Bài 1: Nhân sự từ du lịch vật lộn ‘startup’ xuyên COVID-19

Nhân lực du lịch Việt ‘ngụp lặn’ vượt ‘sóng thần’ COVID-19

COVID-19 đã khiến nhân lực ngành du lịch gần như "ly tán" hết sang các nghề khác vì mưu sinh. Họ, dù rất yêu "nghề hạnh phúc" nhưng để cầm cự đi qua 4 mùa dịch đã phải "ngụp lặn" bươn chải khắp nơi...
Những nhân sự trong ngành du lịch như N.T.Trung đã và đang phải trải qua 4 "mùa COVID" đầy bão tố. (Ảnh: NVCC)
Những nhân sự trong ngành du lịch như N.T.Trung đã và đang phải trải qua 4 "mùa COVID" đầy bão tố. (Ảnh: NVCC)

Đến thời điểm này, “sóng thần COVID” đã làm tan hoang cả nền kinh tế xanh Việt Nam. Cho dù cố tỏ ra mạnh mẽ đến đâu, dù vẫn không ngừng hy vọng vào một tương lai tươi sáng có thể sớm trở lại như khi trả lời phỏng vấn báo chí, thì những ánh mắt thất thần, tiếng thở dài nén lại đứt quãng, cả những mái tóc bạc trắng vì lo lắng… của biết bao CEO, những người trực tiếp và gián tiếp làm trong ngành du lịch đã là câu trả lời chân thật nhất.

COVID-19 khiến không chỉ nhân lực ở các đơn vị kinh doanh trực tiếp mà lao động trong nhiều lĩnh vực phụ trợ như cung ứng dịch vụ du lịch, nhà hàng, khách sạn… phải lần mò tìm đường sống, kể cả việc chạy xe ôm, làm “shipper,” bán hàng online… Thậm chí, hàng loạt CEO phải xoay đủ nghề nếu muốn vượt qua “cửa tử”: từ sản xuất và bán bia, sản xuất khẩu trang, xuất khẩu nông sản, phân phối sữa chua…

[Vượt ‘sóng thần COVID’: Du lịch muốn ‘cần câu’ hơn ‘con cá’]

Giờ đây, những người trong nghề, một mặt lần hồi qua ngày, một mặt chờ đợi lãnh đạo ngành đưa ra những giải pháp khả thi để cứu nền công nghiệp không khói nước nhà thoát “cơn bĩ cực” mang tên COVID-19...

Bài 1: Nhân sự từ du lịch vật lộn "startup xuyên COVID-19"

Dưới cái nắng oi bức, ngột ngạt đầu tháng Sáu, mặt đường bốc hỏa, gương mặt Trung đỏ bừng, lưng áo lấm tấm mồ hôi vội vã đi ship cho khách túi bánh mỳ heo quay và mấy ly nước rau má. Những ngày này, các cơ sở kinh doanh ăn, uống trên địa bàn Hà Nội chỉ được phép bán hàng mang về nên nhiều khi Trung vẫn phải tự đi đơn nếu đông khách đặt hàng. N.T.Trung từng là hướng dẫn viên du lịch chuyên dẫn khách đi tour nước ngoài. Một thời bay nhảy, vi vu là thế...

Trung giống như bao lao động trong lĩnh vực du lịch và nhân lực từ các các ngành phụ trợ khác đã phải trải qua hơn một năm đầy sóng gió do ảnh hưởng khủng khiếp của COVID-19. Họ, hầu hết đều đã phải chuyển nghề để mưu sinh. Và, trên chặng đường mới ấy, có người thuận lợi, có người không…

Những hành trình mới

Thi thoảng lại thấy Đ.H.V, hướng dẫn viên du lịch của một trong những công ty lữ hành lớn nhất cả nước cảm ơn kiêm quảng cáo kiểu hóm hỉnh trên mạng xã hội như: “Cảm ơn các cô, chú, anh, chị luôn ủng hộ trai nghèo ngành du lịch vượt qua COVID-19…” hay “COVID-19 làm em bạc hết cả tóc. Bác nào về quê, đi sân bay, đi lễ, đi chơi thì alo em nhé, phục vụ xe chở các bác giá hạt rẻ kiếm nồi bánh chưng chay ăn Tết… Cảm ơn các bác đã luôn tạo công ăn việc làm cho em… Xe sạch, lái xe 18+++, có thể hỗ trợ sống ảo…”

Nhân lực du lịch Việt ‘ngụp lặn’ vượt ‘sóng thần’ COVID-19 ảnh 1Hướng dẫn viên du lịch dẫn khách đoàn thời COVID-19 còn chưa xuất hiện. (Ảnh minh họa: Xuân Mai/Vietnam+)

Cho dù mắt có thâm quầng vì lo kế sinh nhai, tóc “highlight ánh kim” nửa đầu thì cái chất hướng dẫn viên ngấm vào máu Đ.H.V bao năm vẫn không đổi như vậy, hài hước cả trong lúc khó khăn.

Là hướng dẫn viên chuyên tour Trung Quốc, anh Đ.H.V đã phải chịu cảnh thất nghiệp ngay từ khi đại dịch bùng phát. Thuộc thế hệ 7X đời cuối, nhiều năm bôn ba với nghề, nay thất nghiệp chính, anh V chuyển sang nghiệp phụ bán hàng online để toan lo cuộc sống.

Dù có mối hàng quen suốt từ những năm “xê dịch” với nghề là mặt hàng cao cấp đông trùng hạ thảo Tây Tạng, trầm hương, nhưng COVID-19 khiến kinh tế kiệt quệ, không phải ai cũng đủ tiền để dùng những món đắt đỏ đó, thành ra đơn hàng “cắc bụp,” anh lại phải kiếm thêm một nghề phụ khác để mưu sinh.

Trong khi nhiều đồng nghiệp mải miết xe ôm hay làm shipper… gia đình có chiếc bốn bánh nên anh V quyết định chạy grab du lịch vì nghĩ sẵn nghề hướng dẫn viên lại thông thạo các điểm đến. Nhưng thời buổi người khôn của khó, dịch vụ này cũng khiến anh “xanh mặt.”

Trước xu hướng du lịch kiểu gia đình nhỏ lẻ và hầu hết chọn xe tự lái như năm qua, dịch vụ của anh Đ.H.V cũng “được chăng hay chớ.” Gạt mồ hôi lấm tấm trên gương mặt sạm đen mùa dịch, anh bảo: “Biết sao được, tôi vẫn phải làm tất cả những gì có thể vì miếng cơm manh áo cho các con và gia đình.”

Không may mắn có được nhiều “nghề phụ” và sức vóc như anh Đ.H.V, Đ.T Ánh, chủ một khách sạn chuyên phục vụ khách Tây trên phố cổ Hà Nội sau nhiều năm đi làm thuê, tích lũy được kha khá kinh nghiệm và gom góp đủ vốn liếng đã chọn đầu năm 2019 khởi nghiệp riêng.

Nhân lực du lịch Việt ‘ngụp lặn’ vượt ‘sóng thần’ COVID-19 ảnh 2Khách sạn trên phố cổ buồn hiu hắt, "cửa đóng then cài" khi đại dịch ùa tới. (Ảnh minh họa: Xuân Mai/Vietnam+)

Những ngày đầu tuy vất vả trăm bề nhưng Ánh còn đang hừng hực khí thế “start up” để xây dựng đội ngũ và vận hành. Guồng máy mới bắt đầu trơn tru chưa được bao lâu thì COVID-19 ập đến. Tưởng rằng có thể gượng dậy sau mùa dịch bùng phát thứ nhất, rồi thứ hai vì vẫn còn quỹ dự phòng, nhưng tới giờ mọi thứ đã sụp đổ hoàn toàn.

Ánh bảo đợt dịch thứ hai lắng xuống, cô cùng cộng sự cũng chuyển đổi mô hình sang đón khách Việt, nhưng tỷ lệ lấp đầy phòng trung bình cũng chỉ khoảng 20-30%; thời điểm tốt nhất vào ngày nghỉ, dịp lễ Tết mới đạt công suất 60-70%. Với người làm kinh doanh, tỷ lệ đó nếu tiếp tục duy trì là cầm chắc gánh nợ. Bởi dù công suất có cao theo thời vụ thì doanh thu vẫn thấp vì giá phòng bán cho khách ta thậm chí phải giảm tới 50%.

Thời điểm đó, gặp thấy gương mặt Ánh phờ phạc, bần thần, người sọp đi vì suy tính. Sau nhiều đêm mất ngủ, Ánh quyết định… buông. Người phụ nữ có vóc dáng nhỏ bé ấy lui lại phía sau một bước để thực hiện nốt thiên chức còn dang dở: Làm mẹ.

Ở tuổi 36, dù COVID-19 có làm Ánh trắng tay sự nghiệp thì sau gần một năm thất nghiệp cô đã kịp (tôi thực sự muốn gọi là) “chuyển bại thành thắng” bằng một bé gái kháu khỉnh ra đời ngay trước khi đợt dịch thứ tư bùng phát ít ngày.

Khởi nghiệp xuyên COVID-19

Trong những nhân vật tôi gặp để thực hiện tuyến bài này, có lẽ N.T.Trung là người khiến tôi bất ngờ nhất. Trong đợt dịch đầu tiên, thất nghiệp hướng dẫn viên, đập vào mắt tôi là hình ảnh Trung, một ông bố bỉm sữa 24/7, chỉ thi thoảng tranh thủ bán hàng online kiếm thêm chút đỉnh. Vậy mà sau một năm gặp lại, tôi mới biết cậu vừa trải qua giai đoạn đáng nhớ nhất trong cuộc đời: Vật lộn “start up” xuyên COVID-19.

Nhân lực du lịch Việt ‘ngụp lặn’ vượt ‘sóng thần’ COVID-19 ảnh 3Ảnh khách hàng "check-in" khi đến thưởng thức nước rau má pha tại cửa hàng của N.T.Trung. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Có thể nói, COVID-19 là cơn ác mộng đen tối của những người làm du lịch. Nó đã hủy diệt sự nghiệp của biết bao người. Thế nhưng, COVID-19 cũng mang đến cơ hội “thay máu” cho những ai dám dấn thân và chấp nhận thử thách với một cái đầu lạnh và một trái tim nóng.

Yêu thích ẩm thực lại từng nhiều năm làm hướng dẫn viên, có cơ hội được đi nước ngoài thường xuyên, thử nhiều món độc đáo của các quốc gia, Trung thấy ngon nhất vẫn là những món ăn hè phố Việt Nam nên quyết định khởi nghiệp với tiệm nước rau má pha và bánh mỳ kẹp heo quay.

Làm ra một món ngon thì dễ nhưng để nó có hương vị riêng là bản sắc của mình khiến thực khách ăn một lần nhớ mãi thì không dễ. Vì thế, Trung đã một mình xách balô lang thang khắp các hàng bánh mỳ nổi tiếng ở Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, xem người ta làm thế nào, có gì hay để học hỏi.

“Thời điểm đó, tôi không có ý định mở chuỗi hay làm gì to tát mà chỉ tính gom góp vốn mở một cửa hàng nhỏ sống cho qua mùa dịch. Vì khi ấy nghĩ đơn giản, dịch sẽ qua mau và sớm được đi tour tiếp chứ tôi không ngờ nó kinh khủng vậy. Cuối cùng tôi phải bỏ dở nghề hướng dẫn viên để bán hàng ăn như thế này,” Trung nói.

Quen chân bay nhảy tự do, giờ phải ngồi một chỗ quán xuyến cửa hàng thực sự là thử thách với Trung. Anh bảo nếu công việc hướng dẫn viên mang lại nguồn thu nhập ổn định hàng tháng thì nay Trung “phải đi nhặt tiền lẻ mỗi ngày.” Nhìn vào mắt Trung tôi hiểu cách nói đó chẳng phải kỳ thị gì. Bởi để sống được và nuôi gia đình giữa mùa dịch, thì có “tiền lẻ” mà nhặt, được đổ mồ hôi sôi nước mắt cũng đã là hạnh phúc lắm rồi.

“Cuối năm 2020, tôi bắt đầu mở quán thứ 2, bán nhiều món hơn, thu nhập ổn hơn. Ngoài các đồ uống liên quan đến rau má, tôi bán thêm bánh mỳ heo quay ăn kèm và may mắn được thị trường đón nhận. Hiện giờ tôi có 4 cửa hàng và nhượng quyền một số cửa hàng sử dụng thương hiệu Trube, tạo được công ăn việc làm cho hơn 30 lao động,” Trung chia sẻ.

Nhân lực du lịch Việt ‘ngụp lặn’ vượt ‘sóng thần’ COVID-19 ảnh 4Chuỗi cửa hàng của N.T.Trung đã giúp được nhiều sinh viên có việc làm thêm ổn định. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Mở chuỗi xuyên dịch, bất chấp dịch (trong khi hàng loạt mặt bằng kinh doanh thường xuyên phải đóng cửa), lại chưa từng có kinh nghiệm buôn bán, bằng nỗ lực của mình chỉ một năm sau Trung đã tạo dựng được cơ ngơi siêu nhỏ như anh tự nhận. Có lẽ chỉ khi bị dồn vào bước đường cùng con người ta mới dám mạo hiểm và bộc lộ được nhiều năng lực tiềm ẩn như thế.

Nghề dịch vụ là làm dâu trăm họ, nên việc thức khuya dậy sớm, bất chấp thời tiết nắng mưa cứ có đơn là phải chạy, Trung thấm lắm. Thành quả là mỗi ngày Trung bán ra thị trường khoảng 600-700 bánh mỳ, đồ uống mùa Hè bán khoảng 1.700-1.800 cốc/ngày, còn mùa Đông “lom dom” cũng 600-700 cốc/ngày.

Được biết, bốn nhân viên chính đã gắn bó với Trung từ mùa dịch COVID-19 đầu tiên tới giờ. Trong khi đó, vấn đề nhân sự luôn là bài toán nan giải nhất với bất kỳ doanh nghiệp nào, dù là siêu nhỏ hay siêu to. Hỏi có bí kíp gì mà giữ người giỏi thế, Trung cười bảo: “Tôi tuyển người bằng tiền và giữ người bằng văn hóa...”

Trung giải thích, khi tuyển nhân viên thì trả cao hơn mặt bằng chung một chút để thu hút được người có khả năng, rồi sau đó giữ chân họ bằng cách ứng xử, đối đãi chân thành và tử tế.

Nhân lực du lịch Việt ‘ngụp lặn’ vượt ‘sóng thần’ COVID-19 ảnh 5Bánh mỳ kẹp heo quay. (Ảnh: NVCC)

Không còn được làm công việc mà mình đam mê là hướng dẫn viên nhưng giờ đây Trung đã tìm được niềm vui mới đó là tạo được công ăn việc làm cho hàng chục em sinh viên có hoàn cảnh khó khăn ở các tỉnh về Hà Nội học, hỗ trợ các em cả chỗ ăn ở; thấy sản phẩm mình làm ra được thị trường đón nhận; đó là nhiều khi cửa hàng đông khách Trung tự đi ship đồ... Niềm vui của Trung giờ là những điều giản dị như thế, cảm thấy mình không chỉ “sống” được giữa tâm dịch mà còn tạo ra những giá trị cho cộng đồng.

“COVID-19 làm tôi hụt hẫng vì không còn được đi khắp nơi trên thế giới. Nhưng vì đam mê xê dịch và những trải nghiệm mới nên khi hết dịch bệnh, có cơ hội tôi vẫn sẽ thu xếp công việc hiện tại để trở về với nghề hướng dẫn viên,” Trung bày tỏ.

Những “cá bé” như Trung, như Ánh hay anh Đ.H.V, mỗi người đều tự vật lộn để tìm cho mình một con đường riêng trong cơn bão COVID-19 liên tiếp ập đến. Họ, có thể thành công hay chưa thành công trên hành trình tìm một công việc mới, nhưng tất cả đều thấy mình may mắn vì vẫn còn có sức khỏe để tiếp tục “chiến đấu”…/.

Mời độc giả theo dõi loạt bài: Nhân lực du lịch Việt ‘ngụp lặn’ vượt ‘sóng thần’ COVID-19

Bài 1: Nhân sự từ du lịch vật lộn "startup xuyên COVID-19"
Bài 2: Hàng loạt CEO du lịch tìm đường ‘bán mình’ vì COVID-19
Bài 3: Du lịch Việt thoi thóp chờ ‘hồi sức cấp cứu’ từ Chính phủ

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục