Bài 2: Hàng loạt CEO du lịch tìm đường ‘bán mình’ vì COVID-19

Chịu những cú đánh liên tiếp của COVID-19 khiến các doanh nghiệp du lịch rơi vào cảnh "sống dở chết dở." Để tự cứu mình, nhiều CEO đã quyết định "thay máu" bằng cách tạm thời chuyển nghề...
CEO Nguyễn Tiến Đạt đi ship bia cho khách hàng. (Ảnh: NVCC)
CEO Nguyễn Tiến Đạt đi ship bia cho khách hàng. (Ảnh: NVCC)

Ngụp lặn qua 4 đợt dịch COVID-19 bùng phát, trong khi nhiều “cá mập” thoi thóp nằm chờ những động thái hỗ trợ mới từ Chính phủ thì nhiều doanh nghiệp còn chút sức buộc phải chuyển đổi mô hình hoạt động để tự cứu mình. Bởi, nếu họ “chết” nghĩa là hàng trăm, hàng nghìn nhân viên ở dưới cũng chẳng có cơ hội “thấy ánh bình minh.”

Động lực đó đã giúp các CEO không cam tâm chịu bó gối để rồi có những cú lội ngược dòng trong trận chiến với COVID-19, dẫu trước mắt chỉ xác định “lấy ngắn nuôi dài.” Họ, người thì sản xuất bia thủ công kiêm “shipper,” người đầu tư sản xuất và bán khẩu trang, thậm chí có người còn mở nhà hàng bán thịt dê, xuất khẩu nông sản sạch… Nhưng dù có “tìm đường” làm gì, họ vẫn khẳng định sẽ trở lại với du lịch bởi đó là “nghề hạnh phúc.”

CEO du lịch đi sản xuất khẩu trang

Để có nguồn thu nhập cho nhân viên, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Việt, ông Trần Văn Long đã phải xoay sở đủ kiểu để tồn tại. Ngay khi dịch COVID-19 bùng phát lần đầu tiên, ông chuyển hướng công ty sang hỗ trợ bà con bán nông sản, nước rửa tay. Việc làm này vừa tạo thêm thu nhập cho nhân viên vừa để giữ chân họ. Song, mọi việc không dễ vậy.

[Bài 1: Nhân sự từ du lịch vật lộn ‘startup’ xuyên COVID-19]

“Tôi nhập hàng về nhưng COVID-19 khiến nông sản ế ẩm do xuất khẩu gặp khó khăn nên vẫn không có nhiều việc cho nhân viên. Tôi tiếp tục phân phối nước rửa tay sát khuẩn. Thời điểm đó mỗi tuần chúng tôi tiêu thụ được hàng trăm tấn. Nhưng tiếc rằng khâu sản xuất gặp khó khăn nên phải dừng lại,” ông Long buồn rầu nhớ lại.

Trăn trở và không ngừng cố gắng xoay xở, vị CEO ấy tìm mọi cách đưa doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng. Nhận thấy thị trường khẩu trang y tế có nhu cầu lớn, đầu tháng 4/2020, ông Long nhập thiết bị máy móc về sản xuất mặt hàng này.

Bài 2: Hàng loạt CEO du lịch tìm đường ‘bán mình’ vì COVID-19 ảnh 1CEO Trần Văn Long chia sẻ chuyện nghề tại một hội nghị trước khi COVID-19 bùng phát. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

Ông Long cho biết thời điểm mới bắt tay vào việc chỉ dám đầu tư vài máy, nhưng sau một năm công ty đã có 4 nhà máy chính và các nhà máy liên kết tại Quận 12, huyện Củ Chi, huyện Hóc Môn (Thành phố Hồ Chí Minh), tỉnh Long An, Tiền Giang và 2 nhà máy tại khu vực phía Bắc, 1 nhà máy khu vực miền Trung; 1 nhà máy tại bang Virginia (Mỹ) đã xong quá trình xây dựng và đi vào hoạt động từ đầu năm 2021.

Còn nhớ, ngày 30/8/2020, những chuyến hàng khẩu trang y tế đầu tiên mang thương hiệu Ecom Med sản xuất tại Việt Nam đã đặt chân vào Mỹ, cung cấp cho hệ thống 360 bệnh viện thuộc Bộ Quốc phòng của Mỹ, góp phần cùng các y bác sỹ tuyến đầu phòng chống dịch COVID-19 tại quốc gia này.

[COVID-19 tái bùng phát: Doanh nghiệp du lịch làm gì để không gục ngã?]

Việc một doanh nghiệp sản xuất khẩu trang “tay ngang” vượt qua tất cả tiêu chuẩn sản xuất, kiểm định khắt khe hàng đầu quốc tế để đến Hoa Kỳ là thành quả của quá trình lao động sản xuất thực sự bài bản, nghiêm túc và có tâm của đội ngũ cán bộ và công nhân nhà máy.

Hiện nay, tổng công suất trung bình của toàn bộ hệ thống có thể đạt 5 triệu khẩu trang/ngày. Nếu hoạt động 2 ca hết công suất có thể đạt 10 triệu khẩu trang/ngày. Đồ bảo hộ có thể đạt 100.000 sản phẩm/ngày.

Bài 2: Hàng loạt CEO du lịch tìm đường ‘bán mình’ vì COVID-19 ảnh 2Những chiếc khẩu trang do doanh nghiệp của CEO Trần Văn Long sản xuất đã "đặt chân" đến Mỹ. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

“Tôi xác định đầu tư trong lĩnh vực y tế lâu dài chứ không phải đầu tư cơ hội hay mang tính mùa vụ. Tôi cho rằng với tình hình dịch bệnh phức tạp như hiện nay, du lịch có thể mất một vài năm nữa mới khởi động lại. Khi thị trường hồi sinh, tôi vẫn sẽ tiếp tục phát triển du lịch song song với sản xuất thiết bị y tế. Tôi quan niệm, đầu tư vào lĩnh vực nào cũng phải làm cho thật tốt, phải đặt khách hàng lên trên hết,” ông Long bày tỏ.

Bị COVID-19 “cướp miếng ăn,” CEO đi bán… đồ nhậu

Được đánh giá là một trong những CEO trẻ và năng động của làng du lịch Việt, CEO VietSense Travel, ông Nguyễn Văn Tài, cho hay để đón đầu mùa du lịch Hè 2021 ngay từ sau Tết Nguyên Đán, đơn vị này đã xây dựng hàng loạt sản phẩm, dịch vụ mới hấp dẫn có giá hợp lý với hy vọng cứu vãn doanh thu cả năm.

“Thế nhưng, COVID-19 lần thứ tư bùng nổ ngay trước kỳ nghỉ lễ Hè khiến miếng ăn đến miệng còn bị cướp trắng. Đau đớn vô cùng,” vị CEO thở dài.

Trong lúc kinh doanh lữ hành lao dốc không phanh, đại dịch ngày càng diễn biến phức tạp trên cả nước và thế giới, ông Tài có kế hoạch khai trương nhà hàng Tái Dê với dự định phát triển thành chuỗi tại Hà Nội.

Theo tính toán của doanh nhân này, trải qua ba đợt dịch bệnh, khả năng dịch bùng phát trở lại sẽ ít hoặc nếu tái phát cũng sẽ nhanh chóng được kiểm soát, trong khi đó lợi nhuận kinh doanh nhà hàng cao hơn nhiều so với kinh doanh lữ hành, lại sẵn kinh nghiệm marketing cũng như chăm sóc khách hàng nên cơ hội thành công khá cao. Nhưng, đúng là người tính không bằng “COVID tính.”

Theo kế hoạch, nhà hàng dê của vị CEO du lịch sẽ khai trương vào cuối tháng Tư, không ngờ ngày 27/4 trong nước xuất hiện ca dương tính với COVID-19. Vì chẳng thể quay đầu khi mọi sự đã rồi nên nhà hàng đành xoay sang bán online hay bán cho khách mang về.

Bài 2: Hàng loạt CEO du lịch tìm đường ‘bán mình’ vì COVID-19 ảnh 3(Ảnh: NVCC)

Vừa quản lý nhà hàng vừa phải duy trì hoạt động công ty lữ hành, nhưng vì dịch mà từ đầu tháng Năm đến nay, VietSense Travel không có giao dịch mới, trong khi gần 1.000 khách hàng đã đặt các tour khởi hành trong tháng Năm đều yêu cầu hoãn, hủy.

Ông Tài cho rằng COVID-19 bùng phát lần thứ tư quá nhanh và mạnh nằm ngoài tính toán của doanh nghiệp. “Nguồn lực cạn kiệt nên doanh nghiệp buộc phải cho một số nhân viên tạm nghỉ, chỉ giữ lại lực lượng nòng cốt để làm việc với các đối tác nhằm đảm bảo tốt nhất quyền lợi cho khách hàng,” ông Tài nói và cho biết đi bán thịt dê đang là giải pháp tình thế.

Cũng giống VietSense Travel, tất cả các tour khởi hành trong tháng Năm của AZA Travel với hơn 1.000 khách hàng đã buộc phải tạm hoãn, hủy. Thiệt hại là vô cùng nặng nề nhưng cũng may CEO Nguyễn Tiến Đạt đã kịp có phương án tự “giải cứu” doanh nghiệp trước đó.

Từ đầu năm 2020, khi COVID-19 bùng phát lần đầu tiên, vị doanh nhân đã chuyển một phần nhân sự sang sản xuất và kinh doanh bia tươi organic cao cấp Euro Beer do ông làm Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc điều hành.

Điều đặc biệt là Euro Beer tuyển đại lý và cộng tác viên bán bia trong chính nhân sự ngành du lịch. CEO AZA Travel lý giải: “Đa số nhân sự ngành du lịch hoạt động rất tích cực, có nhiều bạn bè, đối tác có tiền đi du lịch cũng chính là đối tượng khách hàng tiềm năng của Euro Beer. Chúng tôi đẩy mạnh hợp tác với những người làm du lịch tạm chuyển sang bán hải sản, chế biến đồ ăn sẵn để họ bán đồ ăn kèm bia, còn mình quảng cáo đồ ăn cho họ để khách mua được cả đồ ăn và đồ uống đều ngon.”

Bài 2: Hàng loạt CEO du lịch tìm đường ‘bán mình’ vì COVID-19 ảnh 4CEO Nguyễn Tiến Đạt vẫn "hăng say lao động" dưới cái nắng như đổ lửa đầu tháng Sáu Hà Nội. (Ảnh: NVCC)

Vẫn xác định “sống chung với lũ” từ những đợt dịch trước nhưng đến lúc này trong sâu thẳm ông Đạt cũng không khỏi buồn chán trước bức tranh phủ một màu xám xịt của nền kinh tế xanh. Bởi với những người đam mê và nhiệt huyết với du lịch như ông, những gì đang làm cũng chỉ là “lấy ngắn nuôi dài” mà thôi.

"Tay ngang" đi xuất khẩu nông sản

Trong số hàng nghìn doanh nghiệp đang ngồi trên “chảo lửa,” không chỉ các đấng mày râu mới nhanh nhạy chuyển đổi để cứu “đắm tàu” mà các chị em cũng hơn bao giờ hết, thể hiện rất rõ bản lĩnh và tinh thần thép trong việc “bẻ lái” doanh nghiệp vượt đại nạn, như CEO Vietindo Travel, nữ doanh nhân Thái Thị Thanh Lan là một ví dụ.

Từ giữa năm 2020, khi du lịch quốc tế đóng băng, bà Thanh Lan, người đã luôn tận tụy với ngành du lịch Việt 20 năm qua, nhanh chóng hướng “con tàu” Vietindo, khi đó buộc phải cắt giảm một nửa nhân sự, sang làm xuất khẩu nông sản.

“Nhờ luôn kỹ càng khi xây dựng sản phẩm du lịch, trực tiếp là ‘chuột bạch’ cho những dịch vụ, đích thân trải nghiệm từng địa danh, món ăn, đặc sản vùng miền, nên khi làm xuất khẩu, trong đầu tôi đã định hình sẽ làm sản phẩm gì, làm như thế nào, ở đâu và với ai,” nữ CEO chia sẻ.

Vì sao đang làm du lịch lại “quay ngoắt” sang nông nghiệp, một ngành nghề dường như chẳng mấy liên quan? Bà Thanh Lan cho rằng du lịch và xuất khẩu nông sản có sự tương đồng rất sâu sắc, một bên là kết nối trải nghiệm điểm đến và xuất khẩu hàng hóa tại chỗ, một bên là đưa nông sản Việt Nam ra nước ngoài.

Bài 2: Hàng loạt CEO du lịch tìm đường ‘bán mình’ vì COVID-19 ảnh 5CEO Thái Thị Thanh Lan. (Ảnh: NVCC)

Bản thân bà Thanh Lan cũng hiểu việc xuất khẩu nông sản sang trời Tây là con đường đầy chông gai, thử thách tính kiên nhẫn, sự chu toàn, tỉ mỉ và chỉ dành cho những ai thật sự tâm huyết, nỗ lực và thích chinh phục, nếu không sẽ rất dễ bỏ cuộc.

Nhờ nhạy bén trong kinh doanh, nỗ lực xoay chuyển theo những biến động thị trường, chỉ trong năm 2020, nữ CEO đã góp phần đưa 15 sản phẩm nông sản Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Pháp. Hiện bà đang làm việc với các đối tác khác tại Đức, Cộng hòa Séc để đưa nông sản Việt sang các thị trường này.

Những CEO ngành du lịch như bà Thanh Lan, ông Đạt, ông Long, ông Tài… tôi muốn gọi họ là những chiến binh. Bởi khi đối diện với cơn “sóng thần COVID-19,” sự bình tĩnh, chủ động, năng động và luôn giữ được tinh thần tích cực đã giúp họ nhanh nhạy biến nguy thành cơ, để có thể lèo lái con tàu doanh nghiệp của mình “vượt bão.”

Trải qua bốn đợt COVID-19 bùng phát, dẫu có bầm dập, tơi tả thì nhiệt huyết của những chiến binh ấy càng như được tôi luyện, thử lửa. Họ, khi được hỏi vẫn khẳng định sẽ bám trụ đến cùng với du lịch, chỉ có điều không thể cứ mãi “vạn lý độc hành…”./.

Mời độc giả theo dõi loạt bài: Nhân lực du lịch Việt ‘ngụp lặn’ vượt ‘sóng thần’ COVID-19

Bài 1: Nhân sự từ du lịch vật lộn "startup xuyên COVID-19"
Bài 2: Hàng loạt CEO du lịch tìm đường ‘bán mình’ vì COVID-19
Bài 3: Du lịch Việt thoi thóp chờ ‘hồi sức cấp cứu’ từ Chính phủ

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục