Áp thấp nhiệt đới gần bờ, trạm đảo Phú Quý đã có gió giật cấp 7

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới kết hợp với nhiễu động gió Đông nên ở các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận đã có mưa vừa, mưa to, tại trạm đảo Phú Quý đã có gió giật mạnh cấp 7.
Áp thấp nhiệt đới gần bờ, trạm đảo Phú Quý đã có gió giật cấp 7 ảnh 1Hàng ngàn tàu thuyền đã vào âu thuyền Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn, Bình Định để tránh trú áp thấp nhiệt đới. (Ảnh: Viết Ý/TTXVN)

Theo Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới kết hợp với nhiễu động gió Đông nên ở các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận đã có mưa vừa, mưa to.

Tổng lượng mưa tính đến 19 giờ tối nay (12/12) phổ biến 30-80mm, một số nơi mưa rất to như Phù Cát 183mm; Bình Nghi (Bình Định) 181mm; … Tại trạm đảo Phú Quý đã có gió giật mạnh cấp 7.

Hồi 19 giờ, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 10,5 độ Vĩ Bắc; 109,4 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Ninh Thuận​-Bà Rịa Vũng Tàu khoảng 150km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 7-8.

Dự báo trong 12 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10km. Đến 7 giờ ngày 13/12, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 10,9 độ Vĩ Bắc; 108,2 độ Kinh Đông, trên vùng ven biển Ninh Thuận – Bà Rịa Vũng Tàu. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, giật cấp 7-8.

Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 10km, đi vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực miền Đông Nam Bộ.

Do mưa lớn gây lũ, nhiều địa phương ở Bình Định bị ngập lụt trở lại, đường giao thông liên xã, huyện như đường ĐT 640 (từ Ủy ban Nhân dân huyện Tuy Phước đi Cát Chánh-Cát Tiến) bị ngập nước, chia cắt nhiều đoạn.

Đập dâng Văn Phong đã mở các cửa van để điều tiết nước đón lũ với tần suất 1.323m3/s theo quy trình vận hành liên hồ. Mực nước hồ Định Bình lúc 16 giờ ngày 12/12 ở cao trình 91,83; lưu lượng đến 673m3/s, qua tràn 795m3/s.

Chiều 12/12, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh kiêm Trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hồ Quốc Dũng đã ban hành công điện yêu cầu các sở ngành và địa phương tập trung chỉ đạo ứng phó với đợt mưa lũ.

Lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh trực tiếp kiểm tra tình hình mưa lũ, chỉ đạo các sở ngành liên quan và Ủy ban Nhân dân các cấp tập trung triển khai ứng phó với mưa lũ, bảo đảm an toàn tính mạng nhân dân, an toàn hồ chứa, chống ngập úng cho cây trồng.

Từ ngày 11/12 đến 13 giờ ngày 12/12, trên địa bàn tỉnh có mưa vừa, mưa to đến rất to.

Để chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới gần bờ, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Sóc Trăng vừa thông báo khẩn cấm không cho tàu thuyền ra khơi hoạt động đánh bắt trên biển từ khi nhận được thông báo đến khi có bản tin cuối cùng về áp thấp nhiệt đới.

Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Chi cục Thủy sản và Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện, thị xã ven biển phải thường xuyên nắm chính xác số lượng tàu và thuyền viên còn hoạt động trên biển; tìm mọi biện pháp thông báo, kiên quyết kêu gọi tàu thuyền còn đang hoạt động ngoài khơi vào bờ hoặc tìm nơi tránh trú, thoát ra khỏi, không đi vào khu vực nguy hiểm. Vùng nguy hiểm do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên), từ vĩ tuyến 8,0 độ vĩ Bắc đến vĩ tuyến 12,0 độ vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 111,0 độ Kinh Đông. Đồng thời hướng dẫn sắp xếp nơi neo đậu an toàn cho các tàu thuyền, tránh bị va đập.

Báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Sóc Trăng, đến thời điểm này đã liên lạc được tất cả 349 phương tiện với gần 2 ngàn thuyền viên đang hoạt động đánh bắt ở ngoài khơi; trong đó có 250 tàu đánh bắt xa bờ. Hiện tại, các tàu tiếp tục giữ được liên lạc tốt.

Trước diễn biếp phức tạp của áp thấp nhiệt đới, tỉnh Sóc Trăng cũng đã khẩn trương họp khẩn các sở, ban, ngành và Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp. Lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh dẫn đầu nhiều đoàn công tác, xuống các địa phương ven biển như thị xã Vĩnh Châu, huyện Kế Sách, Trần Đề, Cù Lao Dung… để chỉ đạo các đơn vị hướng dẫn, hỗ trợ người dân chằng chống nhà cửa; rà soát, sẵn sàng sơ tán dân khỏi nơi nguy hiểm, vùng trũng, thấp có nguy cơ ngập lụt, không để rơi vào tình trạng bị động, bất ngờ. Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn chỉ đạo các đơn vị theo dõi sát tình hình diễn biến, vị trí của áp thấp nhiệt đới, kịp thời thông báo đến người dân; giữ thông tin liên lạc thường xuyên để xử lý kịp thời những tình huống xấu có thể xảy ra.

Trong ngày 12/12, tại Cà Mau xảy ra mưa lớn kéo dài, khiến nhiều tuyến đường ở thành phố Cà Mau bị ngập nước và một số huyện ven biển xuất hiện mưa lớn kèm theo dông lốc. Hiện, các địa phương trong tỉnh vẫn chưa có con số thống kê chính thức về thiệt hại do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới.

Trước tình hình trên, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau đã triển khai các biện pháp ứng phó với áp thấp nhiệt đới và mưa lớn.

Đến thời điểm này, cơ quan chức năng tỉnh đã chỉ đạo các địa phương, nhất là các huyện ven biển như U Minh, Trần Văn Thời, Phú Tân, Ngọc Hiển… khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó áp thấp nhiệt đới và mưa lớn.

Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Cà Mau hiện có 955 tàu và 6.855 thuyền viên đang hoạt động đánh bắt trên biển; trong đó, có 531 tàu với 4.851 thuyền viên đang hoạt động đánh bắt xa bờ từ khu vực Đông Nam Hòn Khoai đến Bãi cạn Cà Mau và Khu vực Đảo Thổ Chu, tỉnh Kiên Giang.

Cơ quan chức năng tỉnh đã liên lạc được 709 tàu với 5.108 thuyền viên và yêu cầu các chủ phương tiện thường xuyên theo dõi, cập nhập diễn biến tình hình áp thấp nhiệt đới để chủ động tìm nơi tránh trú đảm bảo an toàn nếu xảy ra bão.

Trước diễn biến của áp thấp nhiệt đới gần bờ, tối 12/12, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố Hồ Chí Minh đã có công điện cấm tàu thuyền ra khơi hoạt động đánh bắt thủy sản; phương tiện đò ngang, đò dọc, tàu du lịch, tàu cánh ngầm, tàu nhà hàng xuất bến hoạt động trên biển, trên sông. Lệnh cấm có hiệu lực kể từ 21 giờ ngày 12/12cho đến khi có lệnh mới.

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Thành phố, Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ, Chi cục Quản lý chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi Thủy sản Thành phố bằng mọi biện pháp thực hiện thông báo, yêu cầu ngư dân và các chủ phương tiện tàu thuyền đánh bắt thủy sản trên sông, trên biển vào bờ hoặc tìm nơi tránh trú an toàn; chấp hành lệnh nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi hoạt động thủy sản.

Sở Giao thông vận tải Thành phố, Cảng vụ Hàng hải Thành phố và Ủy ban nhân dân các quận, huyện yêu cầu các chủ bến và chủ phương tiện đò ngang, đò dọc, tàu du lịch, tàu cánh ngầm, tàu nhà hàng chấp hành lệnh nghiêm cấm xuất bến hoạt động. Thông báo cho các chủ bến và chủ phương tiện về diễn biến của Áp thấp nhiệt đới gần bờ để chủ động tổ chức các biện pháp phòng, tránh, ứng phó; khẩn trương sắp xếp các tàu, thuyền đang neo đậu tại bến được an toàn trước ảnh hưởng của Áp thấp nhiệt đới gần bờ; tuyệt đối không để người trên tàu thuyền, lồng bè, sở đáy, chòi canh, khu nuôi trồng thủy sản ven sông, ven biển.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Thành phố kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tại cửa sông, cửa biển kiên quyết không cho tàu thuyền ra khơi theo lệnh cấm này. Bộ Tư lệnh thành phố, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố, Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy Thành phố và Công an thành phố duy trì sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị để tổ chức cứu hộ, cứu nạn kịp thời khi có lệnh điều động.

Công an Thành phố, Sở Giao thông vận tải Thành phố và Cảng vụ Hàng hải Thành phố chỉ đạo lực lượng tổ chức kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các đò ngang, đò dọc, tàu du lịch, tàu cánh ngầm, tàu nhà hàng còn đang hoạt động trên các tuyến hàng hải, đường thủy nội địa; yêu cầu nhanh chóng điều khiển phương tiện cập bến an toàn, tránh để xảy ra sự cố do ảnh hưởng của sóng to, gió lớn gây ra.

Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Tiền Giang yêu cầu Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng phối hợp với Chi cục Thủy sản thông báo cho các phương tiện tàu thuyền đang hoạt động triện biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của áp thấp nhiệt đới, để chủ động thoát ra khỏi vùng nguy hiểm; theo dõi chặt chẽ tình hình hoạt động của tàu cá trước, trong và sau áp thấp nhiệt đới. Đồng thời, kêu gọi dân ở khu vực đáy Sông Cầu, các đầm, chòi canh nuôi trồng thủy sản khẩn trương vào bờ; Ủy ban nhân dân các huyện, thị, thành phố Mỹ Tho (có lồng bè nuôi cá trên sông) kiểm tra, vận động người dân neo, chằng chéo các lồng bè trên sông, đảm bảo an toàn tuyệt đối...

Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Tiền Giang, đến 16 giờ ngày 12/12, tỉnh Tiền Giang đã có 595 tàu thuyền, với 4.044 người đã vào bờ hoặc tìm nơi tránh, trú an toàn. Hiện còn 704 phương tiện tàu thuyền, với 4.960 người đang hoạt động trên biển.

Các tàu huyền này hoạt động ở khu vực không nguy hiểm. Hiện nay, Chi cục Thủy sản và Bộ đội Biên phòng tỉnh thường xuyên liên lạc với các chủ tàu và các tàu đang hoạt động trên biển để thông báo đến các phương tiện hoạt động đánh bắt hải sản biết vị trí của áp thấp nhiệt đới, hướng di chuyển để chủ động phòng tránh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục