Các kỳ Đại hội đại biểu toàn quốc Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh

Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh đã tổ chức thành công 11 kỳ Đại hội đại biểu toàn quốc trong hơn 90 năm xây dựng và trưởng thành.
Các kỳ Đại hội đại biểu toàn quốc Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh ảnh 1(Nguồn: TTXVN)

Hơn 90 năm xây dựng và trưởng thành, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh đã tổ chức thành công 11 kỳ Đại hội đại biểu toàn quốc và đã hoàn tất công tác chuẩn cho Đại hội đại biểu toàn quốc Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2022-2027, diễn ra từ ngày 14 đến 16/12/2022, tại Thủ đô Hà Nội.

1. Đại hội lần thứ I (năm 1950)

Sau gần 20 năm hoạt động dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ I diễn ra từ ngày 7 đến 14/2/1950, tại xã Cao Văn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Dự đại hội có hơn 400 đại biểu.

Với chủ đề “Chiến đấu và xây dựng tương lai,” Đại hội đã đề ra nhiệm vụ trước mắt của Đoàn là động viên, giáo dục, thống nhất lực lượng thanh niên, cổ vũ thế hệ trẻ tích cực tham gia sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, quét sạch kẻ thù xâm lược.

Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành Trung ương Đoàn mới, đồng chí Nguyễn Lam được bầu làm Bí thư Đoàn.

Từ thành công của Đại hội, hàng vạn nam, nữ thanh niên hăng hái xung phong tham gia phục vụ các chiến dịch và phong trào “Tòng quân giết giặc lập công,” góp phần làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu (tháng 5/1954).

2. Đại hội lần thứ II (năm 1956)

Diễn ra từ ngày 25/10 đến 4/11/1956, tại Hà Nội. Dự Đại hội có 479 đại biểu. Đại hội khẳng định những cống hiến xuất sắc của tổ chức đoàn và phong trào thanh niên trong chín năm kháng chiến và ba năm khôi phục kinh tế.

Tại Đại hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ân cần căn dặn: “Đảng và Chính phủ ta có thể tự hào đã tạo nên một thế hệ thanh niên dũng cảm như các cháu, và mong các cháu tiếp tục phấn đấu hăng hái cho công cuộc bảo vệ Tổ quốc, xây dựng nước nhà.”

Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Trung ương Đoàn gồm 30 đồng chí, đồng chí Nguyễn Lam được bầu làm Bí thư thứ nhất.

[Những kết quả ấn tượng trong công tác đoàn nhiệm kỳ 2017-2022]

Ngay sau Đại hội, tuổi trẻ miền Bắc đã phát động phong trào thi đua lao động sản xuất để khôi phục kinh tế, cải tạo và xây dựng xã hội mới. Hàng vạn thanh niên tham gia xây dựng các công trình thủy lợi, khai hoang phục hóa đất đai; hàng triệu thanh niên hăng hái theo học các lớp bổ túc văn hóa... Ở miền Nam, phong trào đấu tranh chính trị của thanh niên, học sinh, sinh viên chống đế quốc Mỹ và tay sai tiếp tục phát triển mặc dù bị đàn áp dã man.

3. Đại hội lần thứ III (năm 1961)

Diễn ra từ ngày 23 đến 25/3/1961, tại Hà Nội. Dự Đại hội có 677 đại biểu.

Đại hội quyết định lấy ngày 26/3/1931 là ngày thành lập Đoàn.Đại hội đã phát động phong trào “Xung phong tình nguyện vượt mức kế hoạch 5 năm lần thứ nhất” (1961-1965).

Đại hội bầu ra Ban Chấp hành Trung ương Đoàn gồm 71 đồng chí, đồng chí Nguyễn Lam tiếp tục được bầu lại làm Bí thư thứ nhất.

Sau Đại hội, đồng chí Nguyễn Lam được Đảng điều động nhận nhiệm vụ mới, đồng chí Vũ Quang được cử làm Bí thư thứ nhất.

Tháng 8/1964, đế quốc Mỹ leo thang gây chiến tranh phá hoại bằng không quân đối với miền Bắc, tuổi trẻ Thủ đô đã phát động phong trào “Ba sẵn sàng với hàng triệu đoàn viên thanh niên đăng ký tham gia.

Tiếp đó, tháng 2/1965, phong trào “Năm xung phong” được phát động, sau một thời gian ngắn đã có hàng vạn đoàn viên, thanh niên tham gia.

Từ hai phong trào này đã xuất hiện nhiều tập thể và cá nhân với những chiến công xuất sắc. Trong thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử và đại thắng mùa xuân năm 1975, có sự đóng góp to lớn của đoàn viên thanh niên trên khắp các mặt trận.

4. Đại hội lần thứ IV (năm 1980)

Diễn ra từ ngày 20 đến 22/11/1980, tại Hà Nội. Dự Đại hội có 623 đại biểu.

Đại hội đã quyết định đẩy mạnh hơn nữa phong trào “Ba xung kích” thành cao trào thi đua hành động cách mạng của tuổi trẻ thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Đại hội bầu Ban Chấp hành Trung ương Đoàn gồm 113 đồng chí, đồng chí Đặng Quốc Bảo được bầu làm Bí thư thứ nhất.

Vào thời điểm này, hàng triệu lượt đoàn viên thanh niên tham gia phong trào “Ba xung kích làm chủ tập thể;” gần 9 triệu đoàn viên, thanh niên tham gia phong trào “Thanh niên xung kích xây dựng và bảo vệ Tổ quốc;” hàng chục vạn thanh niên gia nhập lực lượng vũ trang, góp phần tích cực bảo vệ vững chắc biên cương Tổ quốc và làm tròn nghĩa vụ quốc tế.

Tiếp đó là các phong trào “Hành quân theo bước chân những người anh hùng” đã thu hút gần 6 triệu đoàn viên, thanh thiếu nhi tham gia và “Hành quân theo chân Bác” đã có 10 triệu thiếu niên, nhi đồng tham gia.

Tháng 5/1982, tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đoàn lần thứ 4 (khóa IV) đồng chí Vũ Mão được bầu làm Bí thư thứ nhất.

5. Đại hội lần thứ V (năm 1987)

Diễn ra từ ngày 27 đến 30/11/1987, tại Hà Nội. Dự Đại hội có 750 đại biểu.

Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Trung ương Đoàn gồm 150 đồng chí, đồng chí Hà Quang Dự được bầu làm Bí thư thứ nhất. Đại hội đã phát động phong trào “Tuổi trẻ xung kích, sáng tạo xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.”

Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ V có ý nghĩa vô cùng lớn, đó là Đại hội của thế hệ trẻ đi đầu trong công cuộc đổi mới; Đại hội của hành động, vì tương lai của thế hệ trẻ, vì hạnh phúc của nhân dân.

Trong quá trình đất nước đổi mới, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh luôn không ngừng mở rộng mặt trận đoàn kết, tập hợp thanh niên, phấn đấu cho sự nghiệp xây dựng đất nước giàu mạnh.

6. Đại hội lần thứ VI (năm 1992)

Diễn ra từ ngày 15 đến 18/10/1992, tại Hà Nội. Dự Đại hội có 797 đại biểu.

Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Trung ương Đoàn gồm 91 đồng chí, đồng chí Hồ Đức Việt được bầu làm Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đoàn.

Tháng 2/1993, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đoàn lần thứ 2 (khóa VI) đã phát động hai phong trào lớn: “Thanh niên lập nghiệp” và “Tuổi trẻ giữ nước” được tuổi trẻ cả nước nhiệt liệt hưởng ứng và lan tỏa sâu rộng trong cuộc sống.

Tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đoàn lần thứ 9, khóa VI (tháng 12/1996), đồng chí Vũ Trọng Kim được bầu làm Bí thư thứ nhất.

7. Đại hội lần thứ VII (năm 1997)

Diễn ra từ ngày 26 đến 29/11/1997, tại Hà Nội. Dự đại hội có 899 đại biểu.

Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Trung ương Đoàn gồm 125 đồng chí, đồng chíVũ Trọng Kim được bầu lại làm Bí thư thứ nhất. Đại hội đã quyết định tiếp tục phát triển hai phong trào“Thanh niên lập nghiệp” và “Tuổi trẻ giữ nước” lên một tầm cao mới.

Tại Hội nghị Ban Chấp hành lần thứ 9, khóa VII (tháng 6/2001), đồng chí Hoàng Bình Quân được bầu làm Bí thư thứ nhất.

Năm 2000 được Bộ Chính trị và Chính phủ chọn là “Năm thanh niên Việt Nam”. Từ thời điểm này, phong trào “Thanh niên tình nguyện” có bước phát triển mới. Tổ chức Đoàn các cấp đã chủ động đề xuất và đảm nhận nhiều chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội quan trọng, tiêu biểu, như dự án xóa cầu khỉ, xây cầu mới vùng Đồng bằng sông Cửu Long; xây dựng Đảo thanh niên; làm đường Hồ Chí Minh; xây dựng Làng thanh niên lập nghiệp...

Phong trào thi đua học tập, lao động sáng tạo để chiếm lĩnh đỉnh cao tri thức, khoa học công nghệ mới; sinh hoạt chính trị “Tuổi trẻ Việt Nam tiến bước dưới cờ Đảng,” “Tuổi trẻ với tư tưởng Hồ Chí Minh”... đã thu hút hàng triệu thanh thiếu niên tham gia.

8. Đại hội lần thứ VIII (năm 2002)

Diễn ra từ ngày 8 đến 11/12/2002, tại Hà Nội. Dự đại hội có 898 đại biểu.

Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Trung ương Đoàn gồm 134 đồng chí, đồng chí Hoàng Bình Quân được bầu lại làm Bí thư thứ nhất. Đại hội đã phát động phong trào “Thi đua, tình nguyện xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.”

Phong trào mới với sức sống mới, hàng triệu thanh niên thi đua học tập, tiến quân vào khoa học công nghệ; thi đua lao động sáng tạo để lập thân, lập nghiệp; xung phong tình nguyện vì cộng đồng; góp phần giữ vững an ninh chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội.

Năm 2007, hưởng ứng Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” do Đảng phát động, Đoàn thanh niên các cấp chủ động, sáng tạo triển khai thực Cuộc vận động “Tuổi trẻ Việt Nam học tập và làm theo lời Bác” và đạt những kết quả tốt.

Tại hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đoàn lần thứ 10 , khóa VIII (ngày 2/7/2005), đồng chí Đào Ngọc Dung được bầu làm Bí thư thứ nhất. Tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đoàn lần thứ 11, Khóa VIII (ngày 13/1/2007), đồng chí Võ Văn Thưởng được bầu làm Bí thư thứ nhất.

9. Đại hội lần thứ IX (năm 2007)

Diễn ra từ ngày 17 đến 21/12/2007, tại Hà Nội. Dự đại hội có 1.033 đại biểu.

Đại hội đã phát động hai phong trào “5 xung kích phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ Tổ quốc”, “4 đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp.”

Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Trung ương Đoàn gồm 145 đồng chí, đồng chí Võ Văn Thưởng được bầu lại làm Bí thư thứ nhất.

Ngày 5/10/2011, tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đoàn lần thứ 11, khóa IX, đồng chí Nguyễn Đắc Vinh, được bầu giữ chức Bí thư thứ nhất.

10. Đại hội lần thứ X (năm 2012)

Diễn ra từ ngày 12 đến 14/12/2012, tại Hà Nội. Dự đại hội có 999 đại biểu.

Đại hội đã nêu cao khẩu hiệu “Tuổi trẻ Việt Nam xây hoài bão lớn, rèn đức, luyện tài, đoàn kết, sáng tạo, xung kích xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.”

Đại hội quyết định tiếp tục triển khai hai phong trào “Xung kích, tình nguyện phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ Tổ quốc” và “Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp” nhằm tiếp tục phát huy mạnh mẽ vai trò xung kích, tinh thần tình nguyện, khơi dậy tiềm năng to lớn của thanh niên tham gia thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế.

Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Trung ương Đoàn gồm 151 đồng chí, đồng chí Nguyễn Đắc Vinh được bầu lại làm Bí thư thứ nhất.

Tại Đại hội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu quan trọng, nhấn mạnh: “Thanh niên mạnh thì dân tộc mới mạnh,” “Công tác thanh niên là vấn đề sống còn của dân tộc.”

Tổng Bí thư cũng chỉ ra những nhiệm vụ trọng tâm của công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi; bày tỏ mong muốn mỗi thanh niên và tổ chức Đoàn cần nhận thức sâu sắc hơn nữa vị trí, vai trò và sứ mệnh của mình, có “Tâm trong-Trí sáng-Hoài bão lớn,” đi đầu trong cuộc đấu tranh chiến thắng nghèo nàn, lạc hậu, đáp ứng yêu cầu cách mạng trong tình hình mới, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Ngày 21/4/2016, tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đoàn khóa X, đồng chí Lê Quốc Phong được bầu giữ chức Bí thư thứ nhất.

11. Đại hội lần thứ XI (năm 2017)

Đại hội diễn ra từ ngày 10 đến 13/12/2017, tại Thủ đô Hà Nội, với 999 đại biểu tham dự. Khẩu hiệu hành động “Thanh niên Việt Nam-Tiên phong-Bản lĩnh-Đoàn kết-Sáng tạo-Phát triển.”

Đại hội bầu 151 đồng chí vào Ban Chấp hành Trung ương Đoàn. Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đoàn lần thứ nhất khóa XI đã bầu 31 đồng chí vào Ban Thường vụ Trung ương Đoàn; bầu 4 đồng chí vào Ban Bí thư Trung ương Đoàn khoá XI; đồng chí Lê Quốc Phong tái đắc cử Bí thư thứ nhất.

Tại phiên khai mạc Đại hội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu quan trọng chỉ đạo đại hội.

Tổng Bí thư chỉ ra 3 nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ mà các cấp bộ đoàn phải tập trung thực hiện tốt: Một là, tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hoá cho thế hệ trẻ. Hai là, chăm lo củng cố xây dựng tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh thực sự vững mạnh về tư tưởng chính trị, tổ chức và hành động, xứng đáng là đội dự bị tin cậy của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ba là, đổi mới và nâng cao hiệu quả các phong trào, chương trình của Đoàn, phát huy vai trò xung kích, tình nguyện, sáng tạo của thanh niên, khẳng định vai trò của Đoàn trong đồng hành, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của thanh niên.

Ngày 11/11/2020, tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đoàn khóa XI, đồng chí Nguyễn Anh Tuấn được bầu giữ chức Bí thư thứ nhất. Ngày 25/8/2022, tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đoàn khóa XI, đồng chí Bùi Quang Huy, được bầu giữ chức Bí thư thứ nhất.

12. Đại hội lần thứ XII (năm 2022)

Với khẩu hiệu hành động "Tuổi trẻ Việt Nam Khát vọng-Tiên phong-Đoàn kết-Bản lĩnh-Sáng tạo,” Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII sẽ diễn ra từ ngày 14 đến 16/12/2022, tại Thủ đô Hà Nội, với sự tham gia của 980 đại biểu đại diện cho hơn 22 triệu đoàn viên, thanh niên Việt Nam.

Đại hội có nhiệm vụ: tổng kết việc thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, nhiệm kỳ 2022-2027; xác định mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp công tác đoàn và phong trào thanh, thiếu nhi nhiệm kỳ 2022-2027. Bầu Ban Chấp hành Trung ương Đoàn khóa XII, nhiệm kỳ 2022-2027. Bổ sung, sửa đổi Điều lệ Đoàn và thông qua Điều lệ Đoàn sửa đổi, bổ sung.

Ngay sau Đại hội, tại 67/67 tỉnh, thành Đoàn, Đoàn trực thuộc tổ chức đồng loạt Ngày Thanh niên cùng hành động với các hoạt động: Chạy bộ gây quỹ các hoạt động tình nguyện, ra quân các tổ chuyển đổi số công cộng, phối hợp hỗ trợ người dân được cấp mã định danh, đăng ký căn cước công dân và hộ chiếu, trồng cây xanh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục