Bộ trưởng Y tế: 5 quyết định ‘cân não’ chống dịch COVID-19 đợt thứ 4

Ở góc độ chuyên môn, nhìn lại công tác chống dịch đợt 4 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết đã có 5 quyết định cân não được đưa ra.
Bộ trưởng Y tế: 5 quyết định ‘cân não’ chống dịch COVID-19 đợt thứ 4 ảnh 1Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long. (Ảnh: TTXVN phát)

Đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4 tại Việt Nam, bắt đầu từ ngày 27/4 đến nay rất khốc liệt, với biến chủng Delta cực kỳ nguy hiểm và lây lan trên diện rộng tại nhiều tỉnh, thành phố.

Phát biểu kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ vào sáng 2/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết dịch bệnh trên toàn quốc được kiểm soát. Việt Nam cơ bản kiểm soát được dịch bệnh; số ca mắc, tử vong ngày càng giảm sâu ở tâm dịch Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An…

Ở góc độ chuyên môn, nhìn lại công tác chống dịch đợt 4 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết đã có 5 quyết định cân não được đưa ra.

[Bộ Y tế thông tin liên quan việc xét nghiệm kháng thể SARS-CoV-2]

Quyết định đầu tiên là phong tỏa toàn bộ vùng có dịch tại các khu công nghiệp của Bắc Giang, Bắc Ninh; xét nghiệm tầm soát trên diện rộng, xét nghiệm nhiều vòng và lặp lại. Đây là bài học thành công nhất của Bắc Giang và Bắc Ninh trong thời điểm đó.

“Nếu chúng ta không thực hiện như vậy trong thời điểm đó thì tình hình sẽ rơi vào trạng thái rất căng thẳng, nghiêm trọng. Bài học thành công này dựa trên cơ sở thực tiễn rất đúng đắn. Khi đó, trên cơ sở phân tích về mặt dịch tễ học, sau khi trao đổi rất kỹ, chúng ta quyết định phải dùng test nhanh kháng nguyên nhiều vòng để bóc tách F0 đi cách ly, chăm sóc, điều trị phù hợp, không để tiếp tục lây lan ra cộng đồng,” Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.

Theo người đứng đầu ngành y tế, nguyên lý của bệnh truyền nhiễm là cách ly nguồn truyền nhiễm và muốn cách ly thì phải xét nghiệm để phát hiện nguồn lây. Có ý kiến cho rằng chỉ cần xét nghiệm người có triệu chứng, tuy nhiên, có đến 80% số ca nhiễm không có triệu chứng, nếu bỏ sót thì nguy cơ lây lan cộng đồng là rất lớn. Lúc đó, Việt Nam đã triển khai cùng lúc các biện pháp an sinh xã hội, lập bệnh viện dã chiến, trung tâm hồi sức tích cực. Bắc Ninh, Bắc Giang là bài học điển hình của đợt dịch thứ 4.

Quyết định thứ 2 là khi Thủ tướng, Ban chỉ đạo Quốc gia quyết định giãn cách hàng chục tỉnh, thành phố khu vực phía Nam. Đi cùng với đó, Việt Nam đã phải chuẩn bị tất cả kịch bản từ vấn đề về an sinh xã hội, đi lại, sản xuất kinh doanh, an ninh an toàn, sinh kế của người dân. Những quyết định đúng đắn, sáng suốt trong thời điểm đó, nâng từng bước một, khi thấy không có khả năng kiểm soát do diễn biến dịch quá nhanh trong thời gian ngắn trên địa bàn hẹp, ngay lập tức, Ban chỉ đạo đã đưa ra quyết định giãn cách tại 20 tỉnh, thành phố. Nhờ vậy, tình hình dịch bệnh mới kiểm soát được tình khu vực phía Nam. Quyết định đó đã góp ngăn chặn nhiều trường hợp nhiễm và tử vong trong khu vực này.

Theo giáo sư Nguyễn Thanh Long, quyết định thứ 3 phải được quan tâm và phân tích sâu hơn, đó là điều động nguồn nhân lực, huy động một cách tổng lực. Gần 300.000 lượt cán bộ, chiến sỹ, y bác sỹ, công an, quân đội… đã được huy động cho Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và các địa phương là điểm nóng về dịch bệnh. Thủ tướng quyết định điều nhân lực từ 12 địa phương về Hà Nội để tiến hành chiến dịch thần tốc xét nghiệm, chiến dịch tiêm chủng vaccine cho nhân dân Thủ đô. Đây là chủ trương hết sức đúng đắn vì lực lượng tại chỗ không thể bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch. Nguyên tắc cơ bản là xét nghiệm phải nhanh hơn quá trình lây lan của dịch bệnh.

Quyết định thứ 4 là chuyển hướng chiến lược, kết hợp hài hòa giữa lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất, xuyên suốt và phân cấp, phân quyền trong tổ chức thực hiện; xác định xã phường là “pháo đài,” người dân là “chiến sỹ,” là trung tâm phục vụ, là chủ thể trong hoạt động phòng chống dịch, thiết lập những trạm y tế lưu động, điều động quân y vào khu vực phía Nam. Bên cạnh đó, xét nghiệm thần tốc để phát hiện các trường hợp nhiễm, cách ly nguồn lây, từ đó chăm sóc, điều trị sớm, hạn chế lây nhiễm và tử vong. Đây cũng là quyết định mang tính chiến lược và hợp lý.

Quyết định thứ 5 là việc thực hiện chiến lược vaccine rất quyết liệt. Xung quanh thực hiện chiến lược này, Việt Nam đã vượt qua những rào cản rất phức tạp, nhờ có Kết luận của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội, các Nghị quyết của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Chúng ta rất công khai minh bạch. Vấn đề mua sắm vaccine cũng được quan tâm để bảo đảm tiêm chủng bao phủ ngày càng rộng. Tuy nhiên, cần làm rõ thông tin để tránh tư tưởng phân biệt nguồn vaccine từ các nước khác nhau.

Dẫn lời Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên: “Phải trong cuộc mới thấm, mới hiểu hết gian khó,” Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định: Tất cả đường hướng, chiến lược được đưa ra đúng thời điểm, kịp thời, phát huy hiệu quả và đặc biệt là rất linh hoạt, điều chỉnh trong thực hiện. Trong những rủi ro, chúng ta chọn phương án ít rủi ro nhất./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục