Black Mirror của Netflix liệu có mở ra tương lai của phim tương tác?

Với loạt phim "Black Mirror," thay vì chỉ thụ động xem một bộ phim, người xem (hoặc người chơi) sẽ được quyền lựa chọn hành động tiếp theo của nhân vật chính.
Black Mirror của Netflix liệu có mở ra tương lai của phim tương tác? ảnh 1(Nguồn: qz.com)

"Black Mirror," loạt phim truyền hình được chấp bút bởi biên kịch Charlie Brooker có xu hướng thường xuyên dự đoán và kịch tính hóa những tin tức và chính sách trên toàn thế giới.

Nhưng thay vì chỉ đơn thuần dự đoán, phần phim "Bandersnatch" mới ra mắt gần đây có thể tạo ra tương lai.

Được phát hành bởi Netflix vào ngày 28/12 vừa qua, "Bandersnatch" đã mở ra một chân trời mới.

Đây là một trong những nỗ lực đầu tiên nhằm đưa cách xem phim như chơi một trò chơi nhập vai lên một nền tảng streaming. Nhưng nó cũng có khả năng là tiền thân của một hình thức giám sát mới sẽ xâm phạm vào sự riêng tư của chúng ta dưới cái lốt giải trí.

Thay vì chỉ thụ động xem một bộ phim, người xem (hoặc người chơi) sẽ được quyền lựa chọn hành động tiếp theo của nhân vật chính.

["Black Mirror: Bandersnatch" có đến 5 cái kết để khán giả lựa chọn]

Một số lựa chọn dường như vô hại - bật nghe bài hát nào, ăn gì cho bữa sáng - nhưng sau đó sẽ nhanh chóng chuyển sang những câu hỏi về quyết định nghề nghiệp, vấn đề sức khỏe tâm thần và thậm chí là có nên lấy mạng các nhân vật khác hay không.

Tất cả những dữ liệu này được Netflix thu thập và lưu trữ trong một cơ sở dữ liệu được bảo mật. (Mặc dù với nhiều vụ tấn công gần đây xảy ra với các công ty khác, thật khó mà cảm thấy yên tâm).

Những lựa chọn của bạn được sử dụng để cải thiện trò chơi; những quyết định ban đầu tưởng chừng vô hại (như lựa chọn ăn ngũ cốc hiệu Sugar Puffs hay Frosties) sẽ ảnh hưởng đến diễn biến câu chuyện sau này. Nếu không thu thập những thông tin này, bộ phim không thể cho bạn trải nghiệm về hành trình tự lựa chọn cuộc phiêu lưu cho chính mình được.

Nhưng chuyện gì sẽ xảy ra với những dữ liệu về lựa chọn của bạn sau khi bộ phim kết thúc?

Netflix thu được rất nhiều dữ liệu về người dùng của họ. Những dữ liệu này bao gồm thông tin về thói quen xem các nội dung trên nền tảng này của bạn, ví dụ như những chương trình bạn chọn xem và thời gian bạn bỏ ra để xem chúng. Những dữ liệu này được sử dụng để gợi ý những chương trình mới mà bạn có thể sẽ thích, cũng như để cải thiện dịch vụ khách hàng và dùng cho các mục đích tiếp thị.

Nhưng nếu thay vì ghi lại số lần bạn đã xem phim "Love Actually" trong mùa lễ này, nền tảng này sẽ ghi nhớ lựa chọn của bạn giữa việc giết bố ruột của mình như một sát thủ máu lạnh hoặc cứu ông ấy? Netflix có thể làm gì với những thông tin cực kỳ nhạy cảm về mặt cảm xúc đó?

"Sự riêng tư của các thành viên Netflix là một ưu tiên của chúng tôi," một người phát ngôn của Netflix cho biết trong một email.

"Ghi lại những lựa chọn của người dùng giúp cải thiện trải nghiệm và chức năng tương tác của phần phim 'Black Mirror: Bandersnatch.' Tất cả những tương tác với bộ phim và cách sử dụng các thông tin đó đều phù hợp với tuyên bố về quyền riêng tư của chúng tôi."

Khi đọc tuyên bố về quyền riêng tư của Netflix (cũng như tuyên bố về thuật toán gợi ý của hãng), bạn sẽ không thấy có quy định rõ ràng về việc dữ liệu về những lựa chọn của người xem có được sử dụng bên ngoài trò chơi hay không.

Các chính sách bảo mật kiểu này thường mơ hồ và thiếu chi tiết vì các thuật toán thay đổi một cách thường xuyên đến nỗi không thể nào đưa mọi điểm dữ liệu vào trong văn bản.

Nhưng những dữ liệu về những chương trình bạn chọn để xem liên tục có được đối xử tương tự như với những lựa chọn mang tính hành vi nghiêm trọng hơn, ví dụ như chọn tự sát hay nhảy xuống từ gờ tường của một tòa nhà hay không?

Nếu dữ liệu trò chơi được xem là khác với dữ liệu mà Netflix đã thu thập, thì căn cứ theo GDPR (một quy định về bảo vệ dữ liệu của EU), Netflix sẽ phải thông báo cho những người dùng tại EU về thay đổi trong việc thu thập dữ liệu. Nhưng có khả năng rằng chính sách về quyền riêng tư của Netflix đủ bao quát để hãng không cần phải làm việc đó.

Vậy thì sao? Bạn có thể đặt câu hỏi như vậy. Khi bạn chơi "Bandersnatch," có thật sự là trò chơi đó phản ánh bản chất thật của bạn hay không?

Bạn lựa chọn tấn công bác sỹ trị liệu của mình vì bạn có những vấn đề nghiêm trọng về việc kiểm soát cơn giận dữ, hay chỉ vì để giải trí? Nhiều quyết định sẽ dẫn đến những ngõ cụt, nghĩa là bạn sẽ không tránh được việc phải quay lại và đưa ra một lựa chọn khác. Vậy lựa chọn của bạn trong bộ phim có thực sự tiết lộ nhiều điều về bạn hay không?

Đây là vấn đề quan trọng cần bàn luận vì ba lý do sau. Đầu tiên, Netflix có ảnh hưởng rất lớn tới cách tiếp cận thông tin văn hóa và chính trị của hàng triệu người.

Vào tháng 9 năm 2018, Netflix có 137,1 triệu người đăng ký theo dõi, và tất cả đều được kết nối vào thuật toán gợi ý. Người dùng nhiều khả năng sẽ xem những chương trình được gợi ý, và điều này sau đó sẽ làm thay đổi cách bạn cảm nhận về thế giới.

Những quyết định của bạn trong các bộ phim tương tác có thể dẫn tới những hệ quả mà bạn không mong đợi.

Nếu Netflix xác định rằng những người lập tức chọn lấy mạng một thành viên trong gia đình khi tương tác với "Bandersnatch" có nhiều khả năng sẽ thích bộ phim Kill Bill Vol 1, thì dữ liệu này sẽ được sử dụng để gợi ý cho bạn nhiều bộ phim bạo lực hơn.

Netflix đang lên kế hoạch đưa thêm nhiều nội dung tương tác lên nền tảng của mình trong năm 2019 - và hãng cũng đã chạy các nội dung tương tác cho trẻ em suốt nhiều năm qua.

Điều này sẽ cho phép họ thu thập thêm nhiều dữ liệu hành vi bản năng từ nhiều đối tượng.

Chuyện gì sẽ xảy ra nếu nền tảng này gợi ý cho bạn những chương trình cổ xúy một đảng phái chính trị cụ thể dựa theo những lựa chọn bạn đưa ra trong một bô phim tương tác gay cấn về Nhà Trắng?

Thứ hai, không khó để tưởng tượng ra rằng các công ty thu thập thông tin về bạn để chia sẻ với những chủ thể chính trị - ví dụ như YouTube hay Facebook- sẽ chuyển sang hình thức truyền thông này trong tương lai.

Dữ liệu thu được từ những bài trắc nghiệm tính cách đã dẫn đến những hệ quả rất lớn trong các cuộc bầu cử chính trị - vậy còn những trò chơi tương tác thì sao? Chúng mang đến một cách mới để hiểu về tính cách của người dùng, cũng như những gì mà họ sẽ có phản ứng.

Mối quan ngại thứ ba cũng là vấn đề nghiêm trọng nhất. Không khó để tưởng tượng rằng nếu chính phủ nắm được dữ liệu về bạn, họ có thể sẽ nghĩ bạn xứng đáng được liệt vào dạng cần được theo dõi trong tương lai.

Những nghiên cứu từ Viện Internet Oxford cho thấy có rất ít bằng chứng để chứng minh rằng việc chơi những trò chơi điện tử bạo lực sẽ dẫn đến những hành vi bạo lực trong đời sống thực. Tuy nhiên, vẫn có những chính trị gia bận tâm về điều này.

Liệu những dữ liệu của Netflix có được dùng để xác định những kẻ khủng bố trong tương lai hay giới hạn quyền tiếp cận các sân bay của bạn hay không?

Điều này không khác với "hệ thống tín nhiệm xã hội" của Trung Quốc, ở đó các cá nhân bị phán xét và trừng phạt vì không trả tiền hóa đơn hay băng ẩu qua đường mà không chú ý đến luật lệ.

Phần phim "Bandersnatch" của loạt phim Black Mirror đã mổ xẻ tư tưởng về ý chí tự do. Nhưng một chủ đề song song khác của nó chính là sự xói mòn quyền riêng tư trong cuộc sống thực của chúng ta.

Bạn nghĩ sao nếu thay vì được lựa chọn cuộc phiêu lưu của riêng mình, Netflix đang lựa chọn hộ bạn?

Black Mirror có thể đang theo dõi bạn. Và những câu chuyện của loạt phim này lại thường không kết thúc có hậu./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục