Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: 'Đã tới lúc phải thúc ép các bộ, ngành'

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, việc đơn giản hóa các thủ tục kiểm tra chuyên ngành không thể một mình ngành hải quan làm mà đã tới lúc cần kiến nghị Thủ tướng Chính phủ thúc ép các bộ.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: 'Đã tới lúc phải thúc ép các bộ, ngành' ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Tư duy hậu kiểm của các bộ theo người đứng đầu ngành tài chính là… còn xa vời. Theo Bộ trưởng, việc đơn giản hóa các thủ tục kiểm tra chuyên ngành không thể một mình ngành hải quan làm mà đã tới lúc cần kiến nghị Thủ tướng Chính phủ thúc ép các bộ.

“Không bộ nào chạy đâu được nữa”

“Thúc ép” là cách Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã nhắc lại 2 lần tại buổi tổng kết ngành hải quan sáng 11/1 khi nói về kiến nghị giảm thủ tục kiểm tra chuyên ngành tại các bộ, ngành.

[Kiểm tra hải quan chuyên ngành đang tạo ra một "rừng thủ tục"]

Nhắc lại kết quả khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng, thời gian thông quan hàng hóa chỉ có 28% phụ thuộc vào ngành hải quan, còn lại là kiểm tra chuyên ngành tại đơn vị khác.

Nhắc tới thống kê tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2017 đã vượt mốc 400 tỷ USD, Bộ trưởng nhấn mạnh, tổng mức này gấp 1,7 lần GDP. Ông khẳng định, GDP phụ thuộc lớn vào xuất nhập khẩu và nếu Việt Nam không cởi được nút thắt về thông quan hàng hóa thì “tự ta làm hẹp dư địa phát triển của ta.”

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, đây là việc không thể thực hiện với riêng ngành hải quan hay Bộ Tài chính mà phải là nhiều bộ. Người đứng đầu ngành tài chính cho rằng cần kiến nghị Thủ tướng Chính phủ thúc ép các đơn vị bởi theo ông “phải là thúc ép, không vận động, tuyên truyền được.”

Ông cũng cho rằng, với số lượng hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành hiện tại lên tới khoảng 100.000 mặt hàng, điều ngành hải quan cần làm hiện tại là rà soát thật kỹ lưỡng để từ đó chỉ ra cho từng bộ, ngành cần cắt cái gì, cắt bao nhiêu thủ tục.

Bộ trưởng nhấn mạnh, việc rà soát phải làm sâu để biết 100.000 mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành thì “chia cho ngành nào, bộ nào để không bộ nào chạy đâu được nữa.”

“Bây giờ ta phải tạo áp lực ngược lại, dồn ép ngược lại thôi,” Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng lên tiếng.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: 'Đã tới lúc phải thúc ép các bộ, ngành' ảnh 2Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phát biểu tại buổi tổng kết ngành hải quan sáng 11/1 (Ảnh: Tổng cục Hải quan)

Bộ trưởng “bị áp lực nhiều”

Riêng về thu ngân sách, Bộ trưởng Bộ Tài chính lưu ý ngành hải quan thực hiện nhiệm vụ này trong bối cảnh Việt Nam đang thực hiện nhiều hiệp định thương mại tự do với nhiều mặt hàng cắt giảm thuế suất.

Thừa nhận điều này, ông Lưu Mạnh Tưởng, Cục trưởng Cục thuế xuất nhập khẩu, Tổng cục Hải quan cho rằng, năm 2018 sẽ là năm khó khăn vì Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) có hiệu lực từ 1/1 đã có trên 90% mặt hàng có thuế suất về 0%.

Thậm chí, theo ông, một số hiệp định khác như ASEAN-Trung Quốc (ACFTA), ASEAN-Hàn Quốc (AKFTA), ASEAN-Nhật Bản (AJCEP) cũng có nhiều nhóm mặt hàng bước vào giai đoạn giảm thuế mạnh như: sắt, thép, điện tử, điện lạnh,…

Vấn đề theo ông Tưởng là ngành hải quan sẽ tiếp tục phương châm tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, cải thiện kim ngạch xuất nhập khẩu và từ đó bù đắp phần hụt thu. Vị lãnh đạo ngành hải quan nhấn mạnh giải pháp tiếp tục sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật, giảm kiểm tra chuyên ngành hay triển khai đề án một cửa quốc gia, đề án nộp thuế điện tử và thông quan 24/7,…

Tỏ ra yên tâm với kết quả thực hiện của ngành hải quan nhưng Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng lưu ý việc đẩy mạnh cải cách, đổi mới phương thức quản lý. Điều này theo Bộ trưởng có thể giúp cắt giảm biên chế. Đây là vấn đề Bộ trưởng nhấn mạnh phải rà soát lại từ tổ, đội, chi cục tới cục.

Chính Bộ trưởng bày tỏ, ông “bị áp lực nhiều” vì các đơn vị gửi văn bản, gọi điện, gặp trao đổi đề nghị lên chi cục, lên cục. Bộ trưởng nhấn mạnh quan điểm, “có những nơi đủ điều kiện là cục rồi nhưng mà không nhất thiết phải lập cục, có thể vẫn là chi cục, phải tư duy như thế mới không nở bộ máy.”

Bộ trưởng đặt câu hỏi, với số lượng doanh nghiệp xuất nhập khẩu hiện tại khoảng 70.000 doanh nghiệp, thời gian sau, nếu số lượng này tăng lên 100.000 thì liệu biên chế cũng tăng gấp rưỡi? Tư lệnh ngành tài chính khẳng định luôn: Không có chuyện đó, phải cắt giảm xuống.

Thậm chí, theo ông, phải nghiên cứu cơ cấu tổ chức bộ máy “chứ không phải mãi mãi 35-36 cục như hiện nay.” Bộ trưởng cho rằng, số lượng này có khi sẽ giảm đi.

“Tôi thấy chỗ này cần đột phá về tư duy để tổ chức thực hiện. Một số cục không đáp ứng tiêu chí cục và 5-7 năm nữa chưa chắc đáp ứng được,” Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng bày tỏ.

Cũng nói về con người, Bộ trưởng cũng lưu ý thêm ngành hải quan cần đẩy mạnh thanh kiểm tra nội bộ để phát hiện những hành vi vi phạm. Đây là vấn đề theo Bộ trưởng đã được Thủ tướng Chính phủ nói kỹ trong cuộc tổng kết ngành tài chính mới đây.

Bộ trưởng đặc biệt yêu cầu cần đưa ra khỏi ngành các bộ thoái hóa, biến chất, tiêu cực, vi phạm. Ông cũng lưu ý việc thực hiện nghiêm luân phiên, luân chuyển cán bộ.

“Đơn vị, địa bàn nào có công chức vi phạm thì thủ trưởng đơn vị phải chịu trách nhiệm,” Bộ trưởng nói./.

Tính đến 31/12/2017, số thu ngân sách ngành hải quan đạt 297.082 tỷ đồng, bằng 104,24% dự toán, bằng 100,71% chỉ tiêu do Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính giao (295.000 tỷ đồng), tăng 9,47% so với cùng kỳ 2016.

Năm 2018, ngành Hải quan được Quốc hội, Chính phủ giao dự toán thu ngân sách là 283.000 tỷ đồng.
Ông Lưu Mạnh Tưởng, Cục trưởng Cục thuế xuất nhập khẩu, Tổng cục Hải quan nói về những khó khăn năm 2018.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục