"Theory of Everything": Màn hóa thân bậc thầy của Redmayne

Mang phong cách nhẹ nhàng tựa như những giai điệu bay bổng trong phim của Johann Johannsson, "The Theory of Everything" đem tới cho khán giả một góc nhìn khác về cuộc đời của nhà vật lý vĩ đại Stephen
"Theory of Everything": Màn hóa thân bậc thầy của Redmayne ảnh 1Theory of Everything là một câu chuyện tình đẹp và xúc động.

Sau mùa Oscar năm nay, có hai tác phẩm ẵm tượng vàng danh giá được trình chiếu ở Việt Nam là "Boyhood" và "The Theory of Everything". Nếu như "Boyhood" là câu chuyện giản dị về quá trình trưởng thành của một cậu bé thì "The Theory of Everything" (tựa Việt là Thuyết yêu thương) lại khắc họa chân dung của Stephen Hawking - một trong những nhà khoa học vĩ đại nhất của thế kỷ 20.

Nhưng điều tách biệt "The Theory of Everything" với những tác phẩm, bài viết... về nhà vật lý lỗi lạc người Anh này là bộ phim không đề cao ông với những thành tựu nghiên cứu mang tính đột phá mà đơn thuần qua cuộc chiến với số phận và tình yêu với người vợ Jane Hawking.

Câu chuyện về người khổng lồ trên xe lăn

Được dựa trên cuốn hồi ký "Travelling to Infinity: My Life with Stephen", bộ phim được bắt đầu với cuộc gặp gỡ của Stephen Hawking (Eddie Redmayne) và Jane (Felicity Jones) tại đại học Cambridge. Chàng sinh viên ngành thiên văn vật lý vốn không tin vào Chúa trời nhanh chóng nảy sinh tình cảm với cô gái mê văn chương và sùng đạo. Song như một thử thách từ đấng tối cao, Stephen bất ngờ bị chẩn đoán mắc chứng bệnh ALS quái ác. Căn bệnh về dây thần kinh vận động này khiến Stephen dần dần bị mất khả năng kiểm soát cơ thể mình.

Mắc căn bệnh hiểm nghèo vào đúng lúc tương lai rộng mở và được chẩn đoán "chỉ có thể sống thêm hai năm", Stephen Hawking tưởng như đã buông xuôi tất cả. Song chính nhờ tình yêu vô điều kiện của Jane, ông đã có trở lại nghị lực trong cuộc sống và công việc. Stephen kết hôn với Jane và bắt đầu chặng đường chông gai đi tìm một công thức "lý giải tất cả mọi điều trong vũ trụ". ...

Khi nghe nói tới "The Theory of Everything" và cái tên Stephen Hawking, nhiều người đã liên tưởng tới một bộ phim tiểu sử tô điểm những cột mốc trong sự nghiệp nghiên cứu của giáo sư Hawking.

Không ít người hâm mộ điện ảnh còn liên tưởng tới "A Beautiful Mind" (2001) - tác phẩm từng đoạt giải Oscar "Phim xuất sắc nhất" kể về nhà toán học John Nash. Song đến khi xem phim, khán giả mới thấy rằng những hình dung ban đầu không hề giống với thực tế, khi "The Theory of Everything" là một bộ phim tâm lý - tình cảm.

Có lẽ đạo diễn James Marsh cho rằng những công trình và tầm vóc của giáo sư Hawking đã quá nổi tiếng, nên trong phim chúng chỉ được nhắc đến một cách thoáng qua. Những lý thuyết vật lý, những phát kiến mang tính đột phá về Thời gian... chỉ được đề cập ở bề nổi và giúp khán giả dễ dàng hiểu được. Thay vì tập trung vào sự nghiệp của Hawking, Marsh lại hướng tâm điểm vào mối quan hệ của Stephen với người vợ.

Những sự hy sinh

Giáo sư Hawking được chẩn đoán mắc bệnh ALS khi mới 21 tuổi, và dần dần bị liệt toàn thân mình. Ngày nay, ông chỉ có thể giao tiếp thông qua một chiếc máy tính đặc biệt được gắn vào chiếc xe lăn.

Điều này tạo nên thách thức lớn cho nam tài tử Eddie Redmayne, khi anh phải vào vai một trong những bộ óc vĩ đại nhất của thế giới đương đại và thể hiện hình ảnh ông từ khi còn là một chàng trai lành lặn cho đến khi dính chặt vào một chiếc xe lăn!

Nhưng chứng kiến màn thể hiện của Redmayne, người ta có thể hiểu được vì sao anh lại chiến thắng giải Oscar "Nam diễn viên chính xuất sắc nhất" vừa qua. Mọi thứ anh làm trong phim đều có thể được gói gọn trong hai từ "hoàn hảo", đến mức khán giả có thể phải tự hỏi liệu đây có phải là diễn xuất.

"Theory of Everything": Màn hóa thân bậc thầy của Redmayne ảnh 2Redmayne đã có màn hóa thân tuyệt vời trong vai nhà khoa học Stphen Hawking

Ngay cả bản thân giáo sư Hawking sau khi tham gia buổi công chiếu phim cũng đã nhỏ hai hàng lệ dài trên khuôn mặt nhàu nhĩ và phát biểu: "Đôi lúc, tôi cảm tưởng như Redmayne chính là mình."

Mở đầu phim là trường đoạn Hawking háo hức đạp xe cùng bạn bè trong khuôn viên trường Cambridge, trước khi rảo bước trong khung cảnh mơ mộng cùng Jane. Thế rồi tai ương ập đến, khiến chàng sinh viên ấy dần dần bị liệt toàn thân. Những bước đi dặt dẹo, những động tác tưởng chừng như đơn giản nhất lại phải làm một cách chật vật, những câu nói đứt đoạn... khiến người xem không khỏi cảm thấy xót xa cho Hawking.

Càng về cuối phim, Eddie Redmayne càng làm khán giả phải khâm phục bởi khả năng nhập vai của anh. Giáo sư Hawking bị liệt toàn thân và sau một đợt tai biến, mọi chuyện còn tệ hơn. Redmayne đã khắc họa điều này bằng cách biểu lộ cảm xúc qua... ánh mắt và cơ mặt, khi đó là thứ duy nhất còn có thể giúp Hawking truyền đạt ý nghĩ.

Màn hóa thân bậc thầy của Redmayne có thể so sánh với đàn anh Daniel Day Lewis với vai bệnh nhân tàn tật trong "My Left Foot" năm xưa. Và để có được vinh quang và sự ghi nhận ngày nay, Redmayne đã phải hy sinh rất nhiều.

Anh dành ra nửa năm liền nghiên cứu về giáo sư Hawking, tìm đọc mọi tài liệu, bức ảnh hay video về ông mà anh có thể tìm thấy. Để hiểu hơn về căn bệnh ALS, nam diễn viên người Anh này còn tới các trung tâm y tế và trò chuyện với các chuyên gia về căn bệnh teo cơ này. Anh thử cùng họ phân tích các tấm ảnh về Hawking và tìm hiểu về cách các bệnh nhân ALS qua từng giai đoạn.

Và trong bốn tháng liền, Redmayne luôn dành thời gian mỗi ngày để cùng một biên đạo múa thử mô phỏng các hoạt động thường ngày của giáo sư Hawking! Với sự nỗ lực khổ luyện như vậy, không hề ngạc nhiên khi Redmayne có được bước đột phá trong sự nghiệp với giải Oscar đầu tay.

Sự hy sinh nổi bật thứ hai trong phim là hình ảnh người vợ Jane Hawking do Felicity Jones đảm nhiệm. Trước đây, người ta thường chỉ biết đến một Stephen Hawking với những lý thuyết vật lý, với phép màu vượt qua số phận hay cuốn sách best-seller "A Brief History of Time"... mà không mấy để ý tới người phụ nữ tần tảo đứng sau ông.

Có thể là "The Theory of Everything" được dựa trên hồi ký của chính Jane, song không thể phủ nhận đức hy sinh của bà. Chấp nhận yêu Stephen và cưới ông ngay cả khi biết rằng ông có thể sẽ qua đời bất cứ lúc nào, Jane đã dành cả tuổi thanh xuân của mình cho nhà khoa học gia.

Từ bỏ giấc mơ văn chương, niềm tin vào tôn giáo, bà đảm nhiệm tất cả các vai trò: người vợ, người mẹ và trụ cột cáng đáng các việc trong nhà khi mà Stephen trở thành một người tàn tật. Biết bao năm trời chăm sóc Stephen và các con, sự hy sinh vĩ đại của Jane làm người ta hiểu sâu hơn ý nghĩa câu nói: "Đằng sau một người đàn ông vĩ đại là hình bóng của một người phụ nữ".

Felicity Jones đã có màn nhập vai xuất sắc, khi khán giả được thấy rõ sự chuyển biến từ một cô sinh viên tràn ngập niềm vui cho tới một người vợ tiều tụy thấy rõ sau bao thăng trầm của cuộc sống. Về một số khía cạnh nào đó, sự hy sinh của Jane cũng vĩ đại không kém những gì Hawking đã làm được và tình yêu vô điều kiện của nhân vật này là thứ đem lại nhiều cảm xúc nhất trong phim.

Mang phong cách nhẹ nhàng tựa như những giai điệu bay bổng trong phim của Johann Johannsson, "The Theory of Everything" đem tới cho khán giả một góc nhìn khác về cuộc đời của nhà vật lý vĩ đại Stephen Hawking, qua cuộc hôn nhân của ông với Jane. Được làm một cách an toàn và không nhiều đột phá, đây vẫn là một tác phẩm đáng xem với màn hóa thân hoàn hảo của Eddie Redmayne cùng Felicity Jones.

The Theory of Everything (tựa Việt là Thuyết Yêu Thương)

Đạo diễn: Jame Marsh

Diễn viên: Eddie Redmayne, Felicity Jones

Thể loại: Tiểu sử, Tình cảm

Thời lượng: 123 phút

Ngày khởi chiếu tại Việt Nam: 27/3

Nguồn: CGV
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục