BCPG có kế hoạch xây nhà máy phong điện lớn nhất ASEAN tại Lào

Công ty năng lượng tái tạo BCPG đang có kế hoạch xây dựng nhà máy phong điện lớn nhất ASEAN tại Lào, nhằm tạo doanh thu từ nhu cầu về điện ngày càng tăng.
BCPG có kế hoạch xây nhà máy phong điện lớn nhất ASEAN tại Lào ảnh 1Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: jclao)

Công ty năng lượng tái tạo BCPG có cổ phiếu niêm yết trên Thị trường chứng khoán Thái Lan (SET) đang có kế hoạch xây dựng nhà máy phong điện lớn nhất ASEAN tại Lào, nhằm tạo doanh thu từ nhu cầu về điện ngày càng tăng.

Truyền thông Thái Lan ngày 29/7 cho biết BCPG, một nhánh chuyên về năng lượng tái tạo của tập đoàn Bangchak, thông báo công ty này sẽ chi 840 triệu USD để phát triển nhà máy phong điện nói trên với công suất 600MW, trên một diện tích 64.000 ha ở Nam Lào.

Nhà máy sẽ có vị trí gần sông Mekong, đối diện với tỉnh Ubon Ratchathani của Thái Lan. Nguồn điện sản xuất được sẽ được bán cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành BCPG Bundit Sapianchai cho biết công ty có kế hoạch ký thỏa thuận mua bán điện với EVN trong tháng 10 tới để khởi động dự án có tên gọi “Thiên nga” này.

BCPG đầu tư vào dự án thông qua công ty con có tên Impact Energy Asia Development Co, với tỷ lệ sở hữu 45%, trong khi phần còn lại 55% do Impact Electrons Siam nắm giữ. Công việc xây dựng của dự án “Thiên nga” sẽ bắt đầu sau khi ký kết thỏa thuận và dự kiến nhà máy sẽ hoạt động vào năm 2023.

Theo ông Bundit, BCPG cũng đang trong quá trình mua một nhà máy điện Mặt trời hiện đang được xây dựng có công suất 200MW, với chi phí trong khoảng 100-200 triệu USD.

Lào có mục tiêu đầy tham vọng là trở thành “Bình ắc quy của ASEAN”. Ông Bundit nói rằng Lào và Việt Nam có thỏa thuận buôn bán điện qua biên giới với tổng công suất 5.000MW, do đó có nhiều cơ hội để đầu tư. Trước đó, BCPG đã tiếp quản hai dự án thủy điện Nam San 3A và 3B với tổng công suất 114MW từ một công ty ở Lào để bán điện cho EVN.

[Giải pháp hỗ trợ vận hành các nhà máy điện Mặt Trời]

Ông Bundit cho biết việc mở rộng nhanh chóng của BCPG là để nhằm bù đắp cho sự sụt giảm trong doanh thu do phụ thu cho 11 nhà máy điện Mặt trời của công ty ở Thái Lan dự kiến sẽ hết hạn trong giai đoạn 2023-2024.

Nhà chức trách Thái Lan khuyến khích các nhà đầu tư xây dựng nhà máy điện Mặt trời bằng cách bù thêm 8 baht vào giá điện, cho phép BCPG đưa điện lên lưới điện quốc gia với giá khoảng 12 baht/kilowatt giờ (kWh) trong vòng 8 năm sau khi bắt đầu hoạt động. Sau khi thời hạn đó kết thúc, giá điện sẽ giảm xuống mức trung bình 3,6 baht/kWh.

Công ty chứng khoán Krungsri hồi tháng trước ước tính sau khi hết hạn bù giá, lợi nhuận ròng của 11 nhà máy điện Mặt trời này sẽ giảm 1,5 tỷ baht (khoảng 47,5 triệu USD) mỗi năm.

Ông Bundit nói rằng BCPG duy trì kế hoạch chi 45 tỷ baht mở rộng kinh doanh trong khoảng thời gian 2020-2024 và dự kiến tăng tổng công suất phát điện từ 452 MW lên 842 MW. Nguồn vốn này sẽ dành cho các dự án ở công ty ở Lào, 3 nhà máy điện Mặt trời ở Nhật Bản cũng như dự án hệ thống làm mát (DCS) tại khu nhà của đại học Chulalongkorn ở Bangkok./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục