Báo chí Campuchia đánh giá chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước

Kampuchea Thmey - một trong những nhật báo tiếng Khmer lớn tại Campuchia đã có bài viết "Thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện Việt Nam-Campuchia ngày càng gắn bó, bền chặt."
Toàn cảnh Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)
Toàn cảnh Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Ngày 26/2, ngày thứ hai cũng là ngày cuối cùng của chuyến thăm chính thức Campuchia lần đầu tiên trên cương vị Chủ tịch nước của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Kampuchea Thmey - một trong những nhật báo tiếng Khmer lớn tại Campuchia đã có bài viết "Thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện Việt Nam-Campuchia ngày càng gắn bó, bền chặt."

Theo phóng viên TTXVN tại Phnom Penh, bài báo nhận định chuyến thăm đầu tiên của ông Nguyễn Phú Trọng trên cả hai cương vị Tổng Bí thư và Chủ tịch nước diễn ra trong bối cảnh quan hệ Việt Nam-Campuchia đang tiếp tục được củng cố và tăng cường trên mọi lĩnh vực, nhất là sau thành công của chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Samdech Hun Sen và chuyến thăm nghỉ dưỡng của Quốc vương Norodom Sihamoni vào tháng 12/2018.

[Không ngừng củng cố, phát triển quan hệ Việt Nam-Campuchia]

Chuyến thăm có ý nghĩa lịch sử, tiếp tục củng cố và tăng cường niềm tin chính trị, sự gắn bó giữa hai Đảng, hai Nhà nước và tiếp tục vun đắp, đưa quan hệ song phương Việt Nam-Campuchia lên tầm cao mới.

Theo Kampuchea Thmey, niềm tin và hợp tác chính trị giữa hai nước ngày càng được tăng cường. Việt Nam và Campuchia là hai nước láng giềng, có chung biên giới trên đất liền và trên biển, cùng đồng cam cộng khổ, kề vai sát cánh bên nhau đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân cũ và mới.

Ngày nay, mặc dù tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, tình hình mỗi nước có những khó khăn nhất định, các thế lực thù địch không ngừng chống phá, chia rẽ tình đoàn kết, hữu nghị giữa hai quốc gia, dân tộc, hai bên tiếp tục nỗ lực đưa quan hệ hợp tác toàn diện phát triển ổn định, bền vững và đi vào chiều sâu.

Theo bài báo, với phương châm “Láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài,” trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; chân thành giúp nhau cùng phát triển, quan hệ chính trị-đối ngoại giữa Campuchia và Việt Nam đạt được nhiều kết quả tích cực, theo hướng ngày càng gắn bó bền chặt, tạo động lực thúc đẩy các hoạt động hợp tác kinh tế, giao lưu nhân dân và phối hợp đảm bảo an ninh quốc phòng, đặc biệt là an ninh tuyến biên giới.

Hai bên thường xuyên duy trì và phát huy hiệu quả của các cơ chế hợp tác song phương; tăng cường trao đổi các chuyến thăm, các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao hai nước tại các hội nghị, diễn đàn quốc tế và khu vực.

Cùng với quan hệ chính trị ngày càng tốt đẹp, quan hệ hợp tác quốc phòng và an ninh cũng tiếp tục được duy trì và ngày càng phát huy hiệu quả.

Hai nước đã phối hợp triển khai thực hiện có kết quả các thỏa thuận hợp tác về quốc phòng, an ninh; tăng cường hợp tác trao đổi thông tin, phối hợp bảo đảm giữ vững ổn định chính trị, xã hội ở mỗi nước, an ninh, an toàn biên giới trên bộ và trên biển, kịp thời phối hợp ngăn chặn và đấu tranh có hiệu quả các hoạt động chống phá của đảng đối lập; tiếp tục phối hợp tìm kiếm, cất bốc và hồi hương hài cốt quân tình nguyện, chuyên gia Việt Nam hy sinh ở Campuchia.

Báo chí Campuchia đánh giá chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước ảnh 1Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng hội kiến với Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia Samdech Hun Sen. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Tuy còn một số trở ngại, nhưng hai nước cũng đã đạt được những kết quả tích cực trong giải quyết vấn đề biên giới và Việt kiều. Chuyển biến tích cực trong quan hệ hai nước thời gian tới sẽ tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam và Campuchia thúc đẩy giải quyết một số vấn đề còn vướng mắc, đạt kết quả tích cực.

Về lĩnh vực hợp tác kinh tế, văn hóa, giáo dục, Kampuchea Thmey cũng nhận định có nhiều chuyển biến tích cực. Việt Nam tiếp tục dành cho Campuchia 930 suất học bổng ngắn hạn và dài hạn trong lĩnh vực kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật. Trong khi đó, Campuchia cũng dành cho Việt Nam 35 suất học bổng.

Quan hệ thương mại hai nước có bước phát triển mạnh mẽ cả về tổng kim ngạch và cơ cấu mặt hàng. Hiện nay, Việt Nam là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Campuchia. Năm 2018, tổng kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt 4,68 tỷ USD, tăng hơn 23,76% so với năm 2017.

Kampuchea Thmey cho rằng với sự quan tâm của Chính phủ hai nước, hợp tác đầu tư Việt Nam-Campuchia đã đạt nhiều kết quả tích cực.

Hiện nay, Việt Nam là một trong 5 nhà đầu tư lớn nhất tại Campuchia với 206 dự án, quy mô bình quân mỗi dự án đạt hơn 20 triệu USD, đóng góp tích cực vào công tác an ninh, xã hội và phát triển kinh tế của Campuchia.

Trong khi đó, mặc dù còn nhiều khó khăn, hạn chế về tiềm lực kinh tế, song Chính phủ và các doanh nghiệp Campuchia vẫn có những nỗ lực xúc tiến đầu tư một số dự án tại Việt Nam, nhất là trong những năm gần đây số dự án và vốn đầu tư có sự gia tăng đáng kể.

Đến nay, Campuchia có khoảng gần 20 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký đạt khoảng 58 triệu USD, đứng thứ 51 trong tổng số 116 quốc gia đầu tư vào Việt Nam.

Về hợp tác trong các cơ chế đa phương, Kampuchea Thmey đánh giá quan hệ giữa hai nước đang ngày càng chặt chẽ. Thực hiện chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế, hai bên cũng đã phối hợp chặt chẽ với nhau tại các diễn đàn quốc tế và khu vực, nhất là Liên hợp quốc, ASEAN và các cơ chế hợp tác Tiểu vùng (CLV, CMLV…).

Đặc biệt, trong xu thế hợp tác và bối cảnh các nước lớn gia tăng cạnh tranh giành ảnh hưởng ở khu vực, ba nước Lào, Việt Nam, Campuchia tiếp tục tăng cường đoàn kết, tin cậy và phối hợp chặt chẽ với nhau trong các vấn đề song phương và đa phương, phát triển mối quan hệ bền chặt, đóng góp vào sự ổn định, phát triển của mỗi quốc gia cũng như hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực.

Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định và an ninh ở Biển Đông, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, kiềm chế, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, phù hợp với nguyên tắc của luật pháp quốc tế trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982; cam kết thực hiện đẩy đủ Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và tiến tới thúc đẩy đạt được Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) một cách thực chất.

Kết thúc bài báo, Kampuchea Thmey dẫn lời Chủ tịch Hồ Chí Minh để nhấn mạnh mối quan hệ đoàn kết Việt Nam-Campuchia là đoàn kết thật lòng, đoàn kết bằng hành động, không phải đoàn kết bằng miệng.

Ngày nay, mặc dù thế giới và khu vực có nhiều biến đổi, quan hệ giữa hai nước tiếp tục có bước phát triển mới nhưng bản chất và giá trị của mối quan hệ hai nước, hai dân tộc không thay đổi, và sẽ không bao giờ thay đổi.

Kampuchea Thmey cho rằng hai nước có thể tin tưởng trong những năm tới, quan hệ hai nước sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn nữa, góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy hòa bình, ổn định và phát triển của hai nước nói riêng và khu vực Đông Nam Á nói chung./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục