Bức tranh đầu tư thế giới năm 2020 và khả năng phục hồi dòng vốn FDI

Trong số các nước phát triển, dòng vốn FDI vào châu Âu dự kiến sẽ giảm từ 30-45%, nhiều hơn so với mức giảm trung bình từ 20-35% của các nền kinh tế phát triển khu vực khác.
Bức tranh đầu tư thế giới năm 2020 và khả năng phục hồi dòng vốn FDI ảnh 1Theo dự báo của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), FDI sẽ giảm thêm 5-10% vào năm 2021. (Nguồn: THX/TTXVN)

Cuộc khủng hoảng dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 sẽ khiến dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giảm mạnh trong năm 2020.

Đại dịch đã trở thành cú sốc đối với FDI khi các biện pháp phong tỏa nền kinh tế làm chậm các dự án đầu tư hiện có.

Theo dự báo của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), FDI sẽ giảm thêm 5-10% vào năm 2021. Khả năng dòng vốn FDI phục hồi vào năm 2022 và quay trở lại xu hướng cơ bản trước đại dịch là có thể, nhưng kịch bản hiện vẫn giới hạn ở sự mong đợi.

Triển vọng này chưa thực sự chắc chắn vì còn phụ thuộc vào thời gian kéo dài của cuộc khủng hoảng COVID-19 và hiệu quả của các biện pháp can thiệp chính sách của quốc gia nhằm giảm thiểu hậu quả kinh tế của đại dịch. Tương lai vẫn còn khá bất định khi những rủi ro địa chính trị, tài chính và căng thẳng thương mại tiếp tục gia tăng.

[Đầu tư trực tiếp nước ngoài toàn cầu giảm mạnh do đại dịch COVID-19]

Báo cáo Đầu tư thế giới năm 2020 của UNCTAD cho rằng FDI toàn cầu trong năm nay sẽ giảm 40% xuống dưới 1.000 tỷ USD lần đầu tiên kể năm 2005 tới nay.

Tổng thư ký UNCTAD Mukhisa Kituyi nhận định nền kinh tế toàn cầu đang trong tình trạng khó khăn khi cú sốc từ đại dịch COVID-19 ngày càng phức tạp gây tác động đến an ninh lương thực, nhất là việc sản xuất các mặt hàng thực phẩm chính lại tập trung ở một vài quốc gia lớn - nơi đại dịch vẫn diễn biến khó lường.

Viễn cảnh về một cuộc suy thoái sâu sắc sẽ buộc các doanh nghiệp đa quốc gia (MNE) phải đánh giá lại các dự án đầu tư mới. Một dấu hiệu cảnh báo sớm chính là vấn đề lợi nhuận của các MNE.

Theo UNCTAD, 5.000 MNE hàng đầu trên toàn thế giới, trong đó chiếm phần lớn vốn FDI toàn cầu, dự kiến điều chỉnh giảm trung bình 40% mức thu nhập trong năm nay với một số ngành chìm vào thua lỗ.

Lợi nhuận thấp hơn sẽ làm ảnh hưởng đến hoạt động tái đầu tư, mà trung bình chiếm hơn 50% vốn FDI.

Trong những tháng đầu năm 2020, các dự án thuộc hình thức đầu tư mới (GI) và hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) xuyên biên giới đã giảm hơn 50% so với năm ngoái.

Các giao dịch mới trong các dự án tài chính toàn cầu, một nguồn đầu tư quan trọng trong các dự án cơ sở hạ tầng, cũng đã giảm hơn 40%.

Mức độ tác động nhìn chung được đánh giá là nghiêm trọng ở mọi nơi song thay đổi theo khu vực.

Các nền kinh tế đang phát triển dự kiến sẽ chứng kiến sự sụt giảm lớn nhất về vốn FDI vì bị phụ thuộc nhiều hơn về đầu tư vào chuỗi giá trị toàn cầu (GVC), trong khi cũng không thể áp dụng các biện pháp hỗ trợ kinh tế giống như các nền kinh tế phát triển.

Trong số các nước phát triển, dòng vốn FDI vào châu Âu dự kiến sẽ giảm từ 30-45%, nhiều hơn so với mức giảm trung bình từ 20-35% của các nền kinh tế phát triển khu vực khác, do châu lục này rơi vào cuộc khủng hoảng dựa trên một nền tảng tương đối mong manh hơn.

Năm 2019, dòng vốn chảy vào các nền kinh tế phát triển khu vực châu Âu với tư cách là một nhóm đã tăng 5% lên 800 tỷ USD.

Ở châu Á, đại dịch được dự đoán sẽ làm giảm thu nhập từ việc tái đầu tư của các công ty liên doanh nước ngoài trong khu vực này.

Dòng chảy vốn vào khu vực châu Á đang phát triển sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng do tình trạng dễ bị tổn thương trước sự gián đoạn chuỗi cung ứng, phụ thuộc nặng nề vào vốn đầu tư GVC và áp lực toàn cầu nhằm đa dạng hóa các địa điểm sản xuất.

Vốn FDI vào khu vực này năm 2020 dự kiến sẽ giảm 30-45%. Trong năm 2019, dòng vốn FDI đã giảm 5% xuống còn 474 tỷ USD cho dù tăng ở Đông Nam Á, Trung Quốc và Ấn Độ.

Trung Quốc, chiếm 29% dòng vốn đầu tư của khu vực năm ngoái, đã chứng kiến FDI suy giảm 13% trong quý đầu tiên của năm nay, không bao gồm lĩnh vực tài chính.

Ở Đông Nam Á, nơi được coi là động lực tăng trưởng FDI của khu vực châu Á, đầu tư vào lĩnh vực sản xuất ôtô và điện tử quý 1/2020 đã giảm lần lượt 67% và 36%, so với mức trung bình hàng quý năm ngoái.

Theo UNCTAD, vốn FDI đổ vào khu vực Mỹ Latinh và Caribe sẽ giảm tới 50% trong năm 2020.

Đại dịch COVID-19 cùng với  những yếu kém về cấu trúc chính trị và xã hội đẩy các nền kinh tế khu vực Mỹ Latinh vào suy thoái sâu sắc và làm gia tăng các thách thức trong việc thu hút đầu tư nước ngoài.

Dòng vốn FDI đổ vào châu Phi sẽ giảm từ 25% đến 40% trong năm nay do cú sốc kép của đại dịch COVID-19 và giá cả hàng hóa thấp, đặc biệt là dầu mỏ.

Năm 2019, FDI vào châu Phi giảm 10% so với năm trước đó, đạt 45 tỷ USD với sự sụt giảm diễn ra ở hầu hết các khu vực chủ chốt.

Báo cáo của UNCTAD cũng lưu ý 32 quốc gia kém phát triển không giáp biển đang phải vật lộn với tác động kinh tế của dịch COVID-19 đối với dòng vốn FDI, đặc biệt là khi các nước phải đóng cửa biên giới để kiểm soát dịch bệnh.

UNCTAD cho rằng những quốc gia đó không thể chuyển sang vận tải đường biển trực tiếp - vốn chuyên chở tới 80% lượng hàng hóa thương mại toàn cầu.

Nhiều quốc gia kém phát triển nhất phụ thuộc vào FDI trong khai thác các ngành công nghiệp, phụ thuộc vào đầu tư trong du lịch đã bị ảnh hưởng nặng nề do tắc nghẽn chuỗi cung ứng.

Dòng vốn FDI vào các nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi dự kiến sẽ giảm 30-45% trong năm nay.

Sự sụt giảm này sẽ làm đảo ngược phần lớn mức tăng vốn FDI vào khu vực này trong năm 2019 khi tăng tới 59% lên 55 tỷ USD.

Tổng Thư ký UNCTAD Mukhisa Kituyi cho rằng các chính sách đầu tư quốc gia và quốc tế nên góp phần giải quyết những tác động kinh tế và xã hội tàn khốc của đại dịch. Chính sách đầu tư là một thành phần quan trọng trong việc ứng phó với đại dịch.

Một số nhóm đa phương, bao gồm Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), đã ban hành các tuyên bố hỗ trợ đầu tư quốc tế.

Hơn 70 quốc gia đã thực hiện các biện pháp hoặc để giảm thiểu tác động tiêu cực đến FDI hoặc để bảo vệ các ngành công nghiệp trong nước khỏi tiếp quản nước ngoài.

Đại dịch có thể có tác động lâu dài đến quá trình hoạch định chính sách đầu tư. Một mặt, nó có thể củng cố sự thay đổi theo hướng chính sách hạn chế hơn đối với đầu tư nước ngoài trong các ngành công nghiệp chiến lược.

Mặt khác, nó có thể kích hoạt cạnh tranh đầu tư gia tăng khi các nền kinh tế tìm cách phục hồi sau khủng hoảng.

Theo UNCTAD, sự không chắc chắn về kinh tế và địa chính trị sẽ chi phối triển vọng đầu tư trong trung hạn và viễn cảnh năm 2021 rất không chắc chắn.

Quỹ đạo hình chữ U với sự phục hồi của dòng vốn FDI năm 2022 như thời điểm trước khủng hoảng là có thể nhưng chỉ giới hạn ở sự kỳ vọng.

Các biện pháp chính sách được chính phủ các nước thực hiện trong cuộc khủng hoảng COVID-19 bao gồm cả việc hạn chế đầu tư mới.

Bắt đầu từ năm 2022, dòng đầu tư sẽ dần phục hồi cùng với sự đi lên của nền kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên, các xu hướng ngược chiều như việc theo đuổi tự chủ chuỗi cung ứng, thay đổi chính sách đối với chủ nghĩa dân tộc sẽ gây hậu quả sâu rộng đối với cấu trúc sản xuất quốc tế trong thập kỷ từ nay đến năm 2030.

Bất chấp sự suy giảm mạnh của dòng vốn FDI toàn cầu trong cuộc khủng hoảng COVID-19, hệ thống sản xuất quốc tế này sẽ tiếp tục đóng một vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế và phát triển./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục