'‘Cần tiên lượng các tiêu chí khi lập quy hoạch sử dụng đất quốc gia''

‘Cần tiên lượng các tiêu chí khi lập quy hoạch sử dụng đất quốc gia'

Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng trong quá trình lập quy hoạch sử dụng đất quốc gia cần có sự đổi mới, nhất là phải tiên lượng được các chỉ tiêu sử dụng đất của các vùng, địa phương...
Ảnh chỉ có tính chất minh họa. (Nguồn ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)
Ảnh chỉ có tính chất minh họa. (Nguồn ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Trước những khó khăn trong quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, tại buổi làm việc về tình hình thực hiện nhiệm vụ lập quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, diễn ra trong ngày hôm nay, 5/3, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân yêu cầu Tổng cục Quản lý đất đai thực hiện lập quy hoạch khi phân bổ cần có sự đổi mới, nhất là phải tiên lượng được các chỉ tiêu sử dụng đất của các vùng, địa phương để tránh việc thiếu chỉ tiêu phải xin điều chỉnh.

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Chu An Trường, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai cho biết theo yêu cầu của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Quản lý đất đai đã thành lập Ban Quản lý nhiệm vụ lập quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Về thông tin, dữ liệu đầu vào về nhu cầu cầu của các bộ, ngành, địa phương, Tổng cục Quản lý đất đai đã tham mưu cho Bộ Tài nguyên và Môi trường có văn bản gửi các bộ, ngành, địa phương yêu cầu báo cáo kết quả thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020) cấp quốc gia; đề xuất nhu cầu sử dụng đất thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đến nay, Tổng cục Quản lý đất đai đã nhận được báo cáo của 10/14 bộ, ngành Trung ương; 41/63 tỉnh thành phố. Trên cơ sở báo cáo của các bộ và địa phương, Tổng cục Quản lý đất đai đã tiến hành rà soát, đánh giá thông tin tài liệu, rà soát nhu cầu của các địa phương; đối với các tỉnh báo cáo còn chưa đáp ứng yêu cầu, Tổng cục Quản lý đất đai đã có văn bản yêu cầu bổ sung cụ thể và dự kiến sẽ tổ chức đi khảo sát thực địa trong tháng 3, 4/2021.

[Bộ TN-MT phấn đấu hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai trong năm 2022]

Bên cạnh đó, Tổng cục Quản lý đất đai đã rà soát bổ sung, biên tập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2020 của 6 vùng kinh tế-xã hội trên cơ sở dữ liệu bản đồ hiện trạng kiểm kê 2019 và cơ sở dữ liệu, bản đồ đất trồng lúa; xây dựng bản đồ kết quả thực hiện quy hoach sử dụng đất...

‘Cần tiên lượng các tiêu chí khi lập quy hoạch sử dụng đất quốc gia' ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Tuy vậy, đại diện Tổng cục Quản lý đất đai cũng thừa nhận trong quá trình triển khai còn gặp một số khó khăn do chất lượng các thông tin đầu vào do các bộ, ngành và địa phương cung cấp chậm; chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu.

Nguyên nhân chủ yếu là do quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh không còn và nội dung quy hoạch được lồng ghép một phần trong quy hoạch tỉnh, quy hoạch các tỉnh chủ yếu mới được triển khai; quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành do bộ, ngành chủ trì cũng đang trong quá trình lập nhiệm vụ hoặc mới bắt đầu triển khai.

Vì thế, để đảm bảo đúng tiến độ lập các quy hoạch sử dụng đất quốc gia, Tổng cục Quản lý đất đai có kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo, sớm ban hành quy định về tiêu chuẩn chuyên gia quy hoạch trong nước thuộc lĩnh vực do Bộ quản lý; các Tổng cục phối hợp chặt chẽ, trao đổi, cung cấp thông tin quy hoạch liên quan để đảm bảo các quy hoạch được đồng bộ, không xung đột…

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân đã chia sẻ khó khăn về số liệu của các bộ, ngành, địa phương và cho rằng đây là nguyên nhân khách quan do quy hoạch bộ, ngành, địa phương đang được triển khai đầu kỳ. Do đó, Tổng cục Quản lý đất đai cần bám sát chỉ tiêu phân bổ do quốc gia quản lý; chủ động cập nhật các số liệu quy hoạch của các bộ, ngành, địa phương.

Bên cạnh đó, ông Ngân cũng lưu ý Tổng cục Quản lý đất khi thực hiện xây dựng lập quy hoạch khi phân bổ cần có sự đổi mới, nhất là phải tiên lượng được các chỉ tiêu sử dụng đất của các vùng, địa phương tránh để có địa phương sử dụng đất không đủ chi tiêu, có địa phương thiếu chỉ tiêu phải xin điều chỉnh.

Ngoài ra, các đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường tăng cường phối hợp với Tổng cục Quản lý đất đai nhằm đảm bảo các quy hoạch được đồng bộ, nhất là Tổng cục Khí tượng thủy văn kịp thời cung cấp các số liệu quan trắc thủy văn để Tổng cục Quản lý đất đai có cơ sở để đưa ra phương án sử dụng đất hợp lý./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục