Áp lực tăng lãi suất huy động cuối năm có đẩy sức ép lên cho vay?

Những biến động của lãi suất huy động trên thị trường, phần nào dấy lên lo ngại lãi suất cho vay sẽ chịu tác động điều chỉnh tăng...
Áp lực tăng lãi suất huy động cuối năm có đẩy sức ép lên cho vay? ảnh 1Giao dịch tại HDBank. (Nguồn: HDBank)

Lãi suất huy động của nhiều ngân hàng đã liên tục được điều chỉnh tăng từ 0,3-0,7% mỗi năm trong những ngày gần đây, ngoài lý do cần tiền để đáp ứng nhu cầu vay vốn thì lãi suất cũng thường tăng cao vào mỗi dịp cuối năm của người dân và doanh nghiệp thì các ngân hàng thương mại còn tranh thủ hút tiền dài hạn của người dân và doanh nghiệp để đáp ứng tiêu chuẩn mới về an toàn vốn của Ngân hàng Nhà nước.

Lãi suất cao nhất lên đến 8,6%

Theo thống kê, hiện kỳ hạn 6 và 12 tháng đang có mức lãi suất cao nhất dao động từ 7 - 8%/năm. Khảo sát số liệu lãi suất niêm yết của hơn 30 ngân hàng trong nước vào đầu tháng 12 nhận thấy tiếp tục có nhiều ngân hàng thay đổi lãi suất.

Ngân hàng Bản Việt (Viet Capital Bank) tiếp tục giữ vị trí đầu ngân hàng có mức lãi suất tiết kiệm cao nhất với 8,6%/năm áp dụng cho các khoản tiền gửi từ 24 tháng trở lên và không có điều kiện về số tiền gửi.

Trong nhóm 10 ngân hàng có mức lãi suất cao nhất từ 8% trở lên, các ngân hàng như TPBank, PVcomBank , VIB đều có mức lãi suất cao nhất 8,5%, SeABank (8,2%) đều yêu cầu số tiền gửi lớn từ 100 tỷ đồng trở lên. Nhóm còn lại gồm VietA Bank, BacABank, NCB, Eximbank, VietBank không có yêu cầu về số tiền.

Nhóm ngân hàng xếp dưới cùng (có mức lãi suất cao nhất dưới 7%/năm) là Techcombank, Vietcombank, Vietinbank, BIDV và Agribank.

Một chuyên gia cho rằng, các ngân hàng mạnh tay chi lãi cao cho các kỳ hạn này là do đây là dịp cuối năm nhu cầu vốn của các doanh nghiệp phục vụ sản xuất tăng cao và một phần để trả lương thưởng cho cán bộ công nhân viên.

Ngoài ra, từ đầu năm sau các ngân hàng chỉ được dùng 40% vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn thay vì mức 45% như hiện nay, đồng nghĩa nếu các ngân hàng không đủ vốn trung và dài hạn các ngân hàng không thể cho vay ra. Đây cũng là lý do các ngân hàng tranh thủ đẩy lãi suất kỳ hạn 12 tháng lên nhằm hút vốn trung và dài hạn để giảm sức ép về tỷ lệ an toàn vốn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Ông Nguyễn Lê Quốc Anh, Tổng Giám đốc Techcombank cho rằng: "Các ngân hàng đều phải đảm bảo khi những doanh nghiệp trung và vừa cần vốn thì vẫn tiếp tục giải ngân được mà không bị chậm. Để giải quyết việc đó thì tiền huy động của người dân phải huy động dài hạn hơn nhưng đây cũng là cái khó vì nếu huy động dài hạn hơn thì người dân đòi hỏi lãi suất phải cao hơn."

Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, hiện các ngân hàng đa số huy động ngắn hạn nhưng cho vay ra lại là trung và dài hạn như 3 năm, 5 năm, thậm chí 10 năm. Khi mà họ cho vay dài hạn như vậy, vốn ngắn hạn đến hạn khách hàng đến rút tiền ra thì các ngân hàng lại phải chạy vào trong thị trường vốn huy động vốn với lãi suất cao để có tiền trả cho khách hàng.

Các chuyên gia cũng cho rằng về lâu dài cần phải đẩy mạnh các kênh huy động vốn trung và dài hạn cho doanh nghiệp như thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, từ đó giảm bớt sự phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng, có như vậy mới giảm bớt được tình trạng chạy đua lãi suất trung và dài hạn. Trên thực tế, lãi suất trên cả thị trường 1 và thị trường 2 luôn duy trì ở mức cao và vẫn trong xu hướng tăng trong 2 tháng trở lại đây.

Đồng tình với các quan điểm trên, tại một báo cáo của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, áp lực lên lãi suất vẫn còn kéo dài trong thời gian tới, mức lãi suất cao sẽ còn duy trì quanh mức hiện tại đến cuối Tết âm lịch.

Cũng theo VDSC, hiện tại diễn biến trên thị trường liên ngân hàng cho thấy lãi suất các kỳ hạn tăng mạnh và tạo mặt bằng mới quanh ngưỡng 5%. Hai thước đo chính mà các chuyên gia đề cập gồm lãi suất vay qua đêm và lãi suất kỳ hạn 3 tháng của tiền đồng liên tục tăng kể từ quý 2 và đang ở mức 4,6% và 5,2%, tương ứng. Đáng chú ý, giá trị giao dịch bình quân tăng mạnh và tiệm cận mức đỉnh năm 2012. Tất cả những điều này đều cho thấy sức ép rất lớn thị trường liên ngân hàng. Bên cạnh đó, công ty này cũng cho rằng, quy định về vốn ngắn hạn sắp đi vào hiệu lực trong năm 2019, đồng thời nhu cầu tín dụng lớn cuối năm cũng tạo sức ép đẩy lãi suất tăng cao.

Lãi suất ngân hàng đồng loạt tăng cao. (Nguồn: Vnews)

Lãi suất cho vay có tăng theo?

Những biến động của lãi suất huy động trên thị trường, phần nào dấy lên lo ngại lãi suất cho vay sẽ chịu tác động điều chỉnh tăng. Tuy nhiên, theo nhiều ý kiến, lãi suất cho vay sẽ khó tăng, nhưng dư địa giảm gần như không có.

Lãnh đạo một ngân hàng cho biết, dù điều chỉnh tăng nhẹ lãi suất huy động nhưng ngân hàng không tăng lãi suất cho vay mà sẽ tiếp tục giữ ổn định từ nay đến cuối năm. Ngoài ra, hiện chính sách tiền tệ đang được kiểm soát tốt và có một số điểm sáng như tỷ giá điều chỉnh nhưng không tạo ra cú sốc, thanh khoản hệ thống dồi dào, lãi suất ổn định.

Cũng theo vị lãnh đạo này, mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước là không nới room tín dụng trong năm nay để kìm chế lạm phát, đồng nghĩa với việc sẽ không tăng lãi suất cho vay để các doanh nghiệp có thể tiếp cận được vốn ngân hàng.

Cũng cùng quan điểm trên, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho biết, về cơ bản, lãi suất đầu ra khó có thể tăng, bởi Chính phủ đã chỉ đạo và Ngân hàng Nhà nước quyết tâm tiếp tục giữ ổn định mặt bằng lãi suất từ nay đến cuối năm. Mặt khác, khi ngân hàng tăng lãi suất đầu ra, doanh nghiệp thường sẽ có phản ứng. Do vậy, các ngân hàng phải có những giải pháp thay thế để bù đắp khoản thiếu hụt này thay vì tăng lãi suất đầu ra.

Tuy nhiên, ông Lực lại nhấn mạnh, sang năm tới, sức ép tăng lãi suất là rõ ràng khi trên thế giới lãi suất của nhiều ngân hàng trung ương tăng nhanh, đà tăng lãi suất của Fed vẫn tiếp tục. Trong khi đó đối với Việt Nam, áp lực lạm phát vẫn còn lớn. Do đó, khả năng Ngân hàng Nhà nước có thể tính tới cân nhắc điều chỉnh nhẹ lãi suất điều hành, chủ yếu là lãi suất tái cấp vốn với mức điều chỉnh ở mức 0,25%.

Còn chuyên gia kinh tế, tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu thì cho rằng, nếu lãi suất huy động tăng lên thì lãi suất cho vay khó có thể giảm được bởi các ngân hàng phải giữ biên độ lợi nhuận tối thiểu nào đó. Ông Hiếu dự báo mặt bằng lãi suất cho vay năm tới có khả năng sẽ tăng thêm chút nữa.

“Theo tôi, ở thời điểm này, lãi suất tiền gửi cần phải chấp nhận ở mức có thể tăng nhưng cần phải kiểm soát mức độ tăng để nó không quá ảnh hưởng tới lãi suất cho vay, từ đó tác động đến doanh nghiệp," ông Hiếu khuyến nghị.

Để bù đắp phần lợi nhuận bị thu hẹp do lãi suất huy động tăng, các ngân hàng cố gắng thực hiện các giải pháp để giữ mặt bằng lãi suất, trong đó chú trọng giải pháp tiết giảm chi phí của các hoạt động khác như đẩy mạnh bán lẻ, cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa, cho vay tiêu dùng.../.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục