng tại các tỉnh miền Bắc và miền Trung đang có nguy cơ xảy ra cháy cao.

Những khu rừng tại khu vực Bảo Thắng, Văn Bàn, Bảo Yên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai và khu vực Quế Phong, Quỳ Châu, Anh Sơn, Con Cuông, tỉnh Nghệ An đang có nguy cơ cháy rừng cấp cực kỳ nguy hiểm (cấp V). Nếu cháy rừng xảy ra, hầu hết các kiểu rừng đều dễ bắt lửa với tốc độ lan tràn rất nhanh.

Các khu vực có nguy cơ cháy rừng cấp nguy hiểm (cấp IV) gồm: Rừng toàn tỉnh Bắc Kạn, Cao Bằng, Hoà Bình, Phú Yên và Thái Nguyên; khu vực Lục Nam, Lục Ngạn, Sơn Động, tỉnh Bắc Giang; khu vực Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu; khu vực Kim Bảng, Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam; khu vực Khánh Sơn, TX. Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa; khu vực Mường Tè, tỉnh Lai Châu; khu vực Kỳ Sơn, Tương Dương, Tân Kỳ, Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Thanh Chương, Nam Đàn, Nghi Lộc, Yên Thành, Quỳnh Lưu, Đô Lương, tỉnh Nghệ An; khu vực thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình; khu vực Tư Nghĩa, Sơn Tịnh, Mộ Đức, Đức Phổ, Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi; khu vực Quỳnh Nhai, Yên Châu, Sông Mã, Mai Sơn, Bắc Yên, Phù Yên, tỉnh Sơn La; khu vực Mường Lát, Quan Sơn, Bá Thước, Lang Chánh, Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa.

Ngày 2/5, tại Bắc Giang đã xảy ra 1 vụ cháy rừng trên địa bàn 2 thôn cùng có tên là Hàm Long, xã Yên Lư và Tiền Phong thuộc huyện Yên Dũng, ước khoảng từ 4-6 ha rừng trồng, chủ yếu là các cây thông, keo, bạch đàn… có tuổi chừng 10 năm và đường kính từ 10-20 cm mỗi cây. Ngay sau khi phát hiện ra đám cháy, các lực lượng chức năng và chính quyền, nhân dân các xã đã tích cực triển khai các biện pháp dập lửa, ngăn chặn, chữa cháy rừng. Vụ cháy rừng đã làm ông Dương Văn Tuấn, sinh năm 1962 ở thôn Hàm Long, xã Tiền Phong thiệt mạng khi đang tham gia chữa cháy.

Cũng trong ngày 2/5, tại tiểu khu 11 của rừng đặc dụng Nam Hải Vân, thuộc phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng đã xảy ra một vụ cháy rừng khoảng trên 15 ha, chủ yếu là những cây bụi rậm và những đám cỏ lau lách. Chính quyền thành phố đã tích cực huy động lực lượng tại chỗ để khoanh vùng đám cháy, nhằm hạn chế sự lây lan của lửa tới khu vực rừng trồng và rừng nguyên sinh nằm ở phía trên của Nam Đèo Hải Vân...

Khoảng 2 giờ ngày 3/5, đám cháy rừng ở Nam đèo Hải Vân thuộc đồi 300, tiểu khu 11 địa phận phường Hoà Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng đã được dập tắt.

Ông Nguyễn Hữu Thiết, Trưởng Ban phòng chống cháy rừng quận Liên Chiểu cho biết, theo thống kê sơ bộ tổng diện tích rừng bị cháy là khoảng 100 ha, trong đó rừng trồng chiếm 4 ha còn lại là rừng lau lách. Khoảng 7 giờ 30 ngày 3/5, các lực lượng chữa cháy gồm hơn 1.000 người đã được lệnh rút xuống núi, chỉ để lại một đại đội bộ đội và lực lượng kiểm lâm ở lại để thường trực.

Theo ông Phan Phạm Văn Rộng, Hạt phó Hạt Kiểm lâm quận Liên Chiểu, nguyên nhân gây cháy ban đầu được xác định có thể do bom mìn sót lại trong chiến tranh phát nổ bởi vào khoảng 14 giờ ngày 2/5 đã có một tiếng nổ lớn phát ra trong rừng, sau đó ngọn lửa đã bùng phát. Trong quá trình khống chế đám cháy cũng đã xảy ra 3 vụ nổ khác song không gây thương tích cho lực lượng chữa cháy rừng.

Theo thống kê sơ bộ của Cục Kiểm lâm, trong quý 1/2012, cả nước có hơn 310 ha rừng bị cháy, trong đó các tỉnh, thành có diện tích rừng bị cháy cao gồm: Lào Cai với gần 87,6 ha rừng bị cháy; Sơn La (62,13 ha); Hà Giang (83,1 ha); Điện Biên (19,32 ha).../.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục