Cánh cửa rộng mở mời các nhà làm phim quốc tế

“Việt Nam - Môi trường hấp dẫn sản xuất phim” là tên một cuộc tọa đàm thiện chí mời gọi các nhà sản xuất phim quốc tế đến làm phim.
Trong khi số dự án sản xuất phim từ nước ngoài cũng như dịch vụ sản xuất dành cho các đoàn làm phim quốc tế còn khiêm tốn, điện ảnh Việt Nam sẵn sàng với “cánh cửa rộng mở” mời các nhà sản xuất phim nước ngoài.

Việt Nam chưa đánh thuế với các nhà làm phim nước ngoài

Tại buổi tọa đàm “Việt Nam - Môi trường hấp dẫn sản xuất phim” trong khuôn khổ Liên hoan Phim Quốc tế Việt Nam tổ chức  ở Hà Nội, ông Đỗ Duy Anh, Trưởng Phòng Hợp tác quốc tế - Cục Điện ảnh, cho biết theo thống kê, năm 2005, Việt Nam có ba dự án sản xuất phim từ nước ngoài, chín dự án cung cấp dịch vụ sản xuất phim. Đến năm 2010, Việt Nam có 4 phim dự án hợp tác, 12 dự án cung cấp dịch vụ làm phim.

Theo ông Đỗ Duy Anh, số lượng dự án sản xuất phim từ nước ngoài cũng như những dịch vụ sản xuất dành cho các đoàn làm phim quốc tế như vậy là chưa hết tiềm năng của Việt Nam. Trong khi đó Việt Nam là một nước có tình hình chính trị ổn định, có điều kiện rất thuận lợi và sẵn sàng cung ứng các dịch vụ cho sản xuất phim.

Ông khẳng định: "Việt Nam luôn khuyến khích các hãng phim nước ngoài tham gia sản xuất tại Việt Nam. Cục Điện ảnh sẽ tạo điều kiện tối đa cho các nhà làm phim nước ngoài. Đặc biệt, Việt Nam chưa đánh thuế đối với các nhà làm phim nước ngoài. Thủ tục hành chính cũng đã được cải cách nhiều nên rất hấp dẫn các nhà làm phim."

Rẻ, dễ huy động nhưng thiếu chuyên nghiệp


Với tư cách là Giám đốc một hãng phim tư nhân đồng thời lại là một người trong nghề diễn, nghệ sĩ Phước Sang đã nói ra những mời gọi khá chân tình chứ không hoàn toàn là “tiếp thị.”

Theo ông Phước Sang: “Việc làm phim ở Việt Nam sẽ đem đến cho các nhà làm phim nước ngoài rất nhiều thuận lợi. Trước tiên là việc chi phí làm phim ở Việt Nam rất rẻ bằng một phần năm so với chi phí làm phim ở nước khác.”

“Cụ thể như bộ phim ‘Mười’ mà các nhà làm phim Hàn Quốc kết hợp với ta chỉ chi phí hết 1 triệu USD trong khi đó nếu làm ở Hà Quốc sẽ mất từ 5-7 triệu USD. Các nhà làm phim của bạn đã chọn Việt Nam và đã thành công khi đem bộ phim đó về Hàn Quốc. Ngay tại Việt Nam số tiền thu từ việc chiếu phim này cũng tới phân nửa," ông Phước Sang đưa ra dẫn chứng.

Với kinh nghiệm một giám đốc hãng phim, diễn viên Phước Sang bổ sung: “Việt Nam có nhiều ưu thế với nhân công rẻ, có trình độ cao, rất nhiều bạn trẻ thế hệ 8X, 9X được đào tạo từ Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc và nhất là Mỹ.”
 
Ông còn nói rõ: “Thêm vào đó là cả một phim trường lớn, còn hoang sơ mộc mạc nên dễ khai thác một cách sáng tạo. Đó là các địa danh như đảo Phú Quốc, Cam Ranh, Hạ Long, Sapa... cùng nhiều điều kiện về khác  rất thuận lợi. Không chỉ vậy, thiết bị máy móc của Việt Nam cũng khá tiên tiến.”
 
Bà Nguyễn Thị Hồng Ngát, Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, Giám đốc Hãng phim Hội Điện ảnh, nguyên Phó cục trưởng Cục Điện ảnh, đã thẳng thắn cho rằng bên cạnh thiết bị hiện đại, tác phong làm việc của Việt Nam phải bắt kịp với thế giới. Bà Ngát ví dụ công ty PS của Canada tại Việt Nam cung cấp thiết bị rất chuyên nghiệp nhưng nhân lực của Việt Nam chưa thực sự chuyên nghiệp.

Bà Ngát nói: “Việc tổ chức và có các trường quay chuyên nghiệp ở Việt Nam còn rất yếu. Tuy nhiên, lại có thể tin tưởng vào việc thuê diễn viên quần chúng ở Việt Nam rất rẻ. Có thể huy động hàng ngàn người nhiệt tình tham gia rất dễ dàng. Làm vậy cũng tạo điều kiện việc làm cho nhiều người dân ở nơi có các cảnh quay.”

"Việt Nam không có khó khăn đặc thù"

Dưới góc nhìn của một người nước ngoài, ông Michael Digregorio, đại diện Quỹ Ford Việt Nam, cho rằng trước đây, nếu các công ty nước ngoài đến Việt Nam để làm những phim lịch sử với cuộc chiến chống lại người Mỹ, Pháp... thì bối cảnh những khu phố cổ, biệt thự Pháp... ở Hà Nội là rất phù hợp.

Nhưng để làm những phim hiện đại thì không còn phù hợp nữa, vì vậy cần có những trường quay hiện đại. Phía Việt Nam cần học tập kinh nghiệm Trung Quốc bằng cách có những bối cảnh thực, bảo tồn những khu đặc thù như Hội An...
 
Nhà quay phim kỳ cựu người Pháp Jean Romain cho rằng việc thu hút các nhà làm phim đến Việt Nam sẽ cải thiện được tình hình tài chính làm phim. Nhưng muốn các nhà làm phim quốc tế để mắt đến Việt Nam, trước hết phải có những trường quay chuẩn. Đối với nhiều bộ phim, thể loại hài chẳng hạn, bối cảnh là điều kiện tiên quyết cho sự thành bại.

Theo ông Jean Romain, từng đến Việt Nam làm phim Đông Dương nói: “Khó khăn trong ngành điện ảnh của Việt Nam cũng giống như ở các nước khác, không có gì là khó khăn đặc thù”. Ông nói thêm: “Tôi nhớ rất nhiều kỷ niệm khi làm phim 'Đông Dương' tại nước các bạn. Khi tôi có một cảnh quay cần 300 người thêu áo, tôi không gặp khó khăn gì. Ngay cả khi cần cảnh thêu cánh tay áo thì có tới 7-8 người cùng làm rất tuyệt vời. Và cánh tay bên kia cũng vậy, những người Việt Nam thật nhiệt tình và rất thích tham gia đóng phim."

Ông Christopher Terhecte, Giám đốc diễn đàn liên hoan phim Berlin bày tỏ: "Chúng tôi rất ghi nhận về sự phát triển của nền điện ảnh Việt Nam nhưng thú thực là tôi chờ đợi hơn thế. Viễn cảnh hợp tác quốc tế mà chúng tôi trông chờ ở Việt Nam lớn hơn so với thực trạng của các bạn."

“Chúng tôi hy vọng các bạn sẽ mang phim và điện ảnh của Việt Nam chu du nhiều hơn ở các nước phương Tây, chứ không chỉ chú trọng ở châu Á và Đông Nam Á,” ông  Christopher Terhecte chia sẻ./.

Nguyễn Anh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục