Cảnh báo về việc chậm tăng trưởng chiều cao ở trẻ em chưa dậy thì

Trong những nguyên nhân gây chậm tăng trưởng chiều cao ở trẻ, thiếu hormone tăng trưởng là nguyên nhân quan trọng nhưng rất khó nhận biết.
Cảnh báo về việc chậm tăng trưởng chiều cao ở trẻ em chưa dậy thì ảnh 1Đo, kiểm tra các thông tin liên quan quá trình tăng trưởng chiều cao của trẻ. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Hiện nay, nhiều trẻ em có bất thường về tăng trưởng chiều cao trước dậy thì như thấp hơn bạn bè cùng trang lứa, đặc biệt do rối loạn thiếu hormone tăng trưởng (GH).

Tiến sỹ Lê Cao Phương Duy - Phó Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương cho biết trong những nguyên nhân gây chậm tăng trưởng chiều cao ở trẻ, thiếu hormone tăng trưởng là nguyên nhân quan trọng nhưng rất khó nhận biết.

Do đó, phụ huynh cần theo dõi chiều cao của trẻ, nếu thấy có bất thường cần tầm soát, chẩn đoán và điều trị sớm, giúp cho chiều cao của trẻ trong tương lai không bị thiếu hụt, không thấp kém so với bạn bè đồng trang lứa.

Nhiều trẻ chậm tăng trưởng chiều cao

Hiện nay, tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, các bác sỹ đang điều trị cho khoảng hơn 100 trẻ chậm tăng trưởng do thiếu GH.

Trường hợp bé trai 15 tuổi, điều trị GH năm bé 7 tuổi. Thời điểm bắt đầu điều trị bé cao 113cm, nặng 26kg. Từ năm 4 tuổi, chiều cao bé tăng rất chậm (3-4 cm/năm), luôn thấp nhất lớp. Bé có chỉ định điều trị GH và điều trị liên tục trong 6 năm. Khi bé 13 tuổi, bé xuất hiện dấu hiệu dậy thì và gia đình quyết định ngưng điều trị.

[Kiểm soát chất lượng, hạn dùng của thuốc trước khi đưa ra thị trường]

Thời điểm ngưng điều trị chiều cao của bé trai là 155cm, nằm trong mức trung bình so với tuổi (trung bình bé tăng 7-8 cm/năm). Sau dậy thì 1 năm, chiều cao bé đạt được là 165cm.

Một trường hợp khác gần đây nhất là trường hợp bé trai sinh tháng 1/2016, thời điểm bé đến Bệnh viện Nguyễn Tri Phương khám vào 7/2020, chiều cao 99cm, cân nặng 15kg. Bé sinh đủ tháng, không có bệnh lý đặc biệt từ lúc sinh. Sau đó, khi đến bệnh viện thăm khám, bé được chẩn đoán thiếu GH và bắt đầu điều trị từ tháng 8/2020. Sau 6 tháng, chiều cao của bé 103 cm (tăng 4 cm), cân nặng 15,5 kg

Theo bác sỹ Duy, nhiều bậc phụ huynh sau điều trị cho con tại bệnh viện thấy phấn khởi khi trẻ có thể cải thiện chiều cao do được chẩn đoán đúng nguyên nhân và được điều trị sớm. Trẻ cũng tự tin hơn do có thể bắt kịp chiều cao bạn bè cùng trang lứa.

Tính đến nay, bệnh viện đã chẩn đoán và điều trị thành công cho hàng trăm trường hợp chậm tăng trưởng do thiếu GH.

Chú ý tốc độ tăng chiều cao của trẻ

Tiến sỹ Duy phân tích, quá trình tăng trưởng chiều cao của trẻ được chia thành nhiều giai đoạn, trong đó có hai giai đoạn sự tăng trưởng chiều cao diễn ra vượt trội là từ 0-2 tuổi và tuổi dậy thì. Thông thường, từ 4 tuổi trở đi, phụ huynh cần chú ý nhiều hơn đến tốc độ tăng trưởng chiều cao của trẻ. Nếu chiều cao của bé tăng chậm hơn 4-6 cm/năm hoặc chiều cao của bé luôn nằm gần đường cong thấp nhất so với độ tuổi (theo biểu đồ tăng trưởng chiều cao) nên cho bé thăm khám sớm để tìm nguyên nhân.

Cảnh báo về việc chậm tăng trưởng chiều cao ở trẻ em chưa dậy thì ảnh 2Bác sỹ khám và tư vấn cho phụ huynh và trẻ. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trên thực tế, phụ huynh ngày càng quan tâm đến sự phát triển chiều cao của trẻ. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh vẫn cho rằng nguyên nhân con thấp còi chủ yếu do dinh dưỡng và nhiều trường hợp trẻ đến khám tại bệnh viện sau thời gian điều trị hoặc can thiệp dinh dưỡng không hiệu quả. Nếu trẻ rơi vào trường hợp chậm cao do thiếu GH, việc thăm khám muộn hoặc điều trị không đúng cách có thể khiến trẻ mất đi “giai đoạn vàng” để có thể cải thiện chiều cao hiệu quả (thường là từ 4-13 tuổi).

Do đó, bác sỹ Duy khuyến cáo các bậc phụ huynh ngay khi phát hiện những bất thường về chiều cao ở trẻ so với biểu đồ theo dõi chiều cao, cần cho trẻ khám sớm để được xác định đúng nguyên nhân. Nếu không được điều trị, trẻ thiếu GH có chiều cao trung bình chỉ từ 135-145cm, thấp hơn nhiều so với chiều cao tối đa có thể đạt được.

Bác sỹ Trần Thị Ngọc Anh - Khoa Nội tiết (Bệnh viện Nguyễn Tri Phương) cho biết hầu hết trẻ chậm tăng trưởng chiều cao đơn thuần thì biểu hiện bên ngoài không có gì đặc biệt ngoài việc bé không tăng hoặc có tốc độ tăng chiều cao chậm. Do đó, phụ huynh khi có nghi ngờ về sự phát triển bất thường ở chiều cao của trẻ, nên cho trẻ đến tầm soát sớm.

“Với trẻ chậm cao do thiếu GH, nếu điều trị sớm, có thể bắt kịp tăng trưởng của các trẻ bình thường và hầu như sẽ đạt được chiều cao tối đa lúc trưởng thành theo di truyền của từng trẻ. Nếu để qua tuổi dậy thì, thường là sau 13 tuổi, khi các sụn xương trẻ đóng lại, việc điều trị sẽ không còn hiệu quả nữa. Vì vậy, tầm soát và điều trị sớm là yếu tố then chốt để cải thiện chiều cao trẻ do thiếu GH,” bác sỹ Ngọc Anh chỉ rõ.

Theo bác sỹ Ngọc Anh, có nhiều yếu tố chi phối sự phát triển chiều cao của trẻ, bao gồm: di truyền, dinh dưỡng, môi trường sống, chế độ sinh hoạt thể dục thể thao, hormone tăng trưởng (GH)… Trong số đó, yếu tố di truyền là không thể thay đổi được. Riêng trường hợp chậm tăng trưởng do thiếu GH, theo thống kê, trên thế giới, ước tính chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 1/3000 - 1/4.000, nhưng đây là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến chậm tăng trưởng ở trẻ em và rất khó nhận biết.

Trong cơ thể người, GH được tiết ra từ tuyến yên ở não. GH đóng vai trò quan trọng lên sự phát triển của hệ cơ xương, quyết định chiều cao của cơ thể; đồng thời GH còn tác động lên chức năng chuyển hóa của cơ thể bao gồm sự phân bố dịch, chuyển hóa lipid, prorein, cacbohydrate, sức cơ và hệ tim mạch. Thiếu GH ở trẻ em có thể đơn độc hoặc đi kèm với sự thiếu hụt các hormone tuyến yên khác. Thiếu GH thường dẫn đến sự tăng trưởng chậm bất thường và chiều cao thấp với tỷ lệ cơ thể bình thường.

Trẻ thiếu GH sẽ có chiều cao thấp hơn so với tuổi (dưới 2-3 độ lệch chuẩn dựa trên biểu đồ tăng trưởng), tốc độ tăng trưởng chậm (dưới 1,5 SD trong 1 năm hoặc dưới 5 cm/năm). Trẻ thiếu GH ở thể nhẹ, dù không ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng chiều cao hạn chế (thấp hơn nhiều so với trung bình) có thể khiến trẻ mặc cảm, tự ti cũng như không thể tham gia các hoạt động/công việc có kèm theo yêu cầu về chiều cao. Riêng đối với trẻ thiếu GH nặng có thể có những biểu hiện như giảm sản vùng mặt giữa (tạo nên gương mặt giống búp bê), tay chân nhỏ, bộ phận sinh dục nhỏ ở nam...

Hiện nay, việc phát triển công nghệ tái tổ hợp GH người từ năm 1985 đã giúp cho nhiều đối tượng với nhiều tình trạng bất thường liên quan đến GH khác nhau có khả năng tiếp cận với điều trị. Đặc biệt là trong những năm gần đây, với công nghệ hiện đại, việc sử dụng thuốc ngày càng dễ dàng, đơn giản hơn, cũng như ít tác dụng phụ. Trẻ được chẩn đoán chậm tăng trưởng do thiếu GH được chỉ định bổ sung GH.

Mục tiêu của việc điều trị này là để thay thế sự thiếu hụt GH cho sự phát triển chiều cao, các hoạt động chuyển hóa và tình trạng sức khỏe nói chung. Sau 3-6 tháng điều trị, trẻ sẽ được đo lại chiều cao và xét nghiệm máu để đánh giá kết quả và điều chỉnh liều thuốc nếu cần. Trẻ đáp ứng với điều trị sẽ tăng chiều cao từ 8-12 cm/năm. Khi đến tuổi dậy thì, trẻ sẽ được đánh giá lại xem có tiếp tục bổ sung GH hay ngưng bổ sung. Các nghiên cứu cho thấy việc điều trị với GH ở trẻ là khá an toàn.

Để việc điều trị bằng GH có hiệu quả, bệnh nhân cần lưu ý tuân thủ đúng và đầy đủ các hướng dẫn điều trị: thao tác tiêm thuốc, thời gian tiêm, liều lượng thuốc; khám định kỳ 3-6 tháng/lần; kiểm tra sự tăng chiều cao và tốc độ tăng chiều cao để đánh giá đáp ứng với điều trị GH, theo dõi tác dụng phụ của GH... Ngoài ra, phụ huynh cần phối hợp cho trẻ có các vận động thể chất phù hợp, chế độ dinh dưỡng hợp lí, ngủ sớm và đủ giấc.

Chương trình tầm soát miễn phí

Từ ngày 11-26/12/2021, Khoa Nội tiết (Bệnh viện Nguyễn Tri Phương) tổ chức chương trình “Tầm soát chậm tăng trưởng chiều cao ở trẻ em.”

Đây là chương trình hỗ trợ cộng đồng thường niên của bệnh viện nhằm giúp phát hiện sớm và theo dõi các bất thường về tăng trưởng chiều cao ở trẻ em trước dậy thì, đặc biệt do rối loạn thiếu hormone tăng trưởng (GH).

Phụ huynh nếu thấy có bất kỳ lo lắng nào về sự phát triển chiều cao ở trẻ, có thể đưa trẻ đến khám để được phát hiện sớm, tìm nguyên nhân; từ đó có hướng điều trị kịp thời, giúp trẻ có thể cải thiện chiều cao hiệu quả đến khi trưởng thành.

Đối tượng được tầm soát: Tất cả các trẻ em chưa dậy thì có nghi ngờ chiều cao thấp hơn so với độ tuổi.

Thời gian diễn ra chương trình: 8:00 - 11:00 Thứ Bảy và Chủ Nhật hằng tuần, áp dụng từ ngày 11-26/12/2021.

Địa điểm: Tầng 3, khu A - Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (468 Nguyễn Trãi, phường 8, quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh).

Thời gian, cách thức đăng ký: Từ ngày 1/12/2021 đến ngày 19/12/2021, phụ huynh gọi điện thoại đăng ký theo hotline 0786709375 (từ 8h -17h tất cả các ngày trong tuần). Bệnh viện chỉ nhận khám tầm soát cho các trường hợp trẻ đã đăng kí qua hotline.

Phụ huynh và trẻ (từ 12 tuổi) đến khám phải tiêm đủ 2 mũi vaccine COVID-19, mũi 2 đủ 14 ngày tính từ lúc tiêm đến thời điểm đến khám. Riêng trẻ dưới 12 tuổi, không nằm trong độ tuổi tiêm vaccine COVID-19 ở thời điểm hiện tại thì không cần áp dụng quy định này cho trẻ, chỉ áp dụng cho phụ huynh đưa trẻ đến khám.

Đây là năm thứ 5 liên tiếp bệnh viện tổ chức chương trình này, bắt đầu từ năm 2017. Sau 4 năm triển khai, chương trình đã tầm soát miễn phí cho hơn 1.500 trẻ. Tổng số trẻ được chẩn đoán thiếu hormone tăng trưởng là hơn 120 trẻ. Trong năm nay, chương trình diễn ra trong 3 tuần, dự kiến sẽ tiếp nhận khoảng hơn 200 trẻ đến thăm khám.

Trẻ tham gia tầm soát sẽ được các bác sỹ hỏi về tiền sử sau sinh, tiền sử bệnh tật, tiền sử gia đình, tốc độ tăng trưởng chiều cao của trẻ. Trẻ sẽ được thăm khám lâm sàng và đánh giá tình trạng tăng trưởng thông qua các chỉ số chiều cao, cân nặng, đối chiếu với các giá trị tham chiếu trên biểu đồ tăng trưởng. Trẻ cũng được chụp X-Quang xương bàn tay miễn phí khi có chỉ định để được đánh giá tuổi xương. Từ đó, các bác sĩ sẽ tư vấn về vấn đề phát triển chiều cao của trẻ là bình thường hay bất thường.

Những trường hợp nghi ngờ chậm tăng trưởng chiều cao sẽ được hướng dẫn các bước xử trí tiếp theo. Bệnh viện Nguyễn Tri Phương có chương trình khám tầm soát và chụp X - Quang xương bàn tay miễn phí cho trẻ thiếu hormone tăng trưởng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục