Cơ quan kiểm soát không lưu châu Âu cho biết trong ngày 16/4 đã có khoảng 17.000 chuyến bay bị hủy và dự báo tình rạng này sẽ kéo dài trong vài ngày tới.
Sau hai ngày phun trào dữ dội, các đám tro bụi của núi lửa Eyjafjallajokull tại Iceland đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới giao thông hàng không trên toàn thế giới, đặc biệt tại châu Âu. Núi lửa này tiếp tục hoạt động mạnh, tạo ra những đám tro bụi khổng lồ đã buộc phần lớn các sân bay ở châu Âu phải đóng cửa trong ngày thứ ba liên tiếp khiến hàng nghìn chuyến bay bị hủy và hàng triệu hành khách bị mắc kẹt.
Ba sân bay quốc tế lớn nhất tại châu Âu là Heathrow ở thủ đô London, Anh; Charles de Gaulle tại Paris, Pháp và Frankfurt, Đức đã phải đóng cửa hoàn toàn. Các nước Áo, Bỉ, Anh, Séc, Đan Mạch, Estonia, Phần Lan, Pháp, Đức, Hungary, Latvia, Hà Lan, Ba Lan, Rumania, Slovakia, Tây Ban Nha, Thụy Điển và Thụy Sĩ đã tuyên bố đóng cửa phần lớn không phận của mình.
Trong khi đó, Hãng hàng không SAS thông báo có thể tạm thời cho 2.500 nhân viên tại Na Uy nghỉ việc nếu hoạt động hàng không tiếp tục ngừng trệ. Hãng hàng không Delta Air Lines của Mỹ đã phải hủy 75 chuyến bay từ Mỹ tới châu Âu và ngược lại.
Hiệp hội Vận tải hàng không của Mỹ cho biết các hãng hàng không nước này đã phải hủy 170 chuyến bay đến và xuất phát từ châu Âu trong cùng ngày.
Chuyến công du của các quan chức Hội đồng bảo an Liên hợp quốc tới Congo theo lịch trình New York-Paris-Kinshasa nhằm thảo luận về kế hoạch rút lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc khỏi nước này trước tháng 9/2011 cũng bị hủy bỏ.
Cũng do khói bụi núi lửa ở Iceland, Ngoại trưởng Canada Lawrence Cannon đã phải hoãn chuyến thăm một loạt nước châu Âu gồm Nga, Croatia, Phần Lan và tham dự Hội nghị Ngoại trưởng NATO tại Estonia, dự kiến vào ngày 22-23/4 tới.
Thủ tướng Nga Vladimir Putin ngày 17/4 cũng phải hủy chuyến công tác đến Mourmansk ở miền Bắc nước Nga do tro bụi của núi lửa đã phủ kín cả vùng. Tại Ba Lan, khả năng nhiều nguyên thủ quốc gia không thể đến tham dự tang lễ của Tổng thống Ba Lan Lech Kakzynski vào ngày 18/4.
Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) cảnh báo hoạt động của núi lửa Eyjafjallajokull ở phía Đông Nam Iceland gây thiệt hại ít nhất 200 triệu euro/ngày cho các hãng hàng không trên thế giới.
Không chỉ gây thiệt hại về kinh tế, khói bụi núi lửa từ Iceland sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe của những người dân châu Âu và khu vực xung quanh núi lửa. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính 1/4 lượng khói bụi từ núi lửa là những phân tử có thể thâm nhập vào phổi qua đường hô hấp, đe dọa sức khỏe con người.
Theo thông báo của Vụ môi trường và sức khỏe cộng đồng thuộc WHO, những nguy cơ đối với sức khỏe có thể chưa phát hiện ngay lập tức do những phân tử khói bụi này hiện còn ở trên cao, sau một thời gian, chúng mới lắng dần xuống tầng không khí thấp hơn. Những phân tử khói bụi cực nhỏ, với kích thước chưa đến 10 micron, rất nguy hiểm bởi chúng có thể thâm nhập sâu vào phổi.
WHO cũng khuyến cáo người dân ở trong nhà hoặc phải có các biện pháp bảo vệ khi ra đường trong thời gian này.
Cơ quan Khí tượng Anh cho biết núi lửa Eyjafjallajokull vẫn đang hoạt động mạnh, luồng tro bụi tiếp tục di chuyển về hướng Đông và Đông Nam. Vì vậy hoạt động hàng không tại các sân bay châu Âu có thể sẽ bị ảnh hưởng trong ít nhất 24 giờ tới.
Đây là đợt hoạt động thứ hai của núi lửa Eyjafjallajokull trong vòng một tháng qua. Sự "tỉnh giấc" của núi lửa này làm tan chảy sông băng, gây ra tình trạng lụt lội tại các khu vực lân cận. Gần 1.000 người đã phải đi sơ tán do nước dâng cao và khói bụi từ núi lửa./.
Sau hai ngày phun trào dữ dội, các đám tro bụi của núi lửa Eyjafjallajokull tại Iceland đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới giao thông hàng không trên toàn thế giới, đặc biệt tại châu Âu. Núi lửa này tiếp tục hoạt động mạnh, tạo ra những đám tro bụi khổng lồ đã buộc phần lớn các sân bay ở châu Âu phải đóng cửa trong ngày thứ ba liên tiếp khiến hàng nghìn chuyến bay bị hủy và hàng triệu hành khách bị mắc kẹt.
Ba sân bay quốc tế lớn nhất tại châu Âu là Heathrow ở thủ đô London, Anh; Charles de Gaulle tại Paris, Pháp và Frankfurt, Đức đã phải đóng cửa hoàn toàn. Các nước Áo, Bỉ, Anh, Séc, Đan Mạch, Estonia, Phần Lan, Pháp, Đức, Hungary, Latvia, Hà Lan, Ba Lan, Rumania, Slovakia, Tây Ban Nha, Thụy Điển và Thụy Sĩ đã tuyên bố đóng cửa phần lớn không phận của mình.
Trong khi đó, Hãng hàng không SAS thông báo có thể tạm thời cho 2.500 nhân viên tại Na Uy nghỉ việc nếu hoạt động hàng không tiếp tục ngừng trệ. Hãng hàng không Delta Air Lines của Mỹ đã phải hủy 75 chuyến bay từ Mỹ tới châu Âu và ngược lại.
Hiệp hội Vận tải hàng không của Mỹ cho biết các hãng hàng không nước này đã phải hủy 170 chuyến bay đến và xuất phát từ châu Âu trong cùng ngày.
Chuyến công du của các quan chức Hội đồng bảo an Liên hợp quốc tới Congo theo lịch trình New York-Paris-Kinshasa nhằm thảo luận về kế hoạch rút lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc khỏi nước này trước tháng 9/2011 cũng bị hủy bỏ.
Cũng do khói bụi núi lửa ở Iceland, Ngoại trưởng Canada Lawrence Cannon đã phải hoãn chuyến thăm một loạt nước châu Âu gồm Nga, Croatia, Phần Lan và tham dự Hội nghị Ngoại trưởng NATO tại Estonia, dự kiến vào ngày 22-23/4 tới.
Thủ tướng Nga Vladimir Putin ngày 17/4 cũng phải hủy chuyến công tác đến Mourmansk ở miền Bắc nước Nga do tro bụi của núi lửa đã phủ kín cả vùng. Tại Ba Lan, khả năng nhiều nguyên thủ quốc gia không thể đến tham dự tang lễ của Tổng thống Ba Lan Lech Kakzynski vào ngày 18/4.
Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) cảnh báo hoạt động của núi lửa Eyjafjallajokull ở phía Đông Nam Iceland gây thiệt hại ít nhất 200 triệu euro/ngày cho các hãng hàng không trên thế giới.
Không chỉ gây thiệt hại về kinh tế, khói bụi núi lửa từ Iceland sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe của những người dân châu Âu và khu vực xung quanh núi lửa. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính 1/4 lượng khói bụi từ núi lửa là những phân tử có thể thâm nhập vào phổi qua đường hô hấp, đe dọa sức khỏe con người.
Theo thông báo của Vụ môi trường và sức khỏe cộng đồng thuộc WHO, những nguy cơ đối với sức khỏe có thể chưa phát hiện ngay lập tức do những phân tử khói bụi này hiện còn ở trên cao, sau một thời gian, chúng mới lắng dần xuống tầng không khí thấp hơn. Những phân tử khói bụi cực nhỏ, với kích thước chưa đến 10 micron, rất nguy hiểm bởi chúng có thể thâm nhập sâu vào phổi.
WHO cũng khuyến cáo người dân ở trong nhà hoặc phải có các biện pháp bảo vệ khi ra đường trong thời gian này.
Cơ quan Khí tượng Anh cho biết núi lửa Eyjafjallajokull vẫn đang hoạt động mạnh, luồng tro bụi tiếp tục di chuyển về hướng Đông và Đông Nam. Vì vậy hoạt động hàng không tại các sân bay châu Âu có thể sẽ bị ảnh hưởng trong ít nhất 24 giờ tới.
Đây là đợt hoạt động thứ hai của núi lửa Eyjafjallajokull trong vòng một tháng qua. Sự "tỉnh giấc" của núi lửa này làm tan chảy sông băng, gây ra tình trạng lụt lội tại các khu vực lân cận. Gần 1.000 người đã phải đi sơ tán do nước dâng cao và khói bụi từ núi lửa./.
(TTXVN/Vietnam+)