10 năm thí điểm dạy học bằng tiếng Anh: Giáo viên vẫn tự biên tự diễn

Dù đã thí điểm đến 10 năm nhưng các trường trung học phổ thông chuyên vẫn gặp hàng loạt thách thức trong việc dạy các môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh.
10 năm thí điểm dạy học bằng tiếng Anh: Giáo viên vẫn tự biên tự diễn ảnh 1Học sinh học ngoại ngữ. (Ảnh: Bích Ngọc/TTXVN)

Dù đã thí điểm đến 10 năm nhưng các trường trung học phổ thông chuyên vẫn gặp hàng loạt thách thức trong việc dạy các môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh.

Các giáo viên giỏi tiếng Anh thì thiếu kiến thức môn học, giáo viên các môn khoa học tự nhiên lại yếu khả năng ngoại ngữ. Năng lực tiếng Anh của học sinh cũng thấp và chưa đồng đều.

Trong khi đó lại không có giáo trình giảng dạy, không có một chương trình cụ thể thống nhất từ Bộ Giáo dục và Đào tạo hay sở giáo dục địa phương.

Thực trạng này đã được các giáo viên nêu ra tại hội thảo Nâng cao năng lực quản lý, triển khai thí điểm mô hình dạy Toán và các môn khoa học tự nhiên khác bằng tiếng Anh trong các trường trung học phổ thông chuyên giai đoạn 2011-2015. Hội thảo do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Đại học Khoa học Tự nhiên tổ chức.

Thầy, trò đều gặp khó

Trường Trung học phổ thông chuyên Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội và trường Trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong (Thành phố Hồ Chí Minh), là nơi đầu tiên trên cả nước thực hiện thí điểm dạy các môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh, từ năm 2005.

Theo thầy Lê Minh Hà, Khoa Toán-Cơ-Tin học, trường Trung học phổ thông chuyên Khoa học Tự nhiên, khó khăn lớn khi triển khai thực hiện chương trình này là trình độ tiếng Anh của cả học sinh và giáo viên không đồng đều.

Học sinh của trường đến từ nhiều tỉnh thành, là những em có năng lực tư duy tốt nhưng có sự chênh lệch khả năng ngoại ngữ giữa sinh viên vùng nông thôn và thành thị. Trong khi đó, các em lại phải tiếp xúc với nhiều thuật ngữ chuyên ngành toán học, tin học… bằng tiếng Anh.

Nhưng ngay cả với những trường có trình độ tiếng Anh của học sinh tốt việc triển khai mô hình này cũng không đơn giản.

Theo phó giáo sư Nguyễn Thành Văn, Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Chuyên ngữ (Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ thực trạng ở trường mình: “Khi học sinh quá giỏi ngoại ngữ là một thử thách khi các thầy cô giáo dạy môn khoa học tự nhiên chỉ được đào tạo ở trường sư phạm về chuyên môn, không giỏi ngoại ngữ bằng học trò nên thiếu tự tin trước học sinh.”

Trước thực trạng này, ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng các giáo viên không nên áp đặt tâm lý phải giỏi hơn trò, nhất là ở môn ngoại ngữ. “Bản thân tôi khi đi dạy cũng gặp tình huống tương tự. Khi đó, tôi luôn thừa nhận mình chưa hiểu từ đó và nhờ học sinh giảng giúp, nhưng tôi không thấy trò nào tỏ vẻ không tôn trọng mình nên các thầy cô cũng không cần phải cảm thấy ngại hay xấu hổ vì thua trò,” ông Thành nói.

10 năm thí điểm dạy học bằng tiếng Anh: Giáo viên vẫn tự biên tự diễn ảnh 2Giờ học của thầy và trò trường Trung học phổ thông chuyên Khoa học Tự nhiên. (Ảnh: PM/Vietnam+)

Giáo viên tự biên, tự diễn

Không chỉ khó khăn về năng lực ngoại ngữ, việc dạy các môn khoa  học tự nhiên bằng tiếng Anh hiện nay cũng đang gặp trở ngại lớn khi các giáo viên phải tự biên, tự diễn.

Theo cô Phạm Thị Phương Dung, giáo viên môn Hóa học, trường Trung học phổ thông chuyên Lê Quý Đôn (Đà Nẵng) dù đã triển khai thí điểm nhiều năm nhưng đến nay việc dạy các môn học bằng tiếng Anh vẫn không có giáo trình giảng dạy, không có một chương trình cụ thể thống nhất từ Bộ Giáo dục và Đào tạo hay các sở giáo dục địa phương.

Vì thế, mỗi trường, mỗi giáo viên tự xác định thời lượng, nội dung, phương pháp dạy.

Cụ thể, thời lượng dạy chỉ là thử nghiệm từ một đến hai tiết mỗi tháng, thậm chí mỗi học kỳ, đối với mỗi khối lớp hoặc khối chuyên.

Mỗi giáo viên được giáo nhiệm vụ giảng dạy bằng tiếng Anh phải tự lên kế hoạch, sắp xếp chương trình, tìm tài liệu, tự mày mò biên soạn giáo án và tự thuyết phục học sinh sao cho các em chịu học các giờ dạy của mình.

Thậm chí, sau khi tự mày mò biên soạn giáo án, các giáo viên cũng không biết dạy học sinh vào giờ nào khi chương trình luôn quá tải, việc phân phối các tiết học rất sát sao nên tìm ra các tiết học để bổ sung cho việc giảng dạy bằng tiếng Anh dường như quá khó.

“Hầu hết giáo viên đều phải dạy bổ sung vào các buổi không học văn hóa. Điều này không chỉ tạo thêm áp lực về thời gian và cả kiến thức cho học sinh, đi trái với quan điểm giảm tải chương trình của Bộ,” cô Dung nói.

Trong khi đó, học sinh luôn đặt mục tiêu đỗ đại học nên với những em không có ý định du học thì sẽ không mặn mà.

Với thực tế đó, cô Dung cho rằng không có động lực để trò học học nghiêm túc và giáo viên giảng dạy thực sự.

Đây cũng là chia sẻ của rất nhiều đại biểu tham dự hội nghị.

Theo đó, các đại biểu kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, thiết kế một chương trình khung, thực hiện phân phối chương trình hợp lý cho việc dạy môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh. Các giáo viên cũng kiến nghị Bộ nên có một bộ sách tiếng Anh của các môn khoa học cơ bản dùng chung cho các trường.

Cô Đặng Thị Anh Đào, giáo viên môn Vật lý, trường Trung học phổ thông Chuyên Lê Quý Đôn (Đà Nẵng) cho rằng việc thống nhất một chương trình chung cho tất cả các trường là cần thiết.

“Hiện các giáo viên đều phải tự mày mò nghiên cứu, biên soạn bài giảng bằng cách tham khảo các tài liệu nước ngoài. Tuy nhiên, sự khác biệt giữa chương trình Việt Nam và các nước là rất lớn nên giáo viên phải mất rất nhiều thời gian để nghiên cứu, chọn lựa. Có một chương trình rõ ràng, giáo viên sẽ thuận lợi hơn và người học cũng dễ tiếp cận hơn, học tập tích cực hơn,” cô Đào nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục