Vừa qua, trên báo chí đã phản ánh về một đường dây "chạy điểm đại học" gây xôn xao dư luận.
Nhân dịp này, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo.
-Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận định thế nào về thông tin “chạy vào đại học” mà báo chí phản ánh gần đây?
Phó Vụ trưởng Nguyễn Thị Kim Phụng: Từ những thông tin trên báo chí vừa qua, chúng tôi thấy cần xem xét trên các khía cạnh: có hay không việc các cơ sở quản lý giáo dục, các trường vi phạm tuyển sinh sai quy chế và bắt tay với các đối tượng xấu để các thí sinh không đạt điểm theo yêu cầu được vào học hệ đào tạo chính quy bậc đại học. Để trả lời câu hỏi này, chúng tôi đã yêu cầu công an vào cuộc xác minh. Nếu phát hiện có vi phạm sẽ xử lý theo quy định.
Chúng tôi cũng yêu cầu các trường báo cáo, đồng thời sẽ tiến hành thanh tra, kiểm tra, làm rõ, đặc biệt là những vấn đề dễ liên quan đến tiêu cực như công tác đào tạo khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ; vấn đề cử tuyển; vấn đề tuyển thẳng đối với một số học sinh nghèo theo Nghị quyết 30a…
Sắp tới, Bộ sẽ tổng kết 3 năm thực hiện chủ trương đào tạo nhân lực cho khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ. Quan điểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo là khuyến khích sự tham gia giám sát và phát hiện của các lực lượng xã hội trong đó có báo chí, kiên quyết không dung túng, bao che cho sai phạm.
Các thông tin trên báo chí vừa qua cũng đặt ra vấn đề là có sự lợi dụng sự kém hiểu biết, thiếu thông tin của người dân về quy định tuyển sinh của các chương trình đào tạo đại học khác nhau của các trường đại học để cò mồi, trục lợi các thí sinh và gia đình. Vì thế có hiện tượng thí sinh đủ điểm và đủ điều kiện để theo học các chương trình đào tạo đặc thù nhưng do thiếu thông tin nên bị các đối tượng cò mồi, nhân danh các công ty tư vấn giáo dục “làm giá.”
Để giảm thiểu việc này, những năm gần đây, Bộ đã yêu cầu các trường đại học phải công khai và minh bạch thông tin, coi đây là một quy định bắt buộc. Trước các kỳ tuyển sinh đại học, hàng năm Bộ cũng liên tục cảnh báo các thí sinh nên chú ý theo dõi các thông tin chính thức trên trang mạng điện tử của các trường đại học. Riêng đối với chương trình đào tạo cho khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ, chúng tôi còn quy định trách nhiệm của lãnh đạo Ủy ban Nhân dân các tỉnh phải công bố thông tin cho thí sinh và phụ huynh tại địa phương …
Tuy nhiên, về tiêu cực báo chí nêu lên vừa qua, chúng tôi thấy thời gian tới phải đẩy mạnh hơn nữa việc công tác công khai và minh bạch thông tin của cả các cấp chính quyền, các trường đại học. Các thí sinh và phụ huynh cũng nên chú ý và chủ động hơn trong việc tìm hiểu thông tin về ngành nghề theo học, nếu thấy thông tin được thông báo không có trên website của các trường thì phải tìm hiểu kỹ để quyết định.
-Bà có thể nói rõ hơn về cách thức tuyển sinh và chủ trương đào tạo nguồn nhân lực cho các tỉnh Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ ? Liệu chủ trương này có phải là kẽ hở để một số đối tượng trục lợi như một số dư luận gần đây đã đưa hay không?
Phó Vụ trưởng Nguyễn Thị Kim Phụng: Trước hết, tôi phải khẳng định chủ trương đào tạo nguồn nhân lực cho khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ là cần thiết, đúng đắn để đảm bảo cho các tỉnh có điều kiện kinh tế-xã hội còn khó khăn, chưa đủ cán bộ có trình độ để làm việc, có thể nâng cao chất lượng nguồn nhân lực bằng chế độ đào tạo đặc biệt hơn các địa phương khác.
Về quy trình xét tuyển đối với chương trình đào tạo này, xuất phát từ nhu cầu của chính các địa phương vùng miền để xác định số lượng và ngành nghề cần đào tạo.
Các tỉnh sẽ gửi yêu cầu về Ban chỉ đạo của các vùng để xác định yêu cầu về nguồn nhân lực của từng năm. Ban chỉ đạo các vùng sẽ tổng hợp nhu cầu và gửi về Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Trên cơ sở đó, Bộ sẽ cân đối với chỉ tiêu chung toàn quốc để giao chỉ tiêu. Ngoài chỉ tiêu chung toàn quốc, Bộ sẽ cân đối và căn cứ vào năng lực đào tạo của các trường sao cho việc giao thêm chỉ tiêu vẫn đảm bảo chất lượng đào tạo.
Nguyên tắc của việc giao thêm chỉ tiêu cho các vùng này là không vượt quá 5% chỉ tiêu của mỗi trường và không quá 20% chỉ tiêu của ngành đào tạo.
Đối tượng được xét tuyển vào học các chương trình này là những thí sinh đã tham dự kỳ thi đại học, cao đẳng của Bộ tổ chức, có điểm thi không thấp hơn mức điểm trúng tuyển nguyện vọng 1 của trường được giao đào tạo là 2 điểm.
Trên cơ sở đó, Bộ sẽ cân đối chỉ tiêu và gửi cho các trường được giao đào tạo, các Ban chỉ đạo và các tỉnh. Các trường được giao đào tạo là các trường trong vùng, khi các trường trong vùng đã đủ chỉ tiêu mới giao cho các trường ngoài khu vực .
Trên cơ sở chỉ tiêu đào tạo đó, lãnh đạo tỉnh sẽ tổ chức vấn đề tuyển sinh, quyết định danh sách thí sinh được tỉnh cử đi học. Tỉnh sẽ gửi đến trường đào tạo và Ban chỉ đạo của các khu vực, trên cơ sở đó, trường sẽ quyết định danh sách trúng tuyển, gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Như vậy, tất cả các nội dung trong khâu tuyển sinh và đào tạo của các trường đều có quy định chặt chẽ và thống nhất với tất cả các vùng.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai cũng không thể loại trừ hết những trường hợp lợi dụng chính sách để trục lợi bất chính. Để phòng chống tiêu cực chúng tôi luôn có chế tài để xử lý những vi phạm này. Trong bất cứ trường hợp nào, nếu phát hiện vi phạm, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ kiên quyết xử lý.
-Với những quy định rất chặt chẽ như vậy mà tiêu cực vẫn có thể xảy ra. Vậy theo bà, thời gian tới, khi các tr ường được tự chủ tuyển sinh th ì tình trạng tiêu cực, chạy điểm, chạy trường có tăng lên hay không?
Phó Vụ trưởng Nguyễn Thị Kim Phụng: Việc các cơ sở đào tạo được tự chủ để quyết định sự phát triển của mình là xu hướng chung, phù hợp với quốc tế. Luật Giáo dục Đại học đã quy định đầy đủ, chặt chẽ về các điều kiện để các trường tự chủ, trong đó có có yêu cầu về việc công khai, minh bạch trong tuyển sinh cũng như đào tạo đồng thời, cũng quy định chế tài đủ mạnh để xử lý vi phạm của các cơ sở đào tạo.
Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng có cơ chế giám sát và phối hợp với các địa phương và các trường để thực hiện đúng các quy định của pháp luật; để quyền tự chủ đi đúng hướng. Vì vậy, có thể khẳng định, việc trao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học không có nghĩa là sẽ gia tăng tình trạng tiêu cực, chạy điểm, chạy trường.
-Bà có thể cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xử lý như thế nào đối với các cơ sở đào tạo vi phạm quy định về tuyển sinh và không đảm bảo chất lượng giáo dục đại học?
Phó Vụ trưởng Nguyễn Thị Kim Phụng: Trong những năm gần đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định quản lý chặt chẽ trong công tác tuyển sinh chính là một trong các giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Bộ đã thường xuyên rà soát điều kiện đảm bảo chất lượng trong toàn hệ thống.
Cụ thể, năm 2010, Bộ đã rà soát điều kiện đảm bảo chất lượng và dừng tuyển sinh 101 chuyên ngành của 35 cơ sở đào tạo trình độ tiến sỹ và cảnh báo 38 chuyên ngành của 18 cơ sở đào tạo khác do thiếu giảng viên cơ hữu.
Năm 2012, Bộ chính thức thu hồi quyết định đào tạo tiến sỹ 57 chuyên ngành thuộc 27 cơ sở đào tạo không khắc phục được tình trạng thiếu giảng viên và dừng tuyển sinh 161 ngành đào tạo thạc sỹ của 50 cơ sở đào tạo.
Năm 2013, Bộ rà soát 2.700 ngành đào tạo trình độ đại học của 242 cơ sở và dừng tuyển sinh đối với 207 ngành đào tạo trình độ đại học của 71 cơ sở đào tạo. Năm 2014, Bộ sẽ tiếp tục rà soát điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo của hệ cao đẳng.
Từ năm 2011, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có quy định chỉ tiêu đào tạo vừa làm vừa học tối đa chỉ bằng 50% chỉ tiêu chính quy, với cùng ch ương trình đào tạo và chất lượng đầu ra đảm bảo tương đương.
Tôi nhắc lại những việc trên để cho thấy quyết tâm và những hành động cụ thể của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc không nhân nhượng với tiêu cực và kiên quyết xử lý tiêu cực trong quản lý giáo dục đại học./.