Ấn Độ: 5,8 triệu người dân ở New Delhi có thể đã mắc COVID-19

Kết quả xét nghiệm cho thấy 5,8 triệu người dân ở New Delhi có kháng thể đối với virus SARS-CoV-2, đồng nghĩa họ đã nhiễm bệnh và đã khỏi bệnh.
Ấn Độ: 5,8 triệu người dân ở New Delhi có thể đã mắc COVID-19 ảnh 1Nhân viên y tế lấy máu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại New Delhi, Ấn Độ, ngày 6/8/2020. (Nguồn: THX/TTXVN)

Theo cuộc khảo sát công bố ngày 20/8, gần 30% dân số ở thủ đô New Delhi của Ấn Độ có thể đã nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 mà không có biểu hiện nhiễm bệnh.

Kết quả cuộc khảo sát này đã làm lấy lên hoài nghi về số ca nhiễm mà nước này chính thức công bố.

Phát biểu tại cuộc họp báo, người phụ trách về y tế của thành phố New Delhi, Satyendra Jain cho biết cuộc khảo sát được thực hiện trong tuần đầu tiên của tháng Tám, dựa trên xét nghiệm mẫu máu của 15.000 người dân thành phố để phát hiện kháng thể đối với virus SARS-CoV-2.

Kết quả cho thấy 5,8 triệu người dân thành phố (chiếm 29,1% trong tổng số 20 triệu dân ở New Delhi) có kháng thể đối với virus SARS-CoV-2, đồng nghĩa họ đã nhiễm bệnh và đã khỏi bệnh.

Thủ đô New Delhi đến nay đã ghi nhận tổng cộng 140.767 ca mắc COVID-19 trong tổng số 2,84 triệu ca ở Ấn Độ.

Kết quả này cũng tương tự kết quả trong cuộc khảo sát hồi tháng 6-tháng 7, theo đó, 23% người dân ở New Delhi đã nhiễm virus SARS-CoV-2.

Trong khi đó, kết quả các cuộc khảo sát được thực hiện gần đây ở các thành phố khác của Ấn Độ cho thấy có nhiều người mắc COVID-19 hơn so với con số công bố chính thức.

Ví dụ, tại thành phố Pune, miền Tây Ấn Độ, 51,1%  người được xét nghiệm có kháng thể trong máu.

Tại các khu ổ chuột ở thành phố Mumbai, 57% những người được xét nghiệm đã mắc COVID-19, cao hơn nhiều so với con số chính thức.

Trong khi đó, tại thành phố Hyderabad, xét nghiệm nước thải cho thấy khoảng 6,6% trong tổng số trên 9 triệu cư dân thành phố có thể đã mắc COVID-19, cũng cao hơn nhiều so với con số chính thức.

Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng các xét nghiệm kháng thể nên được thực hiện một cách cẩn trọng bởi có thể liên quan tới virus corona chủng khác, không phải virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục