Ninh Thuận, Đắk Nông sớm khắc phục sự cố rò rỉ đập thủy lợi

Trong tháng 7-8, Ninh Thuận sẽ xử lý lỗ hỏng phía dưới đáy đập dâng Đập Đá, đồng thời kiên cố hóa kênh chính nhằm đảm bảo an toàn hồ đập, tính mạng và tài sản của người dân ở hạ lưu khi mưa bão đến.
Ninh Thuận, Đắk Nông sớm khắc phục sự cố rò rỉ đập thủy lợi ảnh 1(Ảnh minh họa. Ly Kha/TTXVN)

Ông Nguyễn Văn Bội, Phó Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên khai thác các công trình thủy lợi tỉnh Ninh Thuận, cho biết trong tháng 7-8, Công ty sẽ xử lý lỗ hỏng phía dưới đáy đập dâng Đập Đá, đồng thời kiên cố hóa kênh chính nhằm đảm bảo an toàn hồ đập, tính mạng và tài sản của người dân ở hạ lưu khi mưa bão đến.

Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên khai thác các công trình thủy lợi tỉnh Ninh Thuận đang tính đến việc ứng vốn từ nguồn vốn thu thủy lợi phí. Công ty kiến nghị với Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận cấp kinh phí chống hạn khoảng 10 tỷ đồng để khắc phục, sửa chữa đập cũng như kiên cố hệ thống kênh mương tưới tiêu cho người dân.

Công trình Đập Đá nằm trên trục tiêu Sông Lu tại lý trình K14+149, có chiều dài 121m, bề rộng đập từ 1,2-1,5m được xây dựng nhằm mang lại nhiều lợi ích phục vụ nước sản xuất cho hàng trăm hộ dân ở xã Phước Nam, huyện Thuận Nam; xã Phước Hữu, xã An Hải và thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước.

Theo Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên khai thác các công trình thủy lợi tỉnh Ninh Thuận, công trình này được xây dựng trước ngày miền Nam giải phóng với hình thức đập rọ đá. Năm 1978 công trình bị hư hỏng, lượng nước thất thoát qua đập rất lớn nên tỉnh Ninh Thuận đã tu sửa lại bằng cách bọc toàn bộ phía ngoài đập bằng đá xây vữa kết hợp với đổ bêtông ở một số đoạn xung yếu.

Đến năm 2003, Đập Đá có hiện tượng xuống cấp nhiều, không đảm bảo chống dòng thấm từ thượng lưu về hạ lưu nên gây ra tình trạng thấm mất nước lớn qua thân nền đập. Một số đoạn đập bị bong tróc mặt tràn và hạ lưu bị sập do không chịu được dòng chảy lũ lớn.

Để khắc phục sửa chữa công trình này, năm 2004, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên khai thác các công trình thủy lợi tỉnh Ninh Thuận đã thực hiện gia cố phần thượng lưu toàn bộ tuyến đập bằng cách bọc BTCT M20 (bêtông mác cáp phối) dày 20cm cắm chân khay tới nền đá, khoan neo cấy thép vào nền đá và mặt đập. Tuy nhiên chỉ sau chín năm được sửa chữa, năm 2013 công trình Đập Đá tiếp tục bị hư hỏng nặng, cao trình đập không đều, tiêu năng bị hư hỏng nặng. Nhiều vị trí bị thấm và rò rỉ nước, gây lãng phí lớn lượng nước tưới cho hàng trăm hecta đất sản xuất của người dân.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Phước Nam Thiên Sanh Tuấn, năm 2014 sau khi nghe người dân báo đập rò rỉ nước, Ủy ban Nhân dân xã đến thực địa kiểm tra và chỉ đạo các thôn khắc phục tạm thời bằng cách mua bao, mua bạt chắn chống thấm, nhờ đó hạn chế được lượng nước thất thoát, đáp ứng phần nào nước tưới cho diện tích đã gieo cấy. Để đảm bảo kiên cố sau này, chính quyền địa phương cũng kiến nghị cấp thẩm quyền khắc phục để tích nước phục vụ tưới tiêu.

Mặc dù sau đó Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên khai thác các công trình thủy lợi tỉnh Ninh Thuận có tiến hành gia cố mặt đập và làm sân tiêu năng hạ lưu bằng cách bọc BTCT M250 dày 20cm, cắm chân khay và khoan neo cấy thép tới nền đá, nhưng đó chỉ là khắc phục một phần của một số hạng mục bị hư hỏng.

Trong khi đó, hạng mục bị hư hỏng nặng nhất, tức cống xả cát (tại vị trí bờ tả Đập Đá) lại không được sửa chữa nâng cấp, bởi lý do đơn giản mà theo lãnh đạo Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên khai thác các công trình thủy lợi tỉnh Ninh Thuận cho là hạng mục này trong năm 2013 không nằm trong hồ sơ thiết kế nâng cấp. Vì lẽ đó nên hiện tại vị trí khớp nối cống xả cát bị rò rỉ nước qua thân đập liên tục ngày đêm.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đắk Nông, toàn tỉnh hiện có 201 hồ, đập thủy lợi các loại; trong đó có 184 hồ chứa, 17 đập dâng. Trong số này, có 68 công trình hồ, đập xuống cấp. Nhiều công trình bị rò rỉ, tạo dòng thấm dưới đập và vùng phụ cận, tập trung nhiều nhất ở các huyện Đắc G’Long, Đắk Mil và Đắk R’Lấp.

Trong số 68 công trình có nguy cơ mất an toàn, có 45 công trình xuất hiện tình trạng thấm qua thân đập, đỉnh đập sụt lún; 21 công trình có hiện tượng rò rỉ, tạo dòng thấp ở cống dưới đập và vùng phụ cận; 23 công trình có hiện tượng xói lở nhiều hạng mục khác nhau… Điển hình như công trình hồ Đắk Hlang (xã Đắk R’măng, huyện Đắk G’Long), dù chỉ mới đầu mùa mưa nhưng đã xuất hiện tình trạng nước thấm qua thân đập, mái thượng lưu bị xói lở, chất lượng công trình nhìn chung đang xuống cấp nghiêm trọng.

Thêm vào đó, do công tác quản lý chưa chặt chẽ, người dân còn đục phá ngưỡng tràn để đặt đường ống. Hay như công trình hồ Đắk Blao, xã Kiến Đức, huyện Đắk R’Lấp đã bị đánh giá là mất an toàn nhiều năm nay. Nguyên do là công trình này bị xói lở nghiêm trọng nhiều hạng mục quan trọng, từ bể tràn xả lũ, kênh dẫn nước ra bể tràn…

Theo ông Phạm Hữu Hào, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đắk Nông, trong thời gian tới Sở sẽ chỉ đạo Công ty Khai thác công trình thủy lợi và các địa phương tăng cường công tác trang bị, lắp đặt các thiết bị quan trắc, giám sát phục vụ kiểm tra, đánh giá an toàn đập để có thể theo dõi, xử lý kịp thời các sự cố trong mùa mưa lũ; tuyên truyền vận động người dân địa phương sử dụng nguồn nước tiết kiệm, đồng thời chia sẻ trách nhiệm quản lý, bảo dưỡng các công trình.

Bên cạnh đó, Sở cũng kiến nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông và các bộ, ngành liên quan bố trí vốn cho đầu tư sửa chữa, nâng cấp các công trình này, đồng thời đưa vào danh mục các dự án ODA để vận động kinh phí sửa chữa, nâng cấp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục