Áp thấp nằm trên vùng biển Quảng Ngãi-Bình Định

Hồi 16 giờ ngày 14/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở trên vùng bờ biển các tỉnh Quảng Ngãi-Bình Định, sức gió vùng tâm mạnh cấp 6.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, hồi 16 giờ ngày 14/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở trên vùng bờ biển các tỉnh Quảng Ngãi-Bình Định.

Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (tức là từ 39-49 km/giờ), giật cấp 7, cấp 8.

Dự báo trong 12 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10-15km và suy yếu dần thành một vùng áp thấp. Đến 4 giờ ngày 15/11, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở trên khu vực biên giới Việt-Lào. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39 km/giờ).

Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới kết hợp với đới gió đông bắc mạnh và nhiễu động trong đới gió đông trên cao, vùng biển phía Tây khu vực Bắc và giữa biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa), vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Định có gió mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8, cấp 9 và có mưa dông mạnh. Biển động mạnh. Trong cơn dông cần đề phòng có tố, lốc và gió giật mạnh.

Ở các tỉnh từ Thừa Thiên-Huế đến Bình Định và Bắc Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to.

Để chủ động đối phó với áp thấp nhiệt đới, tỉnh Quảng Nam đã kêu gọi tất cả các tàu thuyền đang hoạt động trên biển vào bờ, nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi đánh bắt. Đến 13 giờ cùng ngày đã có 3.499 trên tổng số 3.500 phương tiện tàu thuyền vào nơi trú ẩn an toàn.

Trên đảo Cù Lao Chàm, thành phố Hội An có 22 tàu cá các tỉnh và tàu vận tải cùng với 216 thuyền viên đã vào trú ẩn an toàn. Đồn Biên phòng Cù Lao Chàm đang phối hợp cùng chính quyền địa phương dùng loa hướng dẫn các phương tiện neo đậu tại các vị trí an toàn trên đảo, đồng thời sẵn sàng xuất 15 tấn lương thực dự trữ trên đảo để hỗ trợ cho cư dân và các phương tiện đang trú tránh áp thấp nhiệt đới nếu thời tiết diễn biến xấu và kéo dài.

Lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam cũng duy trì nghiêm các chế độ trực ban, trực quân số với 110 cán bộ, chiến sỹ và sẵn sàng phương tiện để thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xấu xảy ra.

Theo Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão tỉnh, do ảnh hưởng của hoàng lưu áp thấp nhiệt đới gần bờ, mưa lớn diễn ra trên diện rộng và kéo dài liên tục trong nhiều ngày qua tại khu vực vùng cao Trà My.

Kể từ rạng sáng ngày 14/11, tuyến đường độc đạo lên các xã vùng cao Trà Bui, Trà Đốc, Trà Tân, Trà Giác, Trà Giáp và Trà Ka của huyện Bắc Trà My và huyện Nam Trà My bị chia cắt và cô lập hoàn toàn, do nước lũ băng qua ngầm Sông Trường tại địa phận xã Trà Sơn huyện Bắc Trà My.

Ngày 14/11, lượng mưa tại vùng Trà My tiếp tục tăng, nước lũ tại ngầm sông Trường luôn giữ ở mức hơn 3m, điện lưới bị cắt gián đoạn. Hàng chục xe tải vận chuyển vật liệu phục vụ thi công công trình thủy điện Sông Tranh 2 và xây dựng cơ bản của huyện Nam Trà My bị mắc kẹt.

Mưa lớn làm lầy lội tại nhiều tuyến đường liên thôn ở các khu tái định cư thủy điện Sông Tranh 2 xã Trà Bui. Sông Bui, suối Nước Nẻ nước lũ liên tục dâng cao, xã Trà Bui phải huy động lực lượng thanh niên xung kích, dân quân, xã đội túc trực 24/24 giờ ứng phó với mưa lũ, chốt chặn tại những tuyến đường, cống ngầm bị ngập, tuyệt đối không để người dân qua lại, tránh không để xảy ra thiệt hại về người và tài sản của nhân dân.

Ngoài ra, bộ phận không khí lạnh đã báo vẫn đang tiếp tục di chuyển xuống phía Nam. Khoảng gần sáng và ngày mai (15/11), bộ phận không khí lạnh này sẽ tăng cường xuống các tỉnh miền Bắc.

Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường ở Bắc Bộ có mưa vài nơi, các tỉnh Bắc và Trung Trung Bộ có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to. Gió đông bắc trong đất liền cấp 3, vùng ven biển cấp 4-5.

Vịnh Bắc Bộ và ngoài khơi Trung Bộ từ ngày 15/11, gió đông bắc lại mạnh lên cấp 6, cấp 7, giật cấp 8, cấp 9. Biển động mạnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục